Làng nón lá Môn Quảng
(BNP) - Nón lá vốn là vật dụng quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Nhắc đến nón lá không thể không nhắc đến làng nón Môn Quảng (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình), những sản phẩm nón lá nơi đây chính là nét văn hóa gắn liền với miền quê nông thôn đồng bằng Bắc bộ.
Ảnh minh họa (nguồn Internet).
Cách Hà Nội khoảng 50 km, thôn Môn Quảng (xã Lãng Ngâm, Gia Bình) xưa kia là thôn thuần nông, đời sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Khoảng giữa thế kỷ XX, cụ Nguyễn Văn Cúc, người trong thôn đã mày mò đến tận làng Chuông (Hà Tây cũ) để học nghề làm nón lá, truyền lại cho bà con trong thôn.
Ban đầu chỉ có phụ nữ và trẻ nhỏ học khâu nón, khi thấy nón lá được nhiều người mua, người khâu nón có thêm thu nhập thì đàn ông ở Môn Quảng cũng học làm nón. Nghề làm nón vừa nhàn lại tranh thủ được mọi lúc mọi nơi, có người làm nhanh chỉ cần ngồi với nhau dăm ba câu chuyện cũng xong một chiếc nón. Đây là một nghề dễ học phù hợp với nhiều lứa tuổi, hơn nữa lại cho thêm thu nhập, phát triển kinh tế nên được người dân theo học và nhân rộng. Có thời điểm đến 95% số hộ, hàng trăm lao động trong thôn làm nón lá. Có những gia đình đến ba thế hệ làm nón.
Nguyên liệu để đan nón bao gồm thanh nứa làm vanh, mo và lá nón được mua từ các tỉnh Hòa Bình, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Bình… Để có được chiếc nón lá bền đẹp, đòi hỏi người làm nón phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và khéo léo từ những khâu đầu tiên: Lựa chọn lá đẹp, làm trắng và bền lá bằng bột đá, làm cho lá phẳng và xếp lên khuôn làm hai lớp, giữa hai lớp lá là một lớp mo nang mỏng. Người khâu nón phải là những người khéo tay và kiên trì khâu sao cho mũi kim lên xuống đều đặn, lỗ khâu thật nhỏ và khít. Bên trong chiếc nón thường được trang trí thêm những họa tiết, màu sắc làm cho chiếc nón lá sinh động và đẹp đẽ hơn.
Nón lá Môn Quảng không chỉ phục vụ nhu cầu cho nhân dân trong thôn và các vùng lân cận mà còn được bán tại nhiều tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên… Nghề làm nón lá góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập đáng kể cho người dân địa phương, nhiều gia đình ăn nên làm ra.
Một thời phát triển là thế mà giờ đây nghề nón lá ở Môn Quảng đang đứng trước nguy cơ mai một bởi người dân ở đây chẳng mấy ai còn tha thiết với nghề. Hiện nay trong thôn chỉ còn rất ít hộ gắn bó với nghề nón, đa số là những người chưa đến hoặc đã quá tuổi lao động. Người làm nghề nón nhanh và khéo thì mỗi ngày cũng chỉ khâu được khoảng 2-3 chiếc, trừ chi phí chỉ lãi vài chục nghìn đồng/ngày, trong khi một số ngành khác đang phát triển mạnh mẽ như nghề may gia công, nghề mộc… mang lại cho họ mức thu nhập có khi lên đến vài trăm nghìn đồng/ngày. Bởi vậy đã khiến cho nhiều người quay lưng với nghề nón. Hiện nay trong thôn còn nhiều cụ già tâm huyết muốn truyền lại nghề cho thế hệ sau, đồng thời, mong muốn mở các lớp học nghề nhằm hướng con em lưu giữ lại nghề truyền thống.