Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 4 năm 2018.
Theo Báo cáo của Cục Thống kê, qua 4 tháng đầu năm 2018, tình hình Kinh tế - Xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn giữ xu thế tăng trưởng. Một số ngành duy trì mức tăng trưởng ở mức hai con số so cùng kỳ năm trước, như: sản xuất công nghiệp (+33% về chỉ số IIP và +37,2% về GTSX); vốn đầu tư từ NSNN (+13,4%); thu hút vốn FDI đạt 400 triệu USD, tăng 77,4%; kim ngạch xuất khẩu (+53,1%), nhập khẩu (+14,5%); vận tải (+11,5%); Thu ngân sách Nhà nước (+35,7). Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, đời sống dân cư ổn định. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất khẩu đang có dấu hiệu chững lại do lượng tiêu thụ sản phẩm điện thoại mới thấp hơn so với dự kiến của các nhà sản xuất. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục sụt giảm về diện tích gieo trồng và sâu bệnh có dấu hiệu phát sinh, gây hại nhiều hơn so cùng vụ năm trước.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a) Nông nghiệp: Do ảnh hưởng của rét đậm kéo dài, nên tiến độ sản xuất vụ xuân năm nay chậm hơn năm trước. Đến trung tuần tháng 3, toàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành gieo cấy lúa và các cây màu vụ xuân. Kết quả, toàn tỉnh đã gieo trồng 37.890 ha, giảm 1,8% (-687,8 ha) so với vụ xuân trước. Hầu hết các cây trồng chủ yếu đều giảm, như: lúa đạt 34.001,3 ha, giảm 2,1% (-713,1 ha); ngô 881,6 ha, giảm 9,5% (-213,6 ha); lạc 364,1 ha, giảm tới 24,2% (-116,2 ha); đậu tương 31,5 ha, giảm 9,2% (-3,2 ha). Riêng cây rau các loại đạt 2.611,5 ha, tăng 15,9% (+358,3 ha). Đối với lúa xuân, giống lúa lai và lúa chất lượng cao tiếp tục được mở rộng diện tích, với tỉ lệ chiếm gần 40%. Đến ngày 15/4, đã chăm sóc lần 2 được 16.898 ha, chiếm 48,7% tổng diện tích gieo cấy và bằng 90,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, có17.438 ha lúa xuân đã phân hóa đòng, sinh trưởng và phát triển khá. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 đến nay đã xuất hiện một số sâu bệnh hại lúa và hoa màu như: bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, lùn sọc đen,… Theo tổng hợp sơ bộ, toàn tỉnh có 715 ha lúa bị nhiễm sâu bệnh, tập trung ở thị xã Từ Sơn 380 ha, huyện Yên Phong 220 ha, Quế Võ 55 ha, Tiên Du 30 ha,.. Ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật phòng trừ không để bệnh lây lan ra diện rộng và đã phòng trừ được 875 ha.
b) Chăn nuôi và hoạt động thú y: Hiện nay, các cơ sở chăn nuôi đang tổ chức tái đàn sau khi đã xuất bán, giết thịt trong dịp tết Nguyên đán vừa qua. Tuy nhiên, việc phát triển đàn lợn vẫn chậm, do từ đầu năm đến nay nguồn cung thịt lợn trong và ngoài tỉnh dồi dào, lợn xuất khẩu sang Trung Quốc bị hạn chế, giá lợn hơi xuất chuồng vẫn ở mức thấp, người chăn nuôi chưa có lãi, nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tiếp tục bỏ trống chuồng hoặc nuôi với số lượng hạn chế, hộ gia trại và trang trại tái đàn hạn chế nên số đầu lợn tiếp tục giảm. Ước tính đến cuối tháng 4, toàn tỉnh toàn tỉnh có 2.283 con trâu, tăng 0,7% (+16 con) so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 30.080 con, giảm 2,4% (-749 con); đàn lợn có 330,7 nghìn con, giảm 2,3% (-7.720 con); đàn gia cầm 4,45 triệu con, tăng 1,1% (+50 nghìn con); trong đó, đàn gà 4 triệu con, tăng 1,9% (+76 nghìn con). Sản lượng thịt gia súc gia cầm xuất chuồng tháng 4 ước đạt 7.445 tấn, giảm 1,3% (-95 tấn). Từ đầu năm đến nay dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Đàn gia súc, gia cầm chủ yếu mắc các bệnh thông thường và đều được chữa khỏi cao. Tuy nhiên, để đảm bảo chăn nuôi an toàn, Ngành Thú y đã phối hợp với các địa phương triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Tính đến ngày 5/4, toàn bộ 726/726 thôn, khu, phố của 126 xã, phường thị trấn đã tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường và đã sử dụng 7.774 lít hóa chất và 742,8 tấn vôi; tiêu độc, khử trùng được 19,3 triệu m2 đường làng, ngõ xóm, chợ, khu vực chăn nuôi, nơi có các ổ dịch cũ và những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Công tác tiêm phòng đại trà và bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm, toàn tỉnh được thực hiện đây đủ. Trong tháng, toàn tỉnh đã tiêm bổ sung 101,7 nghìn liều vắc xin các loại cho đàn gia súc và 3,3 triệu liều vắc xin các loại cho đàn gia cầm.
c) Lâm nghiệp: Trong tháng, ngành chức năng và chính quyền các cấp đã tích cực tuyên truyền để đưa phong trào trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, trở thành phong trào tự giác ở các địa phương, các cơ quan, đơn vị. Công tác trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng được giao khoán cho các hộ dân, các hộ đang tập trung thu dọn thực bì, chuẩn bị mọi điều kiện trồng rừng theo kế hoạch. Tháng 4,toàn tỉnh trồng được 25 nghìn cây phân tán tạo cảnh quan môi trường, bằng 67,6% so cùng kỳ năm trước; khai thác được 349 m3 gỗ, bằng 89,3% và 486 ste củi, bằng 91,4%; Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng ở các địa phương tiếp tục triển khai tăng cường trong mùa nóng nắng, đồng thời chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh gây hại trên toàn bộ diện tích rừng hiện có. Trong tháng, đã xảy ra 1 vụ cháy rừng phòng hộ trên Núi Pu thuộc địa phận thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ. Theo thống kê ban đầu, đám cháy gây thiệt hại khoảng 6 ha rừng phòng hộ và không có thiệt hại về người.
d) Thuỷ sản: Do chưa có mưa lớn, nên mực nước ở các ao, hồ xuống thấp đã phần nào ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang dự trữ thức ăn và thả bổ sung cá giống vào diện tích sau khi đã thu hoạch sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và sau dịp tết Nguyên đán. Với mục đích bổ sung nguồn lợi thủy sản nhằm góp phần phục hồi và phát triển đa dạng các loài thủy sản trong các thủy vực tự nhiên, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ, tái tạo, duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản, ngày 31/3, tại xã Hán Quảng (H. Quế Võ) Chi cục Thủy sản đã tiến hành thả 1,3 vạn con cá giống các loại ra môi trường tự nhiên trên sông Đuống, cá giống thả được chọn mua từ những trại giống có uy tín và chất lượng cao. Tính đến cuối tháng 4, diện tích nuôi trồng thủy sản là 5.234 ha, tăng 6 ha so cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt 4.127 tấn, tăng 0,3% cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thu hoạch đạt 3.995 tấn, tăng 0,5%; sản lượng lồng bè đạt 480 tấn, tăng 4,1%. Sản lượng khai thác ước đạt 132 tấn, giảm 5,7%.
2. Sản xuất công nghiệp: Sau nhiều tháng liên tục đạt mức tăng trưởng cao, đến tháng 4 sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu chững lại.
a) Chỉ số sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 giảm 15,4% so với tháng trước và chỉ tăng 6,4% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 15,4% và tăng 6,4%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng,… tăng 32,4% và tăng 23,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,7% và giảm 5,9%. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có 9/20 ngành có chỉ số tăng so tháng trước và so cùng tháng năm trước, như: SX đồ uống (+10% và +18,3%); chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ (+8,6% và +10,6%); SX hóa chất (+23,4% và +38,9%); SX thuốc (+6,3% và+96,5%); SXSP từ khoáng phi kim loại (+7,7% và +26,4%); SX kim loại (+12,5% và +37,3%); SXSP từ kim loại (+7,9% và +12%),… đã góp phần duy trì bù đắp mức sụt giảm của một số ngành khác. Tuy nhiên, do ngành SXSP điện tử có chỉ số giảm mạnh so với tháng trước (-17,8%) và chỉ tăng 5,2% so cùng tháng năm trước, nên đã tác động lớn đến chỉ số chung. Sở dĩ, ngành SXSP điện tử giảm so với tháng trước là do sản xuất điện thoại di động của Samsung giảm. Mặc dù, mới ra mắt sản phẩm mới bộ đôi Samsung Galaxy S9/S9+ vào ngày 16/3, nhưng do lượng đặt hàng chỉ bằng 70% so với sản phẩm Galaxy S8/S8+. Sau một tháng ra mắt và lên kệ, lượng tiêu thụ 2 sản phẩm di động này đạt thấp, do sản phẩm không có nhiều đột phá so với mẫu smartphone trước và chu kỳ sử dụng người tiêu dùng cũng dài hơn, nên Công ty TNHH SEV cũng bắt đầu giảm lượng sản xuất. Tính chung 4 tháng đầu năm, IIP tăng 33% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến tăng 33,2% (chủ yếu vẫn do ngành SXSP điện tử tăng cao, +38,2%); ngành SX và PP điện tăng 21,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,6%.
b) Về giá trị sản xuất: Theo giá so sánh 2010, GTSX công nghiệp tháng 4 đạt 93.402,3 tỷ đồng, giảm 15,2% so tháng trước và tăng 4,7% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 93.304,3 tỷ đồng
(-15,2% và +4,7%). Tính chung 4 tháng, GTSX đạt 359.389 tỷ đồng, tăng 37,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 91% và tăng 37,2%; ngành SX và phân phối điện, khí đốt,... tăng 27,3%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 13%.
c) Chỉ số sử dụng lao động: Mặc dù, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chững lại, nhưng nhu cầu sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp vẫn gia tăng ở cả ba khu vực. Tháng 4/2018, chỉ số sử dụng lao động tăng 1,6% so tháng trước và tăng 14,1% so cùng tháng năm trước. Trong đó, khu vực Nhà nước tăng 4% và tăng 12,1%; khu vực ngoài nhà nước tăng 6% và tăng 7,3%; khu vực FDI tăng 0,9% và tăng 15,3%. Phân theo ngành công nghiệp cấp 1, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1,6% và tăng 14,3%; ngành SX và phân phối điện...đạt xấp xỉ tháng trước và tăng 0,5%; ngành cung cấp nước...tăng 6,7% và tăng 10,6%. Tính chung 4 tháng, chỉ số sử dụng công nghiệp tăng 14,1% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực DN FDI tăng cao nhất (+16,8%), tiếp đến là khu vực Nhà nước tăng 7,2%, còn khu vực DN dân doanh chỉ tăng 0,2%.
3. Đầu tư
a) Vốn đầu tư: Tháng 4, thời tiết trong tháng thuận lợi cho việc thi công xây dựng. Một số công trình, dự án mới đã bắt đầu đi vào triển khai, thi công theo kế hoạch. Trong khi đó, các dự án chuyển tiếp từ năm 2017 cũng được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện nên vốn đầu tư tháng này đạt khá. Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 4 ước đạt 242,5 tỷ đồng, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 9,1% so cùng tháng năm trước. Trong đó, vốn đầu tư ngân sách tỉnh đạt 661,9 tỷ đồng, tăng 8,7% và tăng 0,8%. Tính chung 4 tháng, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 941,6 tỷ đồng tăng 13,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngân sách tỉnh quản lý đạt 661,9 tỷ đồng, tăng 6,8%; cấp huyện quản lý đạt 164,7 tỷ đồng, tăng 35,7%; cấp xã quản lý đạt 115 tỷ đồng, tăng 29,5%. Nguồn vốn nước ngoài (ODA) đạt 35,3 tỷ đồng, tăng 19,9% được thực hiện chủ yếu trong các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
b) Hoạt động cấp phép đầu tư: Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố, với 64,36 điểm, tăng 4,01 điểm so với năm 2016, nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng khá. Trong 8 chỉ số tăng điểm, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng cao nhất với số điểm tăng thêm là 1,22. Điều này chứng tỏ chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của Bắc Ninh ngày càng được cải thiện, đã góp phần thu hút các nhà đầu tư. Chất lượng của Chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp được khẳng định nhờ những nỗ lực không nhỏ của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Năm 2018, Bắc Ninh tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đến nay đã có hàng chục lượt đoàn doanh nghiệp đến tìm hiểu và xúc tiến đầu tư, điển hình như tập đoàn Route Inn (Nhật Bản), Tập đoàn DSH (Tây Ban Nha), Công ty Dell EMC Việt Nam, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn... Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 51 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 400 triệu USD; so cùng kỳ năm trước, tăng 34,2% về số dự án và tăng 77,4% về số vốn đăng ký. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1.184 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép đầu tư (còn hiệu lực), tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 16.376,6 triệu USD. Trong đó, trong các KCN tập trung có 814 dự án (chiếm 68,9%) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 15.190,4 triệu USD (chiếm 92,8%).
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
a) Lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ: Tháng 4, là tháng có nhiều các ngày nghỉ lễ lớn, như: giỗ tổ Hùng Vương 10/3, nghỉ lễ 30/4-01/5, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch đã được các DN tổ chức sôi động. Bên cạnh đó, thời tiết đang vào hè nên các cửa hàng kinh doanh đồ điện lạnh, hàng may mặc... bắt đầu nhộn nhịp hơn, hàng hóa phong phú cả về kiểu dáng và mẫu mã đã thu hút nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Công tác quản lý thị trường được tăng cường, các ngành chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ diễn biến thị trường để bình ổn giá cả; ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại, đồng thời tích cực kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm kinh doanh lớn nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4 ước đạt 2.882 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 8,5% so cùng tháng năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ của loại hình kinh tế cá thể chiếm tỷ trọng lớn nhất, tăng 0,4% và tăng 6,5%. Theo nhóm hàng, một số nhóm hàng tăng so với tháng trước và tăng cao so cùng tháng năm trước như: may mặc (+0,4% và +17,8%); ô tô các loại (+0,5% và +33%); phương tiện đi lại (+0,8% và +16,6%), xăng dầu các loại (+2% và +22,5%),…Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 12.079,8 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế tập thể tăng 10,6%; kinh tế cá thể tăng 6,9%; kinh tế tư nhân tăng 13,2%. 11 nhóm hàng đều có chỉ số tăng so với cùng kỳ với mức tăng cao nhất là nhóm ô tô các loại (+19%) và thấp nhất là nhóm hàng đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình (+4,6%). Lao động trong các DN FDI tiếp tục tăng, nhu cầu sử dụng suất ăn công nghiệp cũng tăng theo. Bên cạnh đó, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình cũng tăng hơn khi bắt đầu bước vào mùa hè. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 4 ước đạt 399,3 tỷ đồng, tăng 2,2% so tháng trước và tăng 14,8% so cùng tháng năm trước. Trong đó, lưu trú đạt 22,1 tỷ đồng (+1,5% và +11,3%); ăn uống đạt 377,2 tỷ đồng (+2,3% và +15%); doanh thu của khu vực FDI đạt 179,3 tỷ đồng, chiếm 44,9% và đã gần tương đương với kinh tế cá thể. Tính chung 4 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.647,4 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu ăn uống đạt 1.555 tỷ đồng, chiếm 94%, tăng 10,4%; khu vực FDI đạt 698 tỷ đồng, tăng 14,8%. Các ngành dịch vụ khác (không bao gồm dịch vụ công) chưa có nhiều biến động trong những tháng đầu năm do nhu cầu phát sinh chưa lớn. Doanh thu tháng 4 ước đạt 587,5 tỷ đồng, chỉ tăng 0,2% so tháng trước và tăng 7,1% so cùng tháng năm trước. Sau 4 tháng đầu năm, doanh thu đạt 2.325 tỷ đồng, tăng 9,9% so cùng kỳ năm 2017. Theo ngành kinh tế, 7/7 ngành đều có chỉ số tăng với mức tăng mạnh từ 7,3% đến 21,1%. Trong đó, các ngành có chỉ số tăng cao hơn so với chỉ số chung, như: ngành hành chính và dịch vụ hỗ trợ đạt 292,1 tỷ đồng, tăng 16%; y tế và trợ giúp xã hội đạt 34,3 tỷ đồng, tăng 13,3%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí đạt 60 tỷ đồng, tăng 21,1%. Riêng ngành kinh doanh bất động sản, chiếm tỷ trọng lớn nhất và có mức tăng thấp (+8,6%), chỉ cao hơn ngành sửa chữa đồ dùng cá nhân và gia đình (+7,3%), đã phần nào kéo mức tăng chung thấp hơn.
b) Tình hình giá cả: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Trong tháng, cùng với việc 2 lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá một số loại lương thực phẩm cũng có xu hướng tăng lên, đã phần nào tác động và kéo chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng cao hơn so cùng tháng các năm trước. Tính chung, CPI tháng 4 tăng 0,36% so với tháng trước, trong khi CPI của tháng 4 năm 2014 tăng 0,08%, 2015 tăng 0,22%, 2016 tăng 0,31% và 2017 giảm 0,42%. Các nguyên nhân chính làm tăng CPI trong tháng, đó là: (1) Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng liên tiếp 2 lần trọn trong tháng, làm nhóm giao thông tăng 1%; (2) Giá lương thực tăng 1,37% do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng và thị trường xuất khẩu gạo được mở rộng, lượng thu mua tăng, chủ yếu do giá tẻ thường tăng 3,16% và gạo nếp tăng 2,28%; (3) (3) Các thực phẩm 0,71%, do thịt gia súc tươi sống tăng 1,6%, thịt gia cầm tăng 0,8%, thịt chế biến tăng 1,07%, mỡ ăn tăng 2,94%, đậu hạt tăng 1,05%; (4) Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,53% (chủ yếu do sắt thép xây dựng tăng), làm nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+1,38%). So cùng tháng năm trước, CPI tăng 1,79%; so với tháng 12 năm trước tăng 1,24%. Tính CPI bình quân 4 tháng đầu, CPI tăng 1,06% so cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp so với mức tăng 4,17% của 4 tháng năm 2017. Chỉ số giá vàng và đôla Mỹ: Những ngày đầu tháng, giá vàng tiếp tục biến động theo xu hướng tăng của thị trường thế giới, đến gần giữa tháng lại giảm dần. Bình quân giá vàng bán ra trong tháng ở mức 3.684.000/chỉ, tăng 0,74% so với tháng trước, tăng 6,89% so cùng tháng năm trước, tăng 4,93% so tháng 12/2017 và bình quân 4 tháng đã tăng tới 9,03% (trong khi bình quân 4 tháng 2017 tăng 5,88%). Trong khi đó, giá đôla Mỹ ít biến động hơn, giá bán USD bình quân ở mức 22.826 đồng/USD, tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 0,3% so cùng tháng năm trước, tăng 0,33% so tháng 12/2017 và bình quân 4 tháng tăng 0,13%.
c) Xuất, nhập khẩu: Lượng đặt hàng và mức tiêu thụ đối với dòng điện thoại S9/S9+ mới của SEV giảm sút trên toàn cầu, nên hoạt động ngoại thương cũng sụt giảm đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tháng 4 ước đạt 2.162,5 triệu USD, bằng 64,5% so tháng trước và giảm 15,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm điện thoại và linh kiện đạt 1.602,7 triệu USD, chiếm 74,1%, chỉ bằng 58% so tháng trước và bằng 63,9% so cùng tháng năm trước; nhóm máy vi tính và phụ kiện đạt 529,4 triệu USD, tuy giảm 4,6% so tháng trước, nhưng lại tăng rất cao (gấp 58,4 lần) so cùng tháng năm trước; nhóm hàng dệt may cũng có kim ngạch giảm sút do chưa ký kết được nhiều hợp đồng mới. Tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10.577,1 triệu USD, tăng 53,1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực FDI đạt 10.537,4 triệu USD và tăng 52,6%; các nhóm hàng có mức tăng cao so cùng kỳ, như: sản phẩm từ chất dẻo (+86,7%); hàng dệt may (+18,7%); điện thoại các loại và linh kiện (+30,8%), máy vi tính và phụ kiện (gấp hơn 20 lần). Tuy nhiên, một số ngành có kim ngạch xuất khẩu giảm như sản phẩm bằng gỗ, dây điện, cáp điện,... Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tháng 4 ước đạt 1.826,1 triệu USD, giảm 10,5% so tháng trước và giảm 24% so cùng tháng năm trước. Trong đó, kim ngạch của khu vực FDI đạt 1.794,2 triệu USD, giảm 10,3% và giảm 24,7%, chủ yếu do giảm ở nhóm linh kiện điện tử (đạt 1.370,6 triệu USD, giảm 9,3% và giảm 3,3%) và nhóm máy móc thiết bị (chỉ đạt 65,8 triệu USD, giảm 26,5% và chỉ bằng 2,2%, do các dây truyền nhà máy mới của Công ty Samsung Display đã lắp đặt xong trong năm 2017). Lũy kế 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 7.664,1 triệu USD, tăng 14,5% so cùng kỳ năm trước Trong đó, một số nhóm hàng chủ lực vẫn duy trì được mức tăng cao so cùng kỳ năm 2017, như: TAGS&NPL chế biến (+49,6%); vải các loại (+9%); Giấy các loại (gấp 2,1 lần); phụ liệu dệt may (+28,5%); linh kiện điện thoại, điện tử (+21,5%). Dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể sẽ tiếp tục sụt giảm trong những tháng tới, do chưa có sản phẩm mới được tung ra thị trường.
5. Giao thông vận tải
a) Hoạt động kinh doanh vận tải: Vận tải hành khách: Đã bắt đầu bước vào mùa hè, nhu cầu nghỉ mát gia tăng hơn. Bên cạnh đó, do lượng lao động ngoại tỉnh đến làm việc ở Bắc Ninh tiếp tục tăng, các hãng xe đã mở thêm nhiều tuyến mới để phục vụ đi lại hàng ngày của người lao động. Tháng 4, toàn tỉnh vận chuyển 1,8 triệu hành khách, tăng 3,9% so tháng trước và 17,4% so cùng tháng năm trước; luân chuyển đạt 85,7 triệu HK.km, tăng 4,1% và tăng 19,5%; doanh thu vận tải hành khách đạt 115,6 tỷ đồng, tăng 4,3% và tăng 20,9%. Lũy kế từ đầu năm, toàn tỉnh đã vận chuyển 6,9 triệu HK, tăng 14,2% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 327 triệu HK.km, tăng 15,4% và doanh thu đạt 440,4 tỷ đồng, tăng 16,4%. Vận tải hàng hóa: Khối lượng vận chuyển đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 2,6% so cùng tháng năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 146,3 triệu tấn.km, tăng 1,1% và tăng 2,4%; doanh thu vận chuyển hàng hóa tháng 4 ước đạt 217,9 tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 3,2%. Lũy kế từ đầu năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 12 triệu tấn, tăng 4,9% so cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 582 triệu tấn.km, tăng 4% và doanh thu đạt 867,4 tỷ đồng, tăng 5,3%. Nhìn chung, hoạt động vận tải hàng hóa tăng thấp do nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ đã đầu tư xe riêng để tự phục vụ và giảm chi phí. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2.068 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế ngoài nhà nước chiếm 70% và tăng 8,6%; khu vực FDI chiếm 30% và tăng tới 20,3%, chủ yếu do hoạt động logistic tiếp tục được mở rộng về quy mô (chiếm 35,3%) và tăng cao (+16,3%) so cùng kỳ năm trước.
b) Tình hình an toàn giao thông: Với sự chỉ đạo kiên quyết của Ban ATGT tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ để kiềm chế và làm giảm TNGT, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông phối hợp với các địa phương, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt là triển khai thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, xe quá khổ, quá tải, tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự ATGT. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân; tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm, kiên quyết đối với mọi trường hợp vi phạm các quy định về ATGT; tăng cường công tác quản lý hành lang giao thông đường bộ, đường sắt, xử lý các điểm đen giao thông, nên TNGT được kiềm chế. Trong tháng 4, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 7 người và bị thương 3 người. So với tháng trước, giảm 1 vụ, tăng 1 người chết và tăng 2 người bị thương. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ TNGT đường bộ, làm 23 người chết và 8 người bị thương. So cùng kỳ năm trước, tăng 1 vụ, tăng 6 người chết và giảm 1 người bị thương.
6. Tài chính: Do quy mô các hoạt động SXKD tiếp tục được mở rộng, thu nhập của dân cư được cải thiện đáng kể, nên thu các loại thuế tăng khá. Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 4 ước đạt 2.267,1 tỷ đồng, tuy giảm nhẹ (-3,6%) so tháng trước, nhưng vẫn tăng cao so cùng tháng năm trước (+33,5%). Trong đó, thu nội địa đạt 1.775,1, giảm 3,9% và tăng 36,5%. Một số khoản thu tăng cao so cùng tháng năm trước như: thu từ các DN FDI tăng 10,6%; thu thuế ngoài quốc doanh (+8,3%); thu thuế bảo vệ môi trường (+29,8%); thu lệ phí trước bạ (+15,3%); thu phí, lệ phí (+13,3%); thu tiền sử dụng đất gấp hơn 5 lần; thu từ hải quan (+23,7%)...Tính chung 4 tháng, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 11.267,3 tỷ đồng, đã đạt 47,2% dự toán và tăng 35,7% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngoài khoản thu từ DNNN địa phương giảm còn lại hầu hết các khoản thu đều đạt cao so với dự toán và tăng cao so cùng kỳ, với mức tăng cao nhất là thu tiền sử dụng đất (gấp 2,4 lần) và tăng thấp nhất là thu từ hải quan (+6,9%). Thu ngân sách tăng cao nên chi ngân sách địa phương cũng chủ động hơn trong chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển. Tổng chi ngân sách địa phương tháng 4 tháng ước đạt 1.975,8 tỷ đồng, tăng 34,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần so cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng chi ngân sách địa phương đạt 5.243,7 tỷ đồng, đạt 44,8% dự toán năm và tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển là 2.631,9 tỷ đồng, tăng 55% và chi thường xuyên là 2.610,4 tỷ đồng, tăng 40%.
7. Ngân hàng - Tín dụng: Trong tháng, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách của Nhà nước, với các giải pháp đồng bộ đến các Chi nhánh NH, TCTD trên địa bàn tỉnh. Trong đó, thực hiện nghiêm túc các quy định về hạ lãi suất cho vay theo chỉ đạo của NHNN, đồng thời chủ động áp dụng các biện pháp để đảm bảo thanh khoản, thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí. Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức từ 0,5%-7,5%/năm đối với từng kỳ hạn gửi và lãi suất cho vay là từ 6,5%-11,5%/năm với từng kỳ hạn vay. Dự kiến đến hết tháng 4, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 88.400 tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng trước, tăng 23,1% so cùng tháng năm trước và giảm 2,4% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, tiền gửi của cá nhân đạt 55.200 tỷ đồng, tăng 0,8%, tăng 19% và tăng 7,7%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực SXKD, đặc biệt là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ tích cực DN, phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tính đến cuối tháng 4, tổng dư nợ tín dụng ước đạt 70.800 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước, tăng 19,2% so với cùng tháng năm trước và tăng 2,4% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, cho vay ngắn hạn là 43.600 tỷ đồng, tăng 0,8%, tăng 22,9% và tăng 2,6%; dư nợ tín dụng của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 47,9%; lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 47,4%. Nợ xấu ước đến cuối tháng 4 là 600 tỷ đồng, chiếm 0,85%/tổng dư nợ. Trong đó chủ yếu là nợ xấu của doanh nghiệp (chiếm tỷ trọng 65%).
8. Một số vấn đề xã hội
a) Hoạt động y tế: Ngành y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác khám, điều trị và phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trong thời điểm giao mùa. Để chủ động phòng chống các dịch bệnh, ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh thành lập các đội phòng chống dịch lưu động ở các địa phương nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Trong tháng, toàn tỉnh đã thực hiện khám chữa bệnh cho 176,2 nghìn lượt người, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, điều trị nội trú cho 18,9 nghìn lượt người, tăng 2,2% và tăng 6,8%. Chương trình mục tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được quan tâm. Đặc biệt, nhằm quản lý có hiệu quả an toàn thực phẩm cũng như bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, ngày 23/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 123/QĐ-TTg về việc thí điểm thành lập ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh. Ngành Y tế đã triển khai tháng “Hành động vì ATTP năm 2018” kéo dài từ ngày 15/4 đến 15/5 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, UBND tỉnh đã thành lập 2 Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm ATVSTP của các Ban Chỉ đạo liên ngành huyện, thị xã, thành phố; kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP trong sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm của các cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng.
b) Giáo dục - đào tạo: Trong tháng 4, Sở GD-ĐT đã triển khai các hoạt động liên quan đến công tác tổ chức các kỳ thi năm học 2017-2018, trong đó trọng tâm là kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Theo kế hoạch, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 được tổ chức trong 3 ngày 25, 26 và 27-6. Theo đó, toàn tỉnh có 32 điểm thi với hơn 14.000 thí sinh (gồm cả thí sinh tự do), tăng 1 điểm thi và khoảng 1.000 thí sinh so với năm 2017. Thời gian đăng ký dự thi từ ngày 1-4 đến 20-4. Kỳ thi tuyển sinh vào THPT công lập gồm THPT công lập đại trà và THPT Chuyên Bắc Ninh được tổ chức vào ngày 1-3/6. Đối với khối THCS, Sở GD-ĐT chủ trương xét tuyển tối đa học sinh hoàn thành chương trình Giáo dục Tiểu học vào lớp 6 và sẽ tổ chức cho thí sinh làm 1 bài kiểm tra đánh giá năng lực toàn diện. Nhằm bảo đảm cho các kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và đạt kết quả cao, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường tập trung mọi nguồn lực chuẩn bị tốt nhất các điều kiện, các cơ sở giáo dục tăng cường chỉ đạo ôn thi, bố trí giáo viên nhiều kinh nghiệm dạy ôn thi; tuyên truyền sâu rộng những điểm mới của kỳ thi, kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm, tránh thiệt thòi cho thí sinh do thiếu hiểu biết; đồng thời đẩy mạnh công tác phân luồng hướng nghiệp trước khi học sinh đăng ký chọn ngành, nghề.
c) Hoạt động văn hoá, TDTT: Các hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền trong tháng tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các ngày kỷ niệm lớn, như: chiến thắng 30/4/1975, ngày Quốc tế Lao động 1/5. Các hoạt động văn hoá, thể thao được các ngành, các địa phương tổ chức sôi nổi, nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng góp phần xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh ở các khu dân cư, như: Đại hội TDTT các huyện, các giải cờ vua cờ tướng, vật, cầu lông, bóng đá…Thể thao thành tích cao tiếp tục được chú trọng, quan tâm và đầu tư đúng hướng, phù hợp với điều kiện kinh tế và truyền thống Bắc Ninh. Vị thế thể thao thành tích cao của tỉnh từng bước được cải thiện về số lượng huy chương trên đấu trường trong và ngoài nước. Trong tháng, đã cử các đoàn VĐV đi tham gia thi đấu tại các giải đấu lớn trong và ngoài tỉnh như: Giải vật dân tộc Anh tài toàn quốc lần thứ 5 (giành 2 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ); Giải vật tự do, vật dân tộc đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII; Giải hạng A bóng chuyền toàn quốc (Đội nữ bóng chuyền Kinh Bắc giành ngôi đầu bảng A).