Làng tranh Đông Hồ

01/04/2013 09:03

(BNP) - Ở chốn Kinh Bắc ta, ai chẳng lạ gì làng Mái Đông Hồ, dẫu rất nhiều người chưa hề đặt chân tới - ấy là vì làng Mái là làng tranh. Hãy nghe dìu dặt câu ca:

 

 
Hỡi cô thắt bao lưng xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh
 
Làng tranh ấy đã tạo nên một dòng tranh nổi tiếng. Nổi bật trong tranh khắc gỗ dân gian và là đại biểu của tranh dân gian nước ta là tranh Đông Hồ.
 
Đông Hồ gọi tắt là làng Hồ, có tên nữa là Đông Mại hay làng Mái thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành vốn là một làng nhỏ và nghèo. Ngày xửa ngày xưa làng đó chỉ là cái ấp. Cách đây 50 năm, làng Mái chỉ có 60 hộ với gần 500 khẩu. Xưa cả làng không có lấy một ngôi nhà ngói. Nhà cửa lụp xụp, sân vườn nhỏ bé, không tường không cổng, đường ngõ lầy lội. Chả thế vùng này đã có câu: “Trăm cái tội không bằng cái lội Đồng Hồ”. Làng Hồ xưa vốn ở trong bãi ven mép nước sông, hàng năm đều bị lụt lội và nạn lở đất đe dọa, phải nhiều lần chuyển cư mới vượt đê đến địa điểm ngày nay. Tiếng là làng nhỏ, dân ít nhưng có tới 17 dòng họ khác nhau, có gốc gác từ Hải Dương, Thanh Hóa. Chưa ai rõ đích xác nghề làm tranh ở đây có tự thủa nào nhưng cứ theo dáng hình hai con vật dân gian – từa tựa như chuột - ở bia Đồng Hồ tự bi – tín thí các xã dựng năm 1680 ở nền chùa cũ làng Hồ thì nghề làm tranh hẳn đã có từ trước đây. Vì sao chỉ ở Đông Hồ mới có nghề làm tranh chứ không phải ở những xã khác? Phải chăng những nghệ nhân ở chốn xa xứ định cư ở đây đã truyền nghề? Hay là ông tổ của nghề làm tranh là người bản xứ? Hay là tại cái duyên của trời đất – một vùng lúa châu thổ, của chốn Kinh đô xưa, một con sông Đuống hiền hòa êm dịu – tạo dựng nên những con người tài hoa?
 
Tranh Đông Hồ nổi tiếng gần xa, trong Nam ngoài Bắc và đã có thời kỳ dài hưng thịnh. Tranh sản xuất mỗi vụ hàng triệu bản, được buôn bán ngay trong làng, tại nhà ở và chợ tranh. Đông Hồ có cả chợ tranh, mà chợ lại họp ở giữa chốn tôn nghiêm – cái chỗ mà ngày xưa người ta qua phải ngả nón, ấy là đình. Vào tháng chạp, đình làng biến thành chợ tranh (tháng chỉ có năm phiên) và cũng là ngày hội tranh. Cả khu đình rực rỡ màu sắc. Tranh trải trên chiếu. Tranh vắt trên tường. Tranh treo trên dây. Khách khắp nơi đến “ăn tranh”. Khi đến họ mang theo những đặc sản của quê mình như thuốc lào, chiếu, nước mắm, đồ gốm, rồi lụa… để đổi hoặc bán lấy tiền mua tranh khi về. Khi về, thuyền họ chồng chất những kiện tranh. Có những thuyền chở tranh mua vào tận Nam Bộ. Những tờ tranh theo thuyền nhân dong duổi từ Bắc vào Nam.
 
Đã có câu ca nhắc nhau:
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh
 
Người dân Đông Hồ rất tự hào với hàng nghệ thuật này của mình. Đây là lời nhắn nhủ và cũng là lời mời ân cần của cô gái Đông Hồ ngày xưa, rất tiếp thị:
 
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu
Mua tờ tranh điệp tươi màu
Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều
 
Tranh Đông Hồ có điều gì làm hấp dẫn mọi người? Trước hết nó rất đẹp – về bố cục, về màu sắc – phù hợp với cảm nhận và sở thích của đông đảo quần chúng. Tranh Đông Hồ được in trên giấy dó, với ba màu nền trắng điệp, vàng chanh, vàng cam rất hợp với không khí xuân, ngày tết và đều được gọi là tranh điệp. Song điều chủ yếu làm nên giá trị và sự lôi cuốn của những bức tranh lại chính là nội dung đa dạng phong phú, sâu sắc. Bằng nghệ thuật dung dị, thâm trầm, những bức tranh đã tái tạo cuộc sống xã hội, phản ánh chân thực đời sống nhân dân, biểu hiện ước vọng của nhân dân lao động, cổ vũ lòng yêu nước của dân tộc. Các nghệ nhân – nông dân Đông Hồ chẳng những tạo nên chất thơ trong tranh của mình mà còn trực tiếp đề thơ từng bức. Đúng là thi họa quấn quýt với nhau. Ngày xưa khi bán tranh, họ lại còn hát tặng khách những câu vịnh tranh.
 
Tranh Đông Hồ đa dạng đề tài nhưng đại thể có loại chúc tụng, thờ cúng, cảnh vật, sinh hoạt xã hội và kể chuyện lịch sử. Tất cả những nội dung trên được các nghệ nhân Đông Hồ thể hiện một phong cách rất riêng của mình – phong cách tranh Đông Hồ: Rực rỡ, tươi thắm, chân thật, tinh tế qua sắc màu, đường nét, hình thể. Ở nước ta không hiếm những nơi chuyên sản xuất tranh. Ví như ở Hà Nội có Hàng Trống. Ví như ở xứ Đoài có tranh đỏ Kim Hoàng, ở Huế có làng Sình, làng Chuồn. Trong Nam Bộ cũng có một số cơ sở. Nhiều nơi làm tranh mà Đông Hồ vẫn tồn tại và phát triển đỉnh cao hàng bao đời thì quả thật phải là tài lắm, bí quyết lắm.
 
Thời trước ở Đông Hồ hầu như gia đình nào cũng làm tranh nhưng không phải ai cũng tạo ra được mẫu. Người tạo mẫu phải là người tài năng, tài hoa, có vốn cao về học vấn và văn hóa. Một thứ được ví như gia bảo ở Đông Hồ là ván in. Từng nhà số ván không nhiều nhưng cả làng gộp lại thì nhiều lắm. Khi sản xuất tranh, các gia đình đổi ván in cho nhau, nên đã tạo ra nhiều mẫu khác nhau. Ở làng này có họ lớn như họ Nguyễn Đăng theo gia phả đã hành nghề in được 20 đời, tức là khoảng trên dưới 5 thế kỷ.
 
Ngày nay tranh Đông Hồ vẫn tồn tại nhưng chẳng còn hưng thịnh được như xưa. Nguyên nhân: có thể vì do sự cảm thụ nghệ thuật ở thời nay đã khác trước hoặc sự phát triển của các loại tranh ảnh hiện đại với sự gia tăng của kỹ thuật in ấn tiên tiến đã hấp dẫn người mua. Cũng có thể là sự vận động đổi mới của tranh Đông Hồ diễn ra không như mong muốn của số đông người tiêu dùng nên “đầu ra” bị hạn hẹp và suy giảm.
 
Nhưng dẫu sao chúng ta vẫn tự hào và rất mừng là tranh Đông Hồ vẫn tồn tại. Bằng chứng rành rành của nó không phải chỉ là thị trường trong nước mà cả ngoài nước đã và đang tiếp nhận. Tranh Đông Hồ vẫn có mặt ở trong Nam ngoài Bắc và ở nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Singapo, Pháp, Đức, Nga, Mỹ… Với đường lối chấn hưng văn hóa dân tộc của Nhà nước, chắc chắn tranh Đông Hồ sẽ được hưng thịnh, trả lại vai trò và vị trí xứng đáng của mình trong đời sống xã hội. Câu ca quen thuộc và đầy thương nhớ hẳn sẽ lại vang nên và cất cao:
 
Hỡi cô thắt bao lưng xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh.

 

Tổng hợp : ST