Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

21/11/2024 16:56

(BNP) – Chiều 21/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. 

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh dự kỳ họp.

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật này.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 426/430 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 88,94% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với tỷ lệ tán thành cao.

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã làm rõ các khái niệm: Dược liệu (bao gồm cả vị thuốc cổ truyền) là nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc từ thực vật, động vật, khoáng vật, nấm và đạt tiêu chuẩn làm thuốc. Thuốc cổ truyền là thuốc có thành phần từ một hoặc nhiều dược liệu được phối ngũ theo lý luận của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian và được chế biến, bào chế theo phương pháp y học cổ truyền, có dạng bào chế truyền thống hoặc hiện đại. Vị thuốc cổ truyền là dược liệu được sơ chế, chế biến theo lý luận của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian để sản xuất, bào chế thuốc cổ truyền.

Sinh phẩm (còn gọi là thuốc sinh học) là thuốc được sản xuất bằng công nghệ hoặc quá trình sinh học từ chất hoặc hỗn hợp các chất cao phân tử có nguồn gốc sinh học, bao gồm cả vi sinh vật, dẫn xuất của máu và huyết tương người. Sinh phẩm không bao gồm sinh phẩm chẩn đoán in vitro, kháng sinh và chất có nguồn gốc sinh học có phân tử lượng thấp có thể phân lập thành những chất tinh khiết”…

Từ trái qua: Đại biểu Đào Hồng Lan, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh) dự kỳ họp.

Đối với chính sách của Nhà nước về dược, Luật quy định: Bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của Nhân dân, phù hợp với cơ cấu bệnh tật và yêu cầu quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh. Bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; có chính sách phát triển hoạt động dược lâm sàng và cảnh giác dược. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Đối với các thuốc được mua từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và ưu đãi trong mua thuốc đối với các trường hợp sau đây: Thuốc được nghiên cứu, sản xuất trong nước từ nguồn nguyên liệu trong nước, thuốc biệt dược gốc được chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, thuốc generic đầu tiên sản xuất trong nước, sinh phẩm tương tự đầu tiên sản xuất trong nước; Thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước đáp ứng Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu; Thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp Bộ hoặc cấp tỉnh đã được nghiệm thu; Thuốc thuộc Danh mục sản phẩm quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược, Luật quy định thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực dược theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Theo quy định tại Điều 3, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 3, các quy định sau đây có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025: Quy định về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại khoản 30 Điều 1 của Luật này; Quy định về bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại điểm a khoản 19, điểm b khoản 20 và điểm a khoản 21 Điều 1 của Luật này.

Cũng trong ngày 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng.

M.B