Tình hình Kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 7 năm 2019

30/07/2019 15:42

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 7 năm 2019, như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

Tiến độ sản xuất vụ mùa: Tính đến ngày 18/7, toàn tỉnh đã gieo cấy được 29.873 ha, đạt 91,9% KH vụ và tăng 15,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh gieo cấy lúa, nông dân đã gieo trồng được 1.088,2 ha rau màu, đạt 40,3% KH vụ và bằng 70,9% so cùng vụ năm trước. Ngoài ra, hoa và cây cảnh tiếp tục được các địa phương mở rộng diện tích gieo trồng, với 177,5 ha, tăng 1,8% so cùng kỳ năm trước.

b) Chăn nuôi và hoạt động thú y

Chăn nuôi: Ước tính đến cuối tháng 7, toàn tỉnh có 2.430 con trâu, tăng 0,3% (+7 con) so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 28.540 con, giảm 5,7% (-1.717 con); đàn lợn có 238.165 nghìn con, giảm 39,1% (-153.040 con); đàn gia cầm 5.157 nghìn con, tăng 1,5% (+77 nghìn con), trong đó đàn gà có 4.053 nghìn con, tăng 2,3% (+90 nghìn con). Sản lượng thịt hơi gia súc gia cầm xuất chuồng trong tháng 7 đạt 5.943 tấn, giảm 21,5% (-1.631 tấn) so cùng tháng năm trước. Hoạt động thú y: Hiện nay, dịch tả lợn Châu phi vẫn còn xuất hiện ở một số các gia trại, trang trại chăn nuôi chuồng hở. Tính đến hết ngày 14/7/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8 trang trại và12.325 hộ, ở 662 thôn, khu phố thuộc địa bàn 124 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, làm 129.201con lợn mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy với tổng trọng lượng 8.987 tấn.

1.2. Lâm nghiệp

Trong tháng 7, toàn tỉnh trồng được 10 nghìn cây phân tán, tạo cảnh quan môi trường, bằng 66,7% so với cùng kỳ năm trước; khai thác được 350m3 gỗ, bằng 97,2%; 481 ste củi, bằng 96,8%. Hiện nay, vẫn đang trong thời kỳ cao điểm của đợt nắng nóng; vì vậy, nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra cao. Để chủ động phòng chống cháy rừng và giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh đã yêu cầu Ban chỉ đạo PCCR từ cấp tỉnh đến cấp xã chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách về phòng, chống cháy rừng.

1.3. Thuỷ sản

Đến cuối tháng 7, diện tích nuôi trồng thủy sản là 5.186 ha, giảm 0,1% (-6,3 ha) so cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản ước đạt 21.645 tấn, tăng 0,9% (+182,7 tấn) so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng lồng bè thu hoạch đạt 2.352 tấn, tăng 3,6% (+81 tấn). Khai thác thủy sản đạt 705 tấn, giảm 1,5% (-11tấn).

2. Sản xuất công nghiệp

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Tháng 7, sau hai tháng tăng ở mức thấp, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng đã có mức tăng trưởng cao so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do ngành sản xuất sản phẩm điện tử đã nâng dần doanh số tiêu thụ ở cả hai mảng điện thoại di động và linh kiện điện tử bằng việc tái cơ cấu sản phẩm và mẫu mã. Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tăng 34,5% so tháng trước, nhưng vẫn giảm 3,5% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 34,8% và giảm 3,6%; ngành SX và PP điện,...giảm 0,3% và tăng 3,6%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý xử lý nước thải tăng 3,5% và tăng 0,5%. Tính chung 7 tháng, chỉ số IIP ngành công nghiệp giảm 9,9% so cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 10%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,7%; ngành cung cấp nước tăng 2,2%. giảm theo.

2.2. Sản phẩm công nghiệp

Tháng 7, nhiều sản phẩm có lượng sản xuất tăng khá so tháng trước do thị trường xuất khẩu được mở rộng hơn và nhu cầu sử dụng ở trong nước gia tăng, như: mỳ, miến, phở, bún, cháo (+14%); quần áo (+23%); giấy vệ sinh (+13,4%); băng vệ sinh, tạ lót và sản phẩm tương tự (+22,8%); bê tông trộn sẵn (+9,9%); đồng hồ thông minh (+8,77%); điện thoại có giá >10 triệu (+88,63%); linh kiện điện tử (gấp 2,2 lần),... Tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ do phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại nên lượng sản xuất giảm, như: sữa và kem các loại (-8,3%); dược phẩm (-1,7%); sắt thép dùng trong xây dựng (-4,3%); điện thoại thường (-4%); ruột phích (-7,7%); màn hình điện thoại (-17,4%),... Đặc biệt, nhóm điện thoại thông minh có giá từ 3-6 triệu giảm tới 62,8%. Tính chung 7 tháng, các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, đều duy trì lượng sản xuất tăng khá, như sữa và kem các loại, quần áo, dược phẩm, điện thoại thông minh có giá <3 triệu và >10 triệu đồng, đồng hồ thông minh, pin điện thoại, tủ gỗ,... Nhưng có không ít sản phẩm phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại hoặc hàng nhập khẩu, gặp khó khăn trong tiêu thụ thì lượng sản xuất đều giảm là bê tông tươi, sắt thép xây dựng, máy in, điện thoại từ 3-6 triệu, màn hình, linh kiện điện thoại, bàn ghế và salong gỗ,...

2.3. Chỉ số sử dụng lao động

Tháng 7, chỉ số sử dụng lao động tăng 0,8% so với tháng trước và giảm 8,8% so cùng tháng năm trước. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1% và giảm 10,3%; khu vực Nhà nước tăng 1,1% và giảm 5,9%. Theo ngành kinh tế, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,8% và giảm 9,2%; ngành SX và phân phối điện xấp xỉ tháng trước và tăng 10,1%; ngành cung cấp nước...giảm 1,7% và giảm 17,9%.

3. Đầu tư

3.1. Vốn đầu tư

Tháng 7, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 7 ước đạt 467,4 tỷ đồng, tăng 5,1% so tháng trước và tăng 64,8% so cùng tháng năm trước. Trong đó, vốn đầu tư ngân sách cấp tỉnh đạt 337,8 tỷ đồng, tăng 4,8% và tăng 73,5%.Tính chung 7 tháng, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.670,5 tỷ đồng, tăng 48,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó cấp tỉnh đạt 1.903,8 tỷ đồng, tăng 49,1%; cấp huyện đạt 425,8 tỷ đồng, tăng 40,9% và cấp xã đạt 340,9 tỷ đồng, tăng 55,9%.

3.2. Hoạt động cấp phép đầu tư

Từ đầu năm đến ngày 20/7, đã thu thú được 121 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 623,3 triệu USD; so cùng kỳ năm trước, tăng 4,3% về số dự án và tăng tới 87,4% về vốn đăng ký. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1.409 dự án FDI  được cấp phép đầu tư (còn hiệu lực), tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 18.145,5 triệu USD. Trong đó, có 1.157 dự án ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, với tổng vốn đầu tư 17.307,3 triệu USD và tập trung ở một số nước, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông,…

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

4.1. Lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ

a) Bán lẻ hàng hóa

Tháng 7, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.952 tỷ đồng, tăng 1,9% so tháng trước và tăng 11,4% so cùng tháng năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.915 tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 13,3%. Tính chung 7 tháng,doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 33.109,7 tỷ đồng, tăng 11,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 26.011,5 tỷ đồng, tăng 14,1% và tăng khá ở các nhóm hàng, như: lương thực thực phẩm (+16,5%); gỗ và VLXD (+13%); ô tô các loại và phương tiện đi lại (+17%); đá quý, kim loại quý (+28,8%)…

b) Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác

Tổng doanh thu tháng 7 ước đạt 1.036,8 tỷ đồng, chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 4,6% so cùng tháng năm trước; trong đó dịch vụ tiêu dùng khác (chủ yếu là kinh doanh bất động sản) đạt gần 555 tỷ đồng, giảm 1% và giảm 1,3%. Tính chung 7 tháng,doanh thu dịch vụ đạt 7.098,2 tỷ đồng, tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ ăn uống đạt 3.013,1 tỷ đồng, tăng 8,6%, dịch vụ tiêu dùng khác đạt 3.909,6 tỷ đồng, giảm 2,6% (chủ yếu do ngành bất động sản giảm 5,3% và ngành hành chính, dịch vụ hỗ trợ giảm 0,9%).

4.2. Tình hình giá cả

Tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,19% so cùng kỳ năm trước, tăng 0,18% so với tháng 12 năm trước. So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 3 nhóm chỉ số giá tăng là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,56%; Giao thông tăng 0,01%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,8%. Tính bình quân 7 tháng, CPI đã tăng 3,04% so cùng kỳ năm trước; trong đó có 7 nhóm có chỉ số tăng cao hơn chỉ số chung là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+3,17%); đồ uống và thuốc lá (+7,82%); may mặc, giày dép và mũ nón (+3,73%); nhà ở và VLXD (+5,36%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+4,48%); giáo dục (+5,5%); hàng hóa và dịch vụ khác (+10,8%). Trong khi đó, có hai nhóm giảm là thuốc và dịch vụ y tế (-1%); và giao thông (-3,57%) đã góp phần kéo CPI tăng thấp hơn.

Giá vàng và đôla Mỹ: Trong tỉnh, bình quân giá vàng bán ra trong tháng ở mức 3.906.000đ/chỉ, tăng 5,68% so với tháng trước, tăng 11,16% so cùng tháng năm trước và tăng 11,61% so tháng 12/2018. Tính chung 7 tháng, giá vàng đã tăng 2,26% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, đồng đôla Mỹ lại biến động trái chiều với giá vàng. Bình quân trong tháng, đồng đôla bán ra ở mức 23.310đ/USD, giảm 0,53% so tháng trước và giảm 0,21% so tháng 12/2018, nhưng vẫn tăng 1,2% so cùng tháng năm trước; sau 7 tháng, giá đôla Mỹ đã tăng 2,08% so cùng kỳ.

4.3. Xuất, nhập khẩu

a) Xuất khẩu

Tháng 7, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 2.678,2 triệu USD, tăng 8,5% so tháng trước và giảm 5,4% so cùng tháng năm trước. Trong đó, khu vực FDI đạt 2.659,2 triệu USD, tăng 8,6% và giảm 5,7%.Lũy kế từ đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17.142,7 triệu USD, giảm 12,2% so cùng kỳ năm trước.

b) Nhập khẩu

Tháng 7, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn ước đạt 1.978,8 triệu USD, tăng 6,3% so tháng trước và giảm 17% so cùng tháng năm trước. Lũy kế 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 13.475 triệu USD, giảm 7,7% so cùng kỳ năm trước.

5. Giao thông vận tải

5.1. Hoạt động kinh doanh vận tải

Vận tải hành khách: Khối lượng vận chuyển tháng 7 ước đạt 3.160 nghìn HK, đạt xấp xỉ tháng trước và tăng 11,2% so cùng tháng năm trước; luân chuyển đạt 148,3 triệu HK.km, tăng 0,5% và tăng 11,4%. Sau 7 tháng, toàn tỉnh vận chuyển được 21,3 triệu HK, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2018; khối lượng luân chuyển đạt 997,6 triệu HK.km, tăng 9,8%. Vận tải hàng hoá, khối lượng vận chuyển tháng 7 ước đạt 3.419,5 nghìn tấn, giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 7,2% so cùng tháng năm trước; luân chuyển đạt 168,8 triệu tấn.km, giảm 1,6% và tăng 4,1%. Tính chung 7 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 23,5 triệu tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển đạt 1.149,2 triệu tấn.km, tăng 8,9%. Doanh thu vận tải, tháng 7 doanh thu vận tải ước đạt 650,9 tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng tháng năm trước. Tổng doanh thu 7 tháng, ước đạt 4.477,7 tỷ đồng, tăng 9,3% so cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu vận tải hành khách đạt 1.215,4 tỷ đồng, tăng 11,6%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.750,4 tỷ đồng, tăng 9,6%; riêng hoạt động logistics có xu hướng chững lại do hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn chưa tăng cao, doanh thu hoạt động đạt 1.511,9 tỷ đồng, tăng 7,2%.

5.2. Tình hình an toàn giao thông

từ ngày 15/7 công an tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành xử phạt 1.944 trường hợp vi phạm luật giao thông, nộp phạt kho bạc gần 2 tỷ đồng. Trong tháng 7, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNGT, làm chết 4 người và bị thương 3 người; so với tháng trước, giảm 6 vụ, giảm 6 người chết và giảm 2 người bị thương. Sau 7 tháng, toàn tỉnh đã xảy ra 52 vụ TNGT, làm  44 người chết và 19 người bị thương; so cùng kỳ năm trước, giảm 2 vụ, nhưng tăng 3 người chết và tăng 3 người bị thương.

6. Tài chính

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 7 ước đạt 2.848,4 tỷ đồng, tăng 64,5% so tháng trước và tăng 1,3% so cùng tháng năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 2.340,2 tỷ đồng, tăng 93,4% và tăng 2,8%. Sau 7 tháng, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 18.197,3 tỷ đồng, đạt 66,4% dự toán và tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2018. Thu từ hải quan đạt 3.531,3 tỷ đồng, đạt 56,5% dự toán và tăng 8%.

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 7 ước đạt 1.673 tỷ đồng, tăng 54,8% so tháng trước và giảm 7,6% so cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng, tổng chi ngân sách địa phương đạt 9.560,7 tỷ đồng, đạt 54% dự toán năm và tăng 10% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 5.177,2 tỷ đồng, đạt 92,3% dự toán và tăng 11%; chi thường xuyên 4.381,6 tỷ đồng, đạt 46,8% và tăng 10,5%.

7. Ngân hàng - Tín dụng

Tính đến cuối tháng, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 107.500 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước, tăng 16,4% so cùng tháng năm trước và tăng 7,4% so thời điểm cuối năm 2018.Tổng dư nợ tín dụng đến hết tháng 7 ước đạt 85.100 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước, tăng 13,6% so với cùng tháng năm trước và tăng 5,6% so với thời điểm cuối năm 2018. Đến cuối tháng 7, nợ xấu trên địa bàn là 930 tỷ đồng, chiếm 1,09%/tổng dư nợ, thấp hơn giới hạn cho phép của NHNN TW và trong đó chủ yếu là nợ xấu của doanh nghiệp (chiếm tỷ trọng 65%).

8. Một số vấn đề xã hội

8.1. Hoạt động y tế:  Trong tháng, các đơn vị y tế đã thực hiện tiếp nhận và khám chữa bệnh cho 183,5 nghìn lượt người, đạt xấp xỉ so với tháng trước và tăng 12,2% so cùng tháng năm trước. Trong đó, số bệnh nhân điều trị nội trú là 24,5 nghìn lượt người, đạt xấp xỉ và tăng 23,7%.

8.2. Giáo dục - đào tạo: Trong tháng, cùng với cả nước, ngành Giáo dục tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức thành công kỳ thi THPT Quốc gia 2019 an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, kết quả thi tuyển sinh kỳ thi THPT Quốc gia, toàn tỉnh có 14.023 thí sinh dự thi, trong đó số thí sinh đủ điều kiện đỗ tốt nghiệp THPT năm 2019 là 13.382, đạt 95,43% thí sinh dự thi, thấp hơn mức 99,15% của năm học trước. Các trường có tỷ lệ đỗ cao (trên 99%) như: THPT Chuyên Bắc Ninh (100%); Hàn Thuyên (99,39%); Quế Võ số 1 (99,37%); Thuận Thành số 1 (99,85%); Yên Phong số 1 (99,46%)… Điểm bình quân các môn thi THPT Quốc gia của tỉnh Bắc Ninh là 5,52 điểm, xếp thứ 20 toàn quốc. Riêng môn Vật lý, điểm bình quân đạt 6,31, xếp thứ 1 toàn quốc. Toàn tỉnh có 42 lượt thí sinh có tổng điểm 3 môn (theo các khối thi) từ 27 điểm trở lên, có 26 điểm 10 tuyệt đối. Đặc biệt, môn Vật lý có 1 điểm 10 (cả nước chỉ có 2 điểm 10); Toán và Hóa học, mỗi môn có 1 điểm 10 (toàn quốc mỗi môn có 12 điểm 10); 2 thí sinh có điểm tuyển sinh vào Đại học khối A cao nhất tỉnh Bắc Ninh đạt 28,35 và 28,25 điểm. Hiện nay, ngành Giáo dục đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo tốt nhất cho năm học mới 2019-2020.

8.3. Hoạt động văn hoá, TDTT: Trong tháng, ngành Văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tâm, như: Tuyên truyền phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, kỷ niệm lớn như ngày truyền thống lực lượng TNXP (15/7); kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7; kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam,… Thể  thao thành tích cao được chú trọng và từng bước được cải thiện về chất lượng trên đấu trường trong và ngoài nước. Trong tháng, đã cử đoàn VĐV đi tham gia thi đấu tại Giải vô địch Karate Bắc Ninh mở rộng năm 2019, đoàn Bắc Ninh xuất sắc giành được 12 huy chương (5 HCV, 2 HCB, 5 HCĐ).

8.4. Tình hình cháy, nổ và vi phạm môi trường: Trong tháng, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy nổ, không gây thiệt hại về người và thiệt hại về tài sản gần 1 tỷ đồng. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ cháy nổ, thiệt hại về tài sản gần 16 tỷ đồng. Các ngành chức năng cũng tiến hành kiểm tra và phát hiện 69 vụ vi phạm môi trường với 38 cá nhân và 32 tổ chức vi phạm. Tiến hành xử phạt 42 vụ, 22 cá nhân và 21 tổ chức với tổng số tiền nộp phạt kho bạc là 550,5 triệu đồng./.

Biểu KT-XH tháng 7 năm 2019

 

 

Nguồn: Cục Thống kê Bắc Ninh