Chung tay bảo tồn Tranh dân gian Đông Hồ

06/11/2020 08:59

(BNP) - Từ bao đời nay, làng Đông Hồ, nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành có nghề làm tranh truyền thống, phản ánh ước mơ, khát vọng sống của con người về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc.

Đông đảo người dân thích thú tìm hiểu về tranh dân gian Đông Hồ.

Trong lịch sử văn hóa nghệ thuật Việt Nam xuất hiện nhiều dòng tranh dân gian đặc sắc như: Tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Kim Hoàng (Hà Tây cũ), tranh làng Sình (Huế)…, nhưng tranh dân gian Đông Hồ là dòng tranh tiêu biểu nhất, có sắc thái riêng hòa vào dòng chảy chung của mỹ thuật Việt Nam. Ra đời từ khoảng thế kỷ XVII, trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, tranh dân gian Đông Hồ vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt không chỉ ở trong nước mà còn có mặt ở nhiều bảo tàng trên thế giới, trở thành một trong những sản phẩm văn hóa đại diện cho di sản văn hóa dân tộc sớm được xuất ra thị trường nước ngoài.

Tranh Đông Hồ hấp dẫn, độc đáo ở màu sắc, bố cục, khuôn hình. Ngôn ngữ tạo hình đơn giản, dễ hiểu, hình tượng rõ ràng, đáp ứng được những nhu cầu về tâm lý, tư tưởng, tình cảm và mong ước của nhiều đối tượng nên tranh Đông Hồ dễ đi vào lòng người với những ấn tượng sâu sắc. Với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, tranh Đông Hồ có màu sắc gần gũi, ấm áp rất đặc biệt mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới có. Chỉ với 4 màu cơ bản: đen, vàng, đỏ, xanh, các nghệ nhân vẫn làm nên những bức tranh hết sức sống động, hài hòa và vô cùng độc đáo.

Dòng tranh Đông Hồ đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, mang giá trị to lớn nhưng lại đang mai một. Hàng nghìn bản khắc đang được lưu trữ tại các gia đình nghệ nhân gắn bó với nghề tranh tại làng Đông Hồ nhưng phần lớn để phủi bụi, chưa có phương án bảo quản tốt nhất. Thế hệ nghệ nhân có năng lực chạm khắc càng ngày càng ít, số người chạm khắc bản mới rất ít, nguyên liệu làm tranh ngày càng hiếm. Hiện ở làng Đông Hồ chỉ còn 3 gia đình nghệ nhân say mê với nghề, với tổng cộng chỉ còn hơn 30 người. Nghề làm tranh có những bí quyết, nhiều công đoạn, không phải mở lớp là đào tạo được lớp kế cận. Bên cạnh đó, đầu ra cho các sản phẩm cũng là một thách thức lớn.

Trước nguy cơ mai một dòng tranh truyền thống, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh, những nhà quản lý, nghiên cứu và chính những nghệ nhân vẫn miệt mài, nỗ lực mong muốn sự “hồi sinh” làng nghề tranh dân gian Đông Hồ. Tháng 6/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Ðề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Ðông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến 2030" với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác. Đề án được xây dựng với mục tiêu nhằm khẳng định giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ; xác định hiện trạng và nguy cơ mai một của dòng tranh này.

Tháng 3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương chi tiết xây dựng Hồ sơ ứng cử Quốc gia đề nghị UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách Di sản văn hóa vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây là một tín hiệu vui cho thấy nỗ lực để bảo tồn, gìn giữ dòng tranh quý trước nguy cơ mai một. Đến thời điểm hiện tại, hồ sơ đã hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ ký trình UNESCO.

Bên cạnh đó, công tác triển khai Quyết định số 325/2013/QĐ-UBND ngày 30/8/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định tiêu chuẩn thủ tục xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh cũng được tăng cường như: Tổ chức xét định kỳ và có các hình thức khuyến khích để trao tặng những người thợ giỏi, những cá nhân có sáng kiến đóng góp cho nghề truyền thống; chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân, cho người học làm tranh, bù giá cho sản phẩm, nỗ lực quảng bá giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm....

Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ với kinh phí lên tới 91 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2018-2020. Trung tâm đặt tại xã Song Hồ và xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành) với diện tích 19.282m2, gồm nhà truyền thống, nhà giới thiệu quy trình làm tranh, tu bổ nhà thờ, mở lại chợ tranh ngay tại Đình...

Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cũng đang thực hiện các dự án nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh các tour du lịch cộng đồng về Thuận Thành, tuyến chùa Dâu - chùa Bút Tháp - làng tranh Đông Hồ; đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố lân cận để đa dạng hóa lịch trình điểm đến. Tăng cường hoạt động quảng bá tranh dân gian Đông Hồ tới trường học, thị trường quốc tế… góp phần xây dựng một sản phẩm văn hóa trở thành thương hiệu, công cụ quảng bá giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới./.

H.V