Lễ hội truyền thống đền Vân Mẫu

28/01/2021 08:54

Hàng năm, cứ đến ngày 15 tháng 4 (âm lịch) đền Vân Mẫu thuộc khu Hai Vân, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh lại được mở hội và 5 năm một lần lại tổ chức rước kiệu, tế lễ Thánh của các Hàng từ. 

Ảnh minh họa (Nguồn Internet).

Lễ hội đền Vân Mẫu là hội vùng nổi tiếng của 372 làng thờ Thánh Tam Giang dọc các sông Cầu, Cà Lồ và sông Thương, nhằm tưởng niệm, tri ân với “Thánh Mẫu Tam Giang”, người có công sinh thành, nuôi dưỡng các danh tướng họ Trương có công đánh giặc Lương ở thế kỷ VI.

Đền Vân Mẫu vốn được khởi dựng từ lâu đời, theo nhiều thư tịch cổ ghi chép và có thể tóm tắt như sau: Vào thế kỷ VI, nước ta bị nhà Lương đô hộ, năm 542, Lý Bí đã lãnh đạo nhân dân phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương xâm lược, lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân. 3 năm sau, nhà Lương lại mang đại quân sang xâm lược nước ta, Lý Nam Đế không chống nổi, đã trao quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Lương. Các danh tướng họ ( Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy) quê ở thôn Vân Mẫu, xã Vân Dương, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, đã triệu tập nhân dân trong tỉnh cùng hợp binh đánh thắng quân giặc. Triệu Quang Phục lên ngôi vua được một thời gian thì Lý Phật Tử đã dùng kế gian lật đổ ngôi vua. Biết các danh tướng họ Trương là những người tài giỏi, Lý Phật Tử đã cho mời các ông ra làm quan, không được thì o ép truy lùng. Các danh tướng họ Trương đã không chịu khuất phục đưa cả gia đình tuẫn tiết ở  vùng ngã ba sông Cầu, giữ trọn tấm lòng trung quân ái quốc với vua. Các danh tướng họ Trương  đã sống mãi trong tâm linh tín ngưỡng dân gian, được 372 làng dọc các con sông thuộc các tỉnh ( Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên) thờ làm Thần/ Thánh/ Thành Hoàng làng, còn gọi là “Thánh Tam Giang”.  

Đền Vân Mẫu nổi tiếng trong dân gian bởi lễ hội truyền thống. Theo tục lệ, để lễ hội được diễn ra long trọng, tôn nghiêm, ngay từ trong năm, dân làng đã họp bàn bầu Quan Đám, chọn quan viên tế, chọn người rước cờ, kiệu, làm cỗ bàn, bảo đảm an ninh, trật tự… Ông Đám được nhận ruộng hương hỏa của đền chuẩn bị lễ vật (lợn tế, hương, đăng, hoa quả…). Vào hội, sáng ngày 14, ông Đám cùng với các cụ hương lão tới đền thực hiện nghi lễ khấn bái mở cửa đền, bao sái đồ thờ tự và xin phép Thánh Mẫu được mở hội cho nhân dân.

Sáng ngày 15 chính hội, dân làng tổ chức rước và tế lễ Thánh Mẫu long trọng tôn nghiêm. Sau phần tế lễ là đến các “Hàng từ” - Các làng cùng thờ Thánh Tam Giang đều tập trung về đền tế lễ tưởng nhớ công lao của đức thánh Mẫu. Theo quy ước,Hàng từ nào gần thì rước kiệu gỗ, Hàng từ nào xa thì rước “kiệu giấy” tượng trưng  trong có bài vị Thánh để làm lễ tế Thánh Mẫu. Đoàn rước đi theo thứ tự các làng và rợp trời cờ, kiệu, siêu đao, bát bửu, xà mâu, gươm, giáo…tượng trưng cho cuộc hành quân đánh giặc của Thánh Tam Giang. Đoàn rước tiến ra lăng mộ của Thánh Mẫu bái Mẹ/ Mẫu, sang miếu Gốc Sồng khấn cô em (nơi Đạm Nương hóa), về gã tư Chu Mẫu, nơi có hòn đá to tương truyền là bệ để chậu giặt quần áo của Thánh Mẫu, vào nhà Cố Trạch ( nhà ở) làm lễ tạ. Sau khi làm tế lễ tại đình, đoàn rước trở về lại đền thờ Mẫu.

Ngoài phần lễ của các Hàng từ, các gia đình trong làng đều mang lễ vật lễ Thánh cầu cho một năm mới người khang vật thịnh.

Phần hội diễn ra với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: tập trận, đánh cờ, đấu vật, kéo co, chọi gà, bắt vịt…buổi tối có hát quan họ, diễn tuồng đã thu hút hàng vạn nhân dân địa phương và du khách thập phương về trảy hội.

Chiều ngày 16 tháng 4, gia đình ông Đám cùng các cụ hương lão mang lễ vật làm lễ đóng cửa đền. Ông Đám kính cáo đức Thánh công tác tổ chức lễ hội của nhân dân đã hoàn thành xin phép được đóng cửa đình, kết thúc một năm lễ hội thành công, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh trong năm.

Lễ hội đền Vân Mẫu là bức tranh lịch sử hoành tráng đã hội tụ, kết tinh và tỏa sáng về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống quân xâm lược nhà Lương ở thế kỷ VI; đặc biệt phản ánh về lai lịch, công trạng của các danh tướng họ Trương quê ở Vân Mẫu, Vân Dương, Bắc Ninh, những danh tướng “ sinh vi lương tướng, tử vi thần”  tức là sống anh hùng đánh giặc, chết hiển linh làm thần, đã sống mãi trong tiềm thức nhân dân ta.

Nguồn: bacninhtourism.vn