Nghề rèn làng Vát sự “tài hoa, tháo vát” của người Việt Vân
Cũng như bao cộng đồng làng xã nơi miền quê Kinh Bắc, cư dân vùng đồng chiêm Quế Võ đã tạo lập, gìn giữ và phát triển khá nhiều nghề truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa như nghề làm gốm, đan lát dụng cụ sinh hoạt, nghề rèn đúc nông cụ… Trong đó, nghề rèn sắt thủ công của người làng Vát - thôn Việt Vân xã Việt Thống- không chỉ nức tiếng một thời mà còn luôn gắn bó mật thiết với nhiều gia đình nơi thôn quê, lúc đông vụ.
![](/documents/20182/14262014/29.18.jpg/ccba064d-c394-43ca-9e79-f5c21c22e29b?t=1517450768149)
Nghề rèn thủ công xưa từng được xã hội trân trọng tôn vinh bởi sự tài hoa, khéo kéo của người thợ, vì không phải bất kỳ ai cũng có thể làm thành thục. Và điều này từng được nhắc đến qua câu ca dao “Một bên đèn sách văn chương; Một bên đe, búa em thương bên nào. Đèn sách em vứt xuống ao; Đe, búa em để võng đào em đưa…”. Với người làng Vát, khó ai nhớ rõ khởi thủy của nghề rèn, chỉ biết rằng theo các bậc cao niên nơi đây thì nghề rèn đã có từ hàng trăm năm nay. Trẻ làng rèn sinh ra đã quen mắt, quen tai với tiếng búa quai, tiếng ống bễ phì phò thâu đêm suốt sáng. Và nói đến nghề rèn, người làng Vát thường tự hào với câu thành ngữ “Liềm rào, Dao Vát”, bởi dao Vát từ lâu đã nổi tiếng bén ngọt mà người thợ làng khác khó bề sánh kịp.
Ông Nguyễn Văn Khoản, sinh năm 1940, một thợ rèn kỳ cựu làng Vát- người từng được UBND tỉnh Hà Bắc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân” năm 1967 cho biết: Thời kỳ sôi động và hưng thịnh nhất của làng nghề là vào khoảng những năm 1950 của thế kỷ trước. Hầu hết các sản phẩm như dao, kéo, liềm, cuốc… đều được khách buôn từ một số vùng lân cận tìm về đặt trước. Cả làng tất bật với nghề, ba giờ sáng đã bắt đầu nổi lửa. Bên cạnh nhiều gia đình giầu có nhờ làm nghề như hộ ông Lương, ông Đốc, ông Minh, ông Quản Lưu, ông Quả Khôi…, nghề rèn đã giúp cho các hộ dân làng Vát có cuộc sống khấm khá hơn. Thời điểm những năm 1966- 1967, làng Vát có cả một tổ chuyên khâu với 32 thợ rèn cốt cán sản xuất theo chính sách kế hoạch hóa tập trung. Sản phẩm do nhà nước bao tiêu, công thợ được quy đổi ra công điểm để trả lương bằng thóc. Tổ sản xuất này trực tiếp do ông Khoản, ông Đốc phụ trách.
Theo ông Khoản, nhề rèn cũng lắm công phu. Quy trình rèn phải qua biết bao công đoạn từ việc chọn lựa nguyên vật liệu, chuẩn bị nhiên liệu đến thổi bễ, cặp sắt tôi, quai búa đập… Khi sản phẩm thành hình thì chuyển qua khâu gia công bào, gọt, làm chuôi, tra cán, lau chùi và cuối cùng là chuyển đến người tiêu dùng.
Thông thường một lò rèn truyền thống chỉ cần một thợ chính dùng búa con, kìm kẹp sắt để tạo dáng ản phẩm, hai thợ phụ thổi bễ và quai búa to.Tiếp theo quy trình rèn là công đoạn cặp. Cặp là giai đoạn tôi luyện, gia cố, định hình các thỏi sắt. Động tác cặp, đập búa rồi cuối cùng tôi nước là những thao tác lặp đi lặp lại nhiều lần đến khi thỏi sắt được định hình. Người cặp đòi hỏi phải có chuyên môn cao, nhìn lửa biết non, già, biết khi nào dồn lửa và dừng lửa.
Ông Khoản bảo câu thành ngữ “Gần lửa rát mặt” trong dân gian chính là là để chỉ người thợ cặp này. Vì tính chất quan trọng của công đoạn cặp nên công việc này thường là do chủ lò- thợ chính- đảm trách. Khi rèn, người ta cho sắt vào nung đỏ, đưa ra để lên đe dùng búa đập, sắt nguội lại cho vào lò nung, cứ như vậy đến khi tạo ra được sản phẩm vừa ý. Sau khi tạo xong dáng của sản phẩm thì tiến hành tôi sắt.
Trong khâu tôi sắt của người thợ làng Vát có một “bí quyết” riêng để tạo nên những sản phẩm có chất lượng cao, đó là khả năng nhìn mầu sắt để đưa vào tôi. Người làng Vát có nhiều cách tôi sắt khác nhau, có loại sắt thì tôi bằng nước lã, có loại thêm một lượng muối vừa phải, nhưng quan trọng là phải biết cách xem loại sắt để chọn cách tôi, như thế sản phẩm mới sắc và bền. Sau khi tôi xong là đến giai đoạn mài. Trước đây, người làng Vát thường mài dao bằng đá nhưng nay đã có máy mài thay thế.
Nâng con dao lên phía ánh nắng mặt trời, ông Nguyễn Văn Khoản chậm rãi "Nói thật, nhìn nước thép đổi màu chúng tôi có thể nhận ra được đấy có phải là con dao làng Vát hay không, thậm chí có thể gọi tên nó do nhà nào làm ra. Đấy là bí kíp của cha ông mà không sách vở nào dạy hết...". Để có một con dao tốt phải bắt đầu từ giai đoạn tôi. Sắt khối phải vừa tuổi lửa, non quá dễ bị quăn lưỡi, già quá sẽ bị mẻ hoặc rạn. Làng Vát có phương pháp bổ thép với nước tôi không vùng nào có được. Miếng sắt nung vừa chín tới được bổ đôi để nhồi lưỡi thép vào giữa theo một tỷ lệ phù hợp với trọng lượng sắt. Mài cũng giữ một vai trò quan trọng. Đôi tai và con mắt của người thợ lâu năm trong nghề chỉ cần nhìn vào hoa lửa bắn ra hoặc nghe tiếng máy kêu cũng có thể biết được sản phẩm đã hoàn thiện hay chưa. Đấy chính là lý do vì sao những người vùng khác đến học nghề không thể "lấy" được bí kíp của người thợ làng Vát.
Nghề rèn trông rất công phu như thế nhưng công cụ làm nghề thì rất đơn giản. Nếu so sánh với các nghề truyền thống khác thì dụng cụ nghề rèn ít ỏi hơn nhiều, chỉ có cái đe, vài cây búa, cái cặp và cái bễ… Thế nhưng một thỏi sắt khi qua tay nghệ nhân làng Vát bỗng chốc đã trở thành công cụ lao động, hay phương tiện sinh hoạt không thể thiếu trong cuộc sống. Chỉ bằng bàn tay và đôi mắt cộng với những kinh nghiệm dầy lên theo tuổi tác thì người thợ rèn làng Vát đã nhanh chóng xác định được độ chín sản phẩm của mình. Mỗi một sản phẩm được tạo ra đều đạt được những giá trị về độ sắc, độ bền và độ dẻo dai rất thích hợp với các công việc lao động cũng như tâm lý của người tiêu dùng.
Nghề rèn truyền thống của người làng Vát đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của đôi bàn tay con người. Cao hơn nữa là sự kiên trì, tháo vát và sáng tạo của người thợ rèn để có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của cư dân trồng lúa nước. Tuy nhiên, trước áp lực của cuộc sống hiện đại và sự cạnh tranh của cơ chế thị trường, nghề rèn truyền thống của người làng Vát đã mai một khá nhiều. Cả làng chỉ còn 4 hộ làm nghề. Ngay như lò rèn của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Khoản cũng đã không đỏ lửa từ lâu, mặc dù bí quyết nghề nghiệp ông đã truyền lại cho cả ba người con trai.
Khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề rèn truyền thống của người làng Vát là yêu cầu cấp bách và ý nguyện của nhiều hộ dân nơi đây, bởi nó không chỉ đơn thuần mang lại hiệu quả kinh tế xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa làng nghề miền Kinh Bắc. Và đó cũng chính là trăn trở và mong ước của những người muốn “giữ lửa” cho nghề rèn truyền thống làng Vát hôm nay.