Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 8/2018.
Theo Báo cáo của Cục Thống kê, sau 8 tháng tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng cao, với các kết quả nổi bật là: lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt, quy mô đàn lợn và gia cầm tăng khá sau thời gian dài sụt giảm; sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu ngân sách duy trì mức tăng trưởng trên 20%; chỉ số giá tiêu dùng ổn định, lạm phát được kiểm soát và ở mức thấp. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều điểm mới góp phần cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững góp phần phát triển kinh tế cụ thể:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a) Nông nghiệp: Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo trồng các cây rau màu vụ hè thu. Kết quả, toàn tỉnh đã gieo cấy 33.000,7 ha lúa mùa, đạt 97,1% kế hoạch và bằng 95,7% so với cùng kỳ, trong đó diện tích lúa cấy 27.104,1 ha, gieo thẳng 5.896,6 ha. Cơ bản diện tích lúa được chăm sóc lần 1; diện tích chăm sóc lần 2 được 11.500 ha, đạt 34,8% diện tích gieo cấy, bằng 59,4% so với cùng kỳ. Sở dĩ, gieo cấy lúa mùa năm nay không đạt KH (giảm gần 1.000 ha) và giảm 1.238,4 ha so vụ mùa năm trước, là do ở một số địa phương tiếp tục chuyển đổi mục đích sử sụng đất; diện tích đất vùng trũng, nước ngập sâu và đất xen kẹp khó canh tác, hiệu quả sản xuất thấp nên bà con nông dân bỏ không gieo cấy tăng so với năm trước. Đầu vụ, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, từ ngày 17/7-21/7, mưa lớn tập trung đã làm úng ngập và đầy nước 8.280 ha lúa mùa, trong đó diện tích bị ngập trắng là 3.462 ha; đầy nước là 4.818 ha, tập trung tại các huyện Thuận Thành 2.900 ha, Lương Tài hơn 2.000 ha và Tiên Du hơn 1.500 ha. Tuy nhiên, do được tiêu úng kịp thời, nên không gây thiệt hại lớn. Đến nay, lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt. Trà mùa sớm đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng, trà mùa trung đang đẻ nhánh đến đứng cái, trà mùa muộn đang đẻ nhánh. Từ đầu tháng 8 đến nay, do thời tiết đang trong mùa mưa bão, nắng mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao, đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu, bệnh phát sinh, gây hại, đặc biệt là các dịch bệnh sâu cuốn lá, sâu đục thân 2 chấm và rầy nâu, rầy lưng trắng. Các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn cho bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc lúa sau ngập úng; đồng thời tổ chức phòng trừ sâu bệnh theo từng đợt và trên diện rộng để tăng hiệu quả. Cùng với chăm sóc lúa mùa, toàn tỉnh tính đến ngày 19/8/2018 cũng gieo trồng được 2.493 ha rau màu các loại, bằng 97,8% diện tích kế hoạch và tăng 9,1% so với cùng vụ năm trước. Trong đó. ngô 142,4 ha, đang trong giai đoạn trỗ cờ-thâm râu; đỗ tương 198,7 ha, lạc 229,2 ha đang trong giai đoạn ra hoa, quả non và rau các loại 1.922,7 ha. Các cây rau màu được chăm sóc đúng thời kỳ, phòng trừ sâu bệnh tốt nên sinh trưởng, phát triển khá.
b) Chăn nuôi và hoạt động thú y: Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không có dịch bệnh phát sinh. Đặc biệt, giá thịt lợn hơi tiếp tục tăng với biên độ lớn, có thời điểm chạm mốc 57.000 đồng/kg; bình quân trong tháng 8 là 49.464đ/kg, tăng 6,5% so tháng trước và tăng tới 82,6% so cùng tháng năm trước. Bên cạnh đó, giá thịt gia cầm cũng tăng 11,8% (trong đó gà tăng 10,1%), đã góp phần thúc đẩy các hộ gia trại, trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư tái đàn với quy mô lớn và nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng mở rộng quy mô nhằm đảm bảo đủ nguồn cung trong các tháng cuối năm. Tại thời điểm 1/8, tổng đàn trâu có 2.388 con, giảm 1,8% (-39 con) so cùng thời điểm năm trước; Đàn bò có 30.393 con, giảm 4,5% (-1.440 con) do diện tích chăn thả ngày càng bị thu hẹp và thiếu lao động chăn dắt; đàn lợn thịt có 355.730 con, tăng 1,8% (+6.290 con); đàn gia cầm có 4.748 nghìn con, tăng 7,8% (+345 nghìn con), trong đó đàn gà có 3.601 nghìn con, tăng 9,6% (+316 nghìn con). Công tác phòng chống dịch bệnh chăn nuôi được các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo nhằm đảm bảo chăn nuôi an toàn. Hiện nay, các địa phương đang triển khai tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu - Đông năm 2018. Trong tháng 8, đã tiêm được 240,1 nghìn liều vắc xin các loại cho đàn lợn; 3,6 triệu liều vắc xin cho đàn gia cầm và 500 liều vắc xin bại huyết cho đàn thỏ.
c) Lâm nghiệp: Công tác trồng rừng và chăm sóc rừng được tiến hành theo kế hoạch. Tháng 8, toàn tỉnh trồng được 11 nghìn cây phân tán tạo cảnh quan môi trường, khai thác được 570 m3 gỗ và 652 ste củi. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện trồng, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc phá rừng, đốt rừng, triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Các ngành chức năng và các địa phương thường xuyên cảnh báo nguy cơ cháy rừng và đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong tháng 8 trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào.
d) Thuỷ sản: Nhiều cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh tiếp tục được thực hiện nhằm hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực phát triển thủy sản, trong đó chú trọng phát triển thủy sản lồng bè đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nông dân. Trong tháng, thời tiết có mưa rào là điều kiện tốt cho sinh trưởng và phát triển của cá và thuận lợi cho thả giống nuôi vụ mới.Tuy nhiên, do đang là mùa mưa bão, nên gia tăng nguy cơ gây úng ngập, tràn bờ ao nuôi thủy sản. Các ngành chức năng đã đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở và hộ nuôi trồng thủy sản chú ý tôn cao bờ bao, củng cố hệ thống tiêu nước bảo đảm an toàn ao nuôi và thu tỉa cá thương phẩm nhằm hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa bão. Tính đến cuối tháng 8, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.049 ha, giảm 4 ha so cùng thời điểm năm trước. Tổng sản lượng thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt 21.531 tấn, tăng 0,4% (+96 tấn). Sản lượng nuôi trồng đạt 20.857 tấn, tăng 0,6% (+120 tấn). Trong đó, nuôi lồng bè đạt 2.468 tấn, tăng 4% (+94 tấn). Sản lượng khai thác đạt 675 tấn, giảm 3,5% (-24 tấn)...
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng 8, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao do có thêm sản phẩm mới - Samsung Galaxy Note 9 được chính thức ra mắt trên thị trường vào ngày 9/8 và lên kệ từ ngày 24/8. Với nhiều tính năng mới và cấu hình cao, sản phẩm này đã thu hút được lượng lớn khách hàng trên thế giới đặt hàng, dự kiến sẽ cao hơn từ 30-50% so với mẫu Galaxy S9. Công ty Sam Sung Display tăng mạnh mức sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, công nghiệp trong nước, nhất là khu vực DN dân doanh cũng dấu hiệu khởi sắc hơn, nhất là ở các ngành nghề truyền thống, như: sản xuất giấy, kim loại (sắt thép, nhôm, đồng),..
a) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Tháng 8, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 41,3% so tháng trước và tăng 26,9% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 41,6% và tăng 27,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,9% và tăng 12,1%; ngành cung cấp nước và quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2% và giảm 3,4%. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, 16/20 ngành có chỉ số tăng so cùng tháng năm trước. Trong đó, một ngành có chỉ số tăng hai con số, như: SX đồ uống (+11,4%); SXSP từ giấy (+15,8%); in, sao chép bản ghi (+56,7%); SX thuốc, hóa dược (+79,1%); SXSP từ kim loại đúc sẵn (+10,8%); và sản xuất phương tiện vận tải khác (+16,6%). Riêng ngành SXSP điện tử, ngoài việc có thêm sản phẩm mới, các DN thuộc tập đoàn Samsung cũng cơ cấu lại một số sản phẩm (đồng hồ thông minh, màn hình uốn dẻo) theo phân khúc tầm trung, đã ký được hợp đồng tiêu thụ với nhiều đối tác ở các thị trường lớn, nên chỉ số tăng cao (+48,3% so tháng trước và +29,9% so cùng tháng năm trước), đã góp phần đưa IIP chung tăng cao. Qua 8 tháng, nhờ các sản phẩm mới có lượng đặt hàng và tiêu thụ lớn, nên IIP đã tăng 20,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến tăng 20,3% và ngành SX và PP điện tăng 16,4%; ngành cung cấp nước tăng 0,5%. Một số ngành có chỉ số tăng cao, như: SX giấy và sản phẩm từ giấy (+19,8%); In, sao chép bản ghi (+16,9%); SX thuốc và dược liệu (gấp gần 3 lần); SXSP từ kim loại (+12,9%); SXSP điện tử (+23%). Tuy nhiên, một số ngành vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, sản phẩm khó tiêu thụ do phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại, như: chế biến thực phẩm (nhóm sữa và kem), SX đồ uống, trang phục, chế biến gỗ, sản xuất giường, tủ, bàn ghế gỗ,…
b) Về giá trị sản xuất: Để đáp ứng lượng đặt hàng lớn ngay sau ngày ra mắt với các sản phẩm mới Galaxy Note 9, đồng hồ thông minh, màn hình uốn dẻo, các DN FDI đã tăng lượng sản xuất trong tháng 8. Tính chung, GTSX công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 8 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 110.174,4 tỷ đồng, tăng 24,8% so tháng trước và tăng 17,1% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 110.027,5 tỷ đồng, tăng 24,9% và tăng 17,1%; ngành SX và PP điện... đạt 87,8 tỷ đồng, tăng 4% và tăng 14,2%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý nước thải đạt 59,1 tỷ đồng, tăng 3% và tăng 13,4%. Sau 8 tháng, GTSX công nghiệp theo giá so sánh đã đạt 661.652,2 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
c) Chỉ số tiêu thụ và tồn kho: Chỉ số tiêu thụ tháng 8 tăng 4,7% so tháng trước và tăng 4,2% so cùng tháng năm trước. Trong đó, các ngành có chỉ số tăng như: SX và chế biến thực phẩm (+0,6% và+1,6%); SX đồ uống (+10% và +13,7%); SXSP thuốc lá (+16,5% và +33,3%); SX trang phục (+11,9% và +27%); Chế biến gỗ (+1,4% và +16,9%); SX thuốc (+6,2% và+65,6%); SX kim loại (+8,5% và +14,4%).... Riêng ngành SXSP điện tử có chỉ số tăng khá cao (+18,8%) so tháng trước và chỉ tăng 1,6% so cùng tháng năm trước (do nhà máy mới của Công ty Samsung Display đã hoạt động đạt hơn 70% công suất thiết kế từ tháng 8/2017). Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ đã tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước. Trong 20 ngành công nghiệp chế biến chế tạo, có 12/20 ngành có chỉ số tiêu thụ tăng, với một số ngành có mức tăng cao hơn mức tăng chung, như: SX đồ uống (+22%); SX thuốc lá (+21,4%); SXSP từ giấy (+14,9%); SX thuốc (gấp 2,3 lần); SXSP từ cao su (+13,5%); SXSP điện tử (+11,3%); SX thiết bị điện (+11,3%) và sản xuất xe có động cơ (+17,3%).
Do chỉ số tiêu thụ tăng, nên chỉ số tồn kho tháng 8/2018 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,1% so tháng trước và giảm 11,9% so cùng tháng năm trước. Trong đó, các ngành chiếm tỷ trọng lớn đều có chỉ số tồn kho giảm hoặc tăng thấp, như: SXSP thuốc lá; chế biến gỗ; SXSP từ giấy; SX kim loại; SXSP từ kim loại đúc sẵn; SX thiết bị điện; SX máy móc thiết bị khác. Riêng ngành SXSP điện tử giảm tới 28% so tháng trước và giảm 29% so cùng tháng năm trước, do hầu hết các sản phẩm đều được xuất khẩu hoặc sử dụng làm linh kiện lắp ráp ở trong nước. Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng tháng năm trước, như: SX chế biến thực phẩm (+27,5%); Dệt (+48,7%); SX thuốc, hóa dược (gấp 2,4 lần); SXSP từ khoáng phi kim loại (+57,2%); SX xe có động cơ (+55,9%)...
d) Chỉ số sử dụng lao động: Mặc dù, sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhưng chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp lại có xu hướng giảm xuống. Tính chung tháng 8, chỉ số sử dụng lao động giảm nhẹ (-0,04%) so tháng trước và giảm 5,04% so cùng tháng năm trước. Trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực FDI (-0,32% và -6,32%); trong khi khu vực Nhà nước tăng 2,35% và tăng 5,06%; khu vực ngoài nhà nước tăng 1,23% và tăng 1,46%. Nguyên nhân giảm ở khu vực FDI là do Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam có quy mô lao động lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh đã từng bước ứng dụng công nghệ tự động hóa một số công việc kỹ thuật khó và chính xác, làm cho số lượng lao động giảm mạnh (-25%) so cùng tháng năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tăng 4,76% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,73%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,71%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải tăng 10,02%. Phân theo loại hình, khu vực Nhà nước và FDI đều tăng 5,38% so cùng kỳ và khu vực ngoài Nhà nước đã tăng 0,7%.
3. Đầu tư
a) Vốn đầu tư: Tháng 8, do ảnh hưởng của mưa bão nên tiến độ thi công các công trình chậm lại. Tuy nhiên, một số dự án lớn được ưu tiên giải ngân để đẩy nhanh tiến độ trong lộ trình thực hiện đề án xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và chương trình xây dựng Nông thôn mới cũng đang tăng tốc độ đầu tư để tiến tới công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tại huyện Quế Võ và Gia Bình; các công trình tu bổ đê kè cống cũng được đôn đốc thi công và hoàn thành sớm nhằm nâng cao năng lực phòng chống lụt bão nên tổng vốn đầu tư tháng này đạt khá cao. Tổng vốn đầu tư của Nhà nước do địa phương quản lý tháng 8 ước đạt 309,4 tỷ đồng, tăng 9,1% so tháng trước và tăng 21,7% so cùng tháng năm trước. Trong đó, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 215,9 tỷ đồng, tăng 10,9% và tăng 21,3%. Nguồn vốn ngân sách cấp huyện đạt 52 tỷ đồng, tăng 4,8% và tăng 7,5%. Nguồn vốn ngân sách cấp xã đạt 41,4 tỷ đồng, tăng 5,6% và tăng 48,7%. Tính chung 8 tháng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 2.106,7 tỷ đồng, tăng 15,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh là 1.492,5 tỷ đồng, tăng 10,4% (riêng đầu tư từ quỹ sử dụng đất đạt 231,8 tỷ đồng, tăng 13,9%). Vốn ngân sách cấp huyện đạt 354,2 tỷ đồng, tăng mạnh 20,8%. Nguồn vốn ngân sách cấp xã đạt 260,1 tỷ đồng, tăng 42,8%.
b) Hoạt động cấp phép đầu tư
Cùng với việc tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; mở rộng ngoại giao kinh tế, xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn lớn, đa quốc gia. Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với cơ chế phối hợp giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư chặt chẽ, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp các thông tin về thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh; tư vấn các vấn đề pháp lý và hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, như: thuê đất, giải phóng mặt bằng, xuất nhập khẩu, hải quan...nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và lâu dài. Vì thế, Bắc Ninh tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 01/8, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cho 116 dự án đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký là 332,6 triệu USD; so cùng kỳ năm trước, tăng 22,1% về số dự án (+21 dự án) và tăng 44,4% về số đầu tư (+102,3 triệu USD). Ngoài ra, cấp điều chỉnh tăng vốn cho 69 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm 536,8 triệu USD và thu hồi 14 dự án với tổng vốn đầu tư 149,6 triệu USD. Lũy kế đến 01/8, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.246 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký (bao gồm cả vốn điều chỉnh tăng thêm) là 16.373,3 triệu USD. Trong đó, chủ yếu là các dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.064 dự án và tổng vốn đăng ký là 15.538,1 triệu USD.
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
a) Lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ
Trong tháng, thị trường hàng hóa ổn định cả về cung, cầu và giá cả, đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung ngăn chặn, xử lý các vi phạm về kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, được các cơ quan chức năng triển khai tích cực, lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 3.100,5 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước và tăng 11,1% so cùng tháng năm trước. Trong đó, kinh tế cá thể đạt 1.878,5 tỷ đồng, tăng 2% và tăng 10,7%; kinh tế tư nhân đạt 1.179,6 tỷ đồng, tăng 0,6% và tăng 12,1%. Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng đạt 24.350,7 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kinh tế cá thể đạt 14.927,8 tỷ đồng, tăng 8,2%; kinh tế tư nhân đạt 9.110,8 tỷ đồng, tăng 13,1%. Phân theo nhóm hàng, 12/12 nhóm hàng đều tăng so cùng kỳ năm trước với mức tăng từ 3,1%-18,1%. Trong đó, một số nhóm hàng có mức tăng cao hơn chỉ số chung, như: hàng may mặc tăng 10,3%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 10,2%; gỗ và VLXD tăng 10,6%; phương tiện đi lại (kể cả ô tô) tăng 12,2%; xăng, dầu các loại tăng 15,5%.
Dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng có xu hướng tăng hơn, nhất là ăn uống ngoài gia đình, doanh thu tháng 8 ước đạt 425,5 tỷ đồng, tăng 1,9% so tháng trước và tăng 8,8% so cùng tháng năm trước; trong đó ăn uống đạt 400 tỷ đồng, tăng 1,9% và tăng 8,8%. Sau 8 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.043,8 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ ăn uống đạt 2.864,1 tỷ đồng, chiếm 94% và tăng 9,5%.
Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng 8 đạt 565,6 tỷ đồng, chỉ tăng 0,6% so tháng trước và tăng 8,1% so cùng tháng năm trước. Do quy mô của một số dịch vụ đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nên xu hướng tăng thấp sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Riêng ngành kinh doanh bất động sản - với tỷ trọng lớn nhất trong các ngành dịch vụ khác, đang có dấu hiệu chững lại do lượng lao động ngoại tỉnh giảm dần và lực lượng chuyên gia nước ngoài trong các DN FDI cũng dần về nước sau khi hoàn thành giai đoạn đầu tư và hoạt động sản xuất ổn định. Tính chung 8 tháng, tổng doanh thu dịch vụ khác đạt 4.018,5 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế cá thể đạt 747,7 tỷ đồng, tăng 9,5%; khu vực kinh tế tư nhân đạt 1.570,5 tỷ đồng, tăng 10%; khu vực FDI đạt 688,4 tỷ đồng, tăng 13,6%. Phân theo ngành kinh tế, một số ngành có chỉ số tăng cao, như: dịch vụ bất động sản (+8,8%); hành chính và dịch vụ hỗ trợ (+10,9%); giáo dục và đào tạo (+13,1%); y tế và trợ giúp xã hội (+15,5%); nghệ thuật vui chơi giải trí (+15,7%).
b) Tình hình giá cả
Tháng 8, do giá thực phẩm tăng, nhất là giá thịt lợn tăng khá cao; giá lương thực cũng tăng nhẹ do mưa bão đã gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất nông nghiệp ở một số tỉnh miền Trung và giá dầu có 2 lần điều chỉnh tăng,.. là những nguyên chính tác động và làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,39% so tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 7 nhóm có chỉ số giá tăng, cụ thể như sau: (1) Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,51%, do giá mỡ tăng 10,42%; thủy sản tươi sống tăng 5,66%; trứng các loại tăng 4,02%; giá thịt lợn tăng 1,25%; do thời tiết mưa nhiều, rau xanh các loại bị ngập úng, sinh trưởng chậm làm giá tăng 5,99%; (2) Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,63%, do giá bia các loại tăng 1,91%; (3) Nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,96%, do nhu cầu mua sắm cho năm học mới gia tăng; (4) Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,78%, do giá điện sinh hoạt tăng 2,91%; (5) Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,28%; (6) Nhóm giao thông tăng 0,07%, do giá xăng, dầu tăng 0,2%; (7) Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%, do giá hoa tươi tăng 4,99%. So cùng tháng năm trước, CPI tăng 4,3% và so với tháng 12/2017 tăng 2,72%; bình quân 8 tháng, CPI tăng 2,78%.
Chỉ số giá vàng, tiếp tục biến động theo xu hướng giảm của giá vàng trong nước và thế giới. Tính chung trong tháng, bình quân giá vàng trên địa bàn tỉnh bán ra ở mức 3.344.000đ/chỉ, giảm 4,84% (-170.000đ/chỉ) so tháng trước, giảm 3,76% so cùng tháng năm trước và giảm 4,75% so với tháng 12/2017; bình quân 8 tháng tăng 5,13%. Chỉ số giá đô la Mỹ, biến động trái chiều với giá vàng. Bình quân trong tháng, đồng đô-la được bán ra ở mức 23.308đ/USD, tăng 1,19% so tháng trước, tăng 2,39% so cùng tháng năm trước và tăng 2,45% so tháng 12/2017; bình quân 8 tháng tăng 0,6%.
c) Xuất, nhập khẩu
Mặc dù, sản xuất công nghiệp tăng cao, nhiều đơn hàng lớn đã được ký kết, nhưng do đến gần cuối tháng các sản phẩm (mới ra mắt) mới lên kệ, nên hoạt động ngoại thương tăng thấp. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 2.846,1 triệu USD, chỉ tăng 0,5% so tháng trước và tăng 7,7% so cùng tháng năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đạt 12,7 triệu USD, tăng 1,8% và giảm 31%; khu vực FDI đạt 2.833,4 triệu USD, tăng 0,5% và tăng 8%. Một số mặt hàng chủ lực đạt khá so tháng trước và cùng tháng năm trước, như: sản phẩm từ chất dẻo, sản phẩm bằng gỗ, hàng dệt may, điện thoại và linh kiện…Sau 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 21.917,6 triệu USD, tăng 33% so cùng kỳ năm trước. Về nhập khẩu, tổng kim ngạch tháng 8 đạt 2.442,2 triệu USD, tăng 2,4% so tháng trước và tăng 15% so cùng tháng năm trước. Trong đó, khu vực FDI chiếm 98%, tăng 2,5% và tăng 15,4%. Sau 8 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15.882,8 triệu USD, tăng 6,7% so cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu tăng cao như: TAGS và NPL chế biến (+22%); chất dẻo nguyên liệu (+23,7%); vải các loại (+29,6%); giấy các loại (gấp 3,8 lần); phụ liệu dệt may, da giày (+76,7%); linh kiện điện tử, điện thoại (+8,3%).
5. Giao thông vận tải
a) Hoạt động vận tải: Mặc dù, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng 3 lần trong tháng 7 và 8, nhưng các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn giữ nguyên giá cước nhằm tăng sản lượng vận tải. Tuy nhiên, hoạt động vận tải hàng hóa đạt thấp do vận tải đường sông hoạt động cầm chững (do nước sông lên cao). Vận tải hành khách: Tháng 8, khối lượng vận chuyển ước đạt gần 1,9 triệu lượt khách, tăng 1% so tháng trước và tăng 16% so cùng tháng năm trước; luân chuyển đạt 88,6 triệu HK.km, tăng 0,6% và tăng 18,3%. Lũy kế 8 tháng, toàn tỉnh đã vận chuyển 14,2 triệu lượt khách, tăng 15,7% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 677,3 triệu HK.km, tăng 16,9%; doanh thu đạt 914 tỷ đồng, tăng 18,2%, trong đó doanh thu đường bộ đạt 909,4 tỷ đồng, chiếm 99,5% và tăng 18,3%. Vận tải hàng hoá: Tháng 8, khối lượng vận chuyển ước đạt 3,2 triệu tấn, tăng 0,6% so tháng trước và tăng 6,1% so cùng tháng năm trước; luân chuyển đạt 160,6 triệu tấn.km, tăng 0,5% và tăng 6,6%. Lũy kế 8 tháng, toàn tỉnh đã vận chuyển 24,6 triệu tấn hàng hóa, tăng 6% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 1.213,6 triệu tấn.km, tăng 5,9%; doanh thu đạt 1.788,6 tỷ đồng, tăng 7,7%. Hoạt động logistic tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hai con số. Doanh thu tháng 8 ước đạt 206,7 tỷ đồng, tăng 14% so cùng tháng năm trước và sau 8 tháng đạt 1.591,7 tỷ đồng, tăng 13,1% so cùng kỳ.
b) Tình hình an toàn giao thông: Kinh tế - xã hội phát triển, các dự án FDI tiếp tục thu hút lượng lớn lao động từ các tỉnh đến sinh sống, làm việc tại Bắc Ninh khiến áp lực giao thông ngày một gia tăng. Một số tuyến đường quốc lộ qua tỉnh, tỉnh lộ nối các KCN và nút giao thông lớn, đã và đang phát sinh tình trạng ùn tắc, nhất là ở các khung giờ cao điểm. Với mục tiêu bảo đảm giao thông, kiềm chế, giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, Ban ATGT tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân khi tham gia giao thông. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và liên tục mở các đợt cao điểm nhằm từng bước đẩy lùi các vi phạm, trong đó chú trọng giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, xử lý xe quá khổ, quá tải,... Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo và yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương phải trách nhiệm trong việc lập lại kỷ cương về ATGT, nhất là công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ và đường sắt. Tháng 8, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ TNGT, làm 9 người chết và 1 người bị thương; lũy kế đến ngày 15/8 toàn tỉnh đã xảy ra 54 vụ TNGT, làm chết 46 người và bị thương 15 người, so cùng kỳ năm trước giảm 14,3% về số vụ, giảm 16,4% về số người chết và giảm 40% về số người bị thương.
6. Tài chính
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 8 đạt 1.258 tỷ đồng, bằng 44,8% tháng trước (do một số khoản thuế của quý II được nộp trong tháng 7) và bằng 60,1% so cùng tháng năm trước (do tháng 8/2017 có một số dự án nộp tiền sử dụng đất lớn). Trong đó, thu nội địa đạt 741 tỷ đồng, bằng 32,5% và bằng 50,9%. Sau 8 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 18.543,1 tỷ đồng, đạt 77,7% dự toán và tăng 22,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa là 14.600,8 tỷ đồng, đạt 81,3% dự toán và tăng 27,5%. Trong thu nội địa, một số khoản thu đạt cao so với dự toán và tăng cao so cùng kỳ, như: Thu từ DN nhà nước trung ương 811,1 tỷ đồng, đạt 69,1% và tăng 15,8%; Thu từ DN FDI 5.756,4 tỷ đồng, đạt 71,5% và tăng 15,2%; thu thuế ngoài quốc doanh 1.542,3 tỷ đồng, đạt 75,5% và tăng 18,1%; thu thuế thu nhập cá nhân 2.239,4 tỷ đồng, đạt 87,8% và tăng 33,1%; thu tiền sử dụng đất 2.797,5 tỷ đồng, vượt 21,6% và tăng 79,1%. Hoạt động ngoại thương tăng trưởng cao, nên thu từ hải quan đạt 3.928,6 tỷ đồng, đạt 66,6% và tăng 6,1%. Thu ngân sách tăng cao đã đảm bảo cân đối để tăng chi cho các hoạt động đầu tư phát triển và ổn định chi thường xuyên. Tháng 8, chi ngân sách địa phương đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 4,1% so cùng tháng năm trước. Sau 8 tháng, tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 10.668,8 tỷ đồng, đạt 71,1% dự toán và tăng 20,7% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 4.859,1 tỷ đồng, vượt 11,3% dự toán và tăng 30,2% so với cùng kỳ. Chi thường xuyên đạt 5.804,3 tỷ đồng, đạt 69,8% dự toán và tăng 16,6%.
7. Ngân hàng - Tín dụng
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các chi nhánh ngân hàng và các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng theo hướng bảo đảm tăng thực chất. Theo đó, các NH và TCTD đã tập trung tín dụng vào các ngành kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT,… Đến cuối tháng 8, tổng dư nợ cho vay ước đạt 75.200 tỷ đồng, tăng 0,4% so tháng trước, tăng 20,4% so cùng tháng năm trước và tăng 8,8% so thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 47.000 tỷ đồng, tăng 0,3%, tăng 25,7% và tăng 10,7%; cho vay trung và dài hạn đạt 28.200 tỷ đồng, tăng 0,5%, tăng 12,6% và tăng 5,9%. Phân theo ngành, dư nợ khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 42,9% (ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 76%/tổng số khu vực này); thương mại và dịch vụ chiếm 51,6% (ngành kinh doanh bất động sản chiếm 10%, giảm 2,2 điểm phần trăm so cùng thời điểm năm trước); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 5,5%. Nợ quá hạn còn 650 tỷ đồng, chiếm 0,86% trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ xấu của doanh nghiệp chiếm 60%. Mặc dù, chỉ tiêu tín dụng của bị thắt chặt, nguồn vốn cho vay hạn hẹp hơn, nhưng các NH và TCTD vẫn không tăng lãi suất huy động để tiết kiệm chi phí. Đến cuối tháng 8, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 93.000 tỷ đồng, tăng 0,7% so tháng trước, tăng 17,5% so cùng tháng năm trước và tăng 2,9% so cuối năm 2017. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay. Trong đó, tiền gửi của cá nhân đạt 55.900 tỷ đồng, giảm nhẹ (-0,1%) tháng trước, tăng 12,5% và tăng 9%.
8. Một số vấn đề xã hội
a) Hoạt động y tế: Trong tháng, ngành Y tế đã tổ chức kiểm tra, giám sát công tác khám chữa bệnh ở một số bệnh viện, trạm y tế xã nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh và quản lý hồ sơ y tế gia đình đã được lập từ cuối năm 2017. Qua đó, đã góp phần nâng cao tinh thần thái độ phục vụ và chất lượng chăm sóc người bệnh, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Toàn tỉnh thực hiện khám chữa bệnh cho 167 nghìn lượt người, tăng 10,3% so cùng tháng năm trước; trong đó điều trị nội trú cho 19,9 nghìn lượt người, tăng 12,4%. Sau 8 tháng, đã khám chữa bệnh cho 1.273 nghìn lượt người, tăng 6,9% so cùng kỳ năm trước; điều trị nội trú cho 151 nghìn lượt người, tăng 16,1%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh dịch bênh sởi và tay chân miệng ở trẻ em đang có dấu hiệu bùng phát. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật, đến nay toàn tỉnh đã có 32 trường hợp mắc sởi và 227 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng cao so cùng kỳ năm trước. Trước tình hình này, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, ngoài thực hiện chuyên môn kỹ thuật về chuẩn đoán và điều trị, cần chú trọng thực hiện đảm bảo quy trình trong khám chữa bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn; tổ chức điều tra, giám sát, khống chế và khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh môi trường, VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được quan tâm và không có vụ ngộ độc thức ăn lớn xảy ra.
b) Giáo dục và đào tạo: Ngày 16/8, Sở GD-ĐT tổ chức tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2018-2019. Kết thúc năm học 2017-2018, ngành GD-ĐT Bắc Ninh tiếp tục thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản, với kết quả: tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đạt 97,2%; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 94,6%; phổ cập giáo dục các cấp học giữ vững tốp đầu trong cả nước. Năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT Bắc Ninh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án về giáo dục và đào tạo. Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp các cấp học với mục tiêu xóa phòng học cấp 4 trong toàn tỉnh; đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực của học sinh, nâng cao năng lực, phẩm chất của người học, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục và kết quả các kỳ thi; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Theo kế hoạch, năm học 2018-2019, học sinh các khối Mầm non, Tiểu học và Giáo dục Thường xuyên tựu trường vào ngày 20/8, thực học từ ngày 5/9; khối THCS và THPT tựu trường vào ngày 10/8, thực học từ ngày 20/8 và đồng loạt khai giảng vào ngày 5/9. Phục vụ năm học mới, Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Bắc Ninh đã nhập về hơn 1,4 triệu bản sách sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12; dụng cụ học tập, bút, cặp sách, vở viết, đèn học, giá sách... cũng được các hiệu sách, đại lý văn phòng phẩm chuẩn bị đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đảm bảo về chất lượng để kịp thời phục vụ nhu cầu của học sinh.
c) Văn hoá thông tin, thể dục thể thao: Trong tháng, các hoạt động văn hóa, thông tin diễn ra sôi nổi chào mừng kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám (19/8) và Quốc khánh (2/9), ngày nạn nhân chất độc màu da cam (10/8); kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng thành phố Bắc Ninh (8/8/1954-8/8/2018)… Nhân dịp này, nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ được các địa phương, đơn vị tổ chức sôi nổi, như: chương trình hòa nhạc Giao hưởng và Dân ca Quan họ Bắc Ninh; hoạt động văn hoá đường phố với chủ đề “Sắc màu văn hóa cuối tuần-Bắc Ninh thành phố tôi yêu; liên hoan “Tiếng hát đồng quê”,… cùng các giải thể thao quần chúng như cờ tướng, cầu lông, bóng bàn, bóng đá và các chương trình chiếu phim lưu động đã thu hút hàng trăm lượt nghệ sĩ, nghệ nhân, VĐV và hàng chục nghìn người dân tham gia. Thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm và đầu tư. Trong tháng, đã cử các đoàn VĐV tham gia 7 giải thể thao quốc gia và đã đạt được 13 HCV, 20 HCB và 37 HCĐ. Đặc biệt, tại Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 18 (Asian Games, ASIAD) tại Indonesia diễn ra từ ngày 18/8 đến ngày 02/9/2018 tỉnh Bắc Ninh có 3 VĐV xuất sắc và tiềm năng tham gia cùng Đoàn Thể thao Việt Nam trong 3 bộ môn boxing, đấu kiếm và bóng chuyền.