Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2018.

21/03/2018 14:50

Theo Báo cáo của Cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh trong tháng 3 và quý I năm 2018, quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, nhiều ngành và lĩnh vực duy trì mức tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước, như: sản xuất công nghiệp (+40,5% về GTSX và +38% về chỉ số IIP); kim ngạch xuất khẩu (+84,9%), nhập khẩu (+38,8%); thương mại, dịch vụ và vận tải đều tăng trên 11%; thu NSNN tăng 26,3%,… đã góp phần đưa kinh tế của tỉnh tăng 17,7% so với quý I/2017. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng ổn định, lạm phát được kiểm soát; quy mô các ngành dịch vụ tiếp tục được mở rộng đã từng bước tạo thế cân bằng trong phát triển kinh tế. Việc làm và thu nhập của dân cư được cải thiện, nhất là thu nhập của người lao động trong các DN tăng hơn 10% và cao hơn mức bình quân cả nước (gấp 1,3 lần), nên an sinh xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nên chưa ổn định cụ thể:

1. Tăng trưởng kinh tế: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I theo giá so sánh 2010 ước đạt 34.697,6 tỷ đồng, tăng 17,7% so với quý I/2017, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ trong nhiều năm qua. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,8% và đóng góp 0,03 điểm phần trăm tăng trưởng, chủ yếu do tăng ở ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng tới 21% và đóng góp 15,3 điểm phần trăm tăng trưởng. Khu vực dịch vụ (bao gồm cả thuế sản phẩm), tăng 9,8% và đóng góp 2,36 điểm phần trăm tăng trưởng. Sở dĩ, kinh tế quý I năm nay tăng trưởng cao là do sản xuất công nghiệp của khu vực FDI vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao nhờ có thêm nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng các loại đi vào hoạt động ổn định từ quý IV/2017, ước tính GTSX của các DN FDI trong quý I bằng 75% của quý IV/2017 và tăng tới 45% so cùng kỳ năm trước (quý I/2017 sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm do sự cố lỗi pin của dòng điện thoại Samsung galaxy Note phải thu hồi). Ở khu vực dịch vụ, một số ngành tiếp tục được mở rộng về quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người lao động đang tiếp tục gia tăng trong các KCN cũng như nhu cầu sử dụng dịch vụ của các DN, nên đạt mức tăng trưởng khá cao, như: ngành bán buôn, bán lẻ (+9,8%); vận tải, kho bãi (+11,7%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (+13,5%); dịch vụ kinh doanh bất động sản (+6,3%); các dịch vụ hành chính, hỗ trợ và phục vụ nhu cầu cá nhân cũng đều đạt mức tăng cao, từ 12-14%. Thêm nữa, phần lớn các sản phẩm điện tử đều được xuất khẩu và nhập nguyên liệu, linh kiện từ nước ngoài, nên thu từ thuế sản phẩm tăng 13,8% so cùng kỳ năm trước.

2. Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

2.1. Tài chính: Do quy mô SXKD tiếp tục được mở rộng, nhiều DN đạt lợi nhuận cao, thu nhập của người lao động tăng, nhiều khoản thuế của quý IV/2017 được các DN và người lao động nộp trong quý I/2018, nên thu ngân sách tăng cao. Tính chung quý I, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.340 tỷ đồng, đạt 35% dự toán năm và tăng 26,3% so với quý I/2017. Trong đó, thu nội địa là 6.920 tỷ đồng, chiếm tới 83%, đạt 38,5% dự toán và tăng 33,4%; thu từ hải quan là 1.420 tỷ đồng, đạt 24,1% dự toán và tăng 1,2%. Một số khoản thu nội địa chiếm tỷ trọng lớn và tăng cao so với quý I/2017, như: thu từ DN FDI đạt 3.200 tỷ đồng, chiếm 38,4% và tăng 23,8%; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 1.204 tỷ đồng, chiếm 14,4% và tăng 62,8%; thu thuế ngoài nhà nước đạt 690 tỷ đồng, chiếm 8,3% và tăng 21,7%; thu tiền sử dụng đất đạt 1.016 tỷ đồng, chiếm 12,2% và tăng 76,5%; thu từ DNNN trung ương đạt 340 tỷ đồng, chiếm 4,1% và tăng 54,8%; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 205 tỷ đồng, chiếm 2,5% và tăng 31,9%. Thu ngân sách tăng cao nên đã góp phần chủ động hơn trong các khoản chi, nhất là chi đầu tư phát triển trong điều kiện dự toán chưa được phân bổ chi tiết. Tổng chi ngân sách địa phương quý I ước đạt 3.525,6 tỷ đồng, đạt 30,1% dự toán năm và tăng 29,6% so quý I/2017. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển là 1.498,3 tỷ đồng, đạt 57% dự toán và tăng 14,1%; chi thường xuyên là 2.013,9 tỷ đồng, đạt 24,6% dự toán và tăng 46,8%. Trong chi thường xuyên, một số khoản chi thiết yếu có mức chi lớn và phát sinh tăng cao trong tháng 3, như: chi giáo dục - đào tạo 700 tỷ đồng (riêng tháng 3 là 400 tỷ đồng), chi hoạt động kinh tế 417 tỷ đồng (tháng 3 là 381 tỷ đồng), chi sự nghiệp y tế 125 tỷ đồng (tháng 3 gần 98 tỷ đồng), chi bảo vệ môi trường 142 tỷ đồng (tháng 3 là 131 tỷ đồng),..

2.2. Ngân hàng - Tín dụng: Nhu cầu đầu tư chuẩn bị cho kế hoạch SXKD đầu năm tăng, nên lượng tiền gửi của dân cư có xu hướng sụt giảm trong tháng 3. Tuy nhiên, nhiều tổ chức và DN lại có nguồn tiền dự trữ lớn, đã gửi ở các tổ chức tín dung, nên nguồn vốn huy động tiếp tục tăng. Tổng nguồn vốn huy động tín dụng đến cuối tháng 3 ước đạt 90.600 tỷ đồng, tăng 0,9% so tháng trước, tăng 20,6% so cùng tháng năm trước và tăng 0,1% so cuối năm 2017. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của dân cư là 54.600 tỷ đồng, giảm 1,3%, tăng 19,7% và tăng 6,5%; tiển gửi của các tổ chức đạt 33.200 tỷ đồng, tăng 4,7%, tăng 24,1% và giảm 9,3%. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN, với mục tiêu đồng hành cùng DN, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển SXKD, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã triển khai nghiêm túc các quy định về lãi suất và áp dụng mức phí cho vay hợp lý đối với từng loại hình DN. Đối với lãi suất cho vay bằng VND phổ biến ở mức: các lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên 6,5%/năm (giảm 0,5% so quý I/2017); các lĩnh vực SXKD thông thường khác: kỳ ngắn hạn từ 8-10%/năm, trung và dài hạn từ 10-11,5%/năm. Các ngân hàng cũng thực hiện tái cơ cấu nguồn vốn tín dụng theo hướng mở rộng cho vay trung và dài hạn. Tổng dư nợ đến cuối tháng 3 ước đạt 70.000 tỷ đồng, tăng 0,9% so tháng trước, tăng 20,7% so cùng tháng năm trước và tăng 1,3% so cuối năm 2017. Trong đó, cho vay trung và dài hạn đạt 27.500 tỷ đồng, chiếm 39,3%, tăng 0,9%, tăng 17,2% và tăng 3,3%. Dư nợ tín dụng đối với khu vực CN-XD chiếm 47,9%; Thương mại và dịch vụ chiếm 47,4%. Đối với nợ xấu, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tổ chức triển khai đồng bộ tổ hợp các giải pháp nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu, ngăn chặn nợ xấu mới phát sinh. Đến cuối tháng 3/2018, nợ xấu trên địa bàn còn 650 tỷ đồng, chiếm 0,93% tổng dư nợ. Nhu cầu chi tiêu tiền mặt của dân cư và các tổ chức tăng cao, công tác thanh toán được các ngân hàng thực hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác và an toàn tuyệt đối, nên lượng thu-chi tiền mặt qua ngân hàng tăng khá. Các ngân hàng tiếp tục mở rộng dịch vụ trả lương qua tài khoản, với 2.262 đơn vị (trong đó có 849 đơn vị hưởng lương từ NSNN); đã phát hành 678.265 thẻ ATM, lắp đặt được 2257 máy ATM; lắp đặt và vận hành 1.347 máy POS với số lượng giao dịch thanh toán qua máy POS trong quý I đạt 177.663 món, doanh số đạt 449 tỷ đồng. Tính chung, tổng thu tiền mặt trong quý I ước đạt 125,4 nghìn tỷ đồng, tăng 28,6% so với quý I/2017. Tổng chi tiền mặt đạt 125,1 nghìn tỷ đồng, tăng 30,2%; bội thu tiền mặt ước đạt 300 tỷ đồng, thấp hơn mức 1.366 tỷ đồng của quý I/2017.

2.3. Bảo hiểm: Nhằm thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội cho người lao động, ngay từ đầu năm ngành BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia, trong đó chú trọng vào nhóm BHYT theo gia đình, học sinh, sinh viên, hộ nghèo, cận nghèo và BHXH cho người lao động mới được tuyển dụng trong các KCN . Đồng thời, tiếp tục thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các DN, tổ chức nợ hoặc chưa tổ chức cho người lao động tham gia BHXH, BHYT và BHTN. Đến cuối tháng 3, toàn tỉnh đã có 1.136,6 nghìn người tham gia đóng bảo hiểm các loại, chiếm 93% dân số toàn tỉnh; so cùng kỳ năm trước, tăng 13% về số người tham gia và tăng 7% tỷ trọng so với dân số. Trong đó, có 1.133 nghìn người tham gia BHYT, tăng 13%; 324,9 nghìn người tham gia BHXH, tăng 11,7%; 321,4 nghìn người đóng BHTN, tăng 14,6%. Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại đạt 1.448,9 tỷ đồng, tăng 24,1% so cùng kỳ; trong đó thu từ BHYT là 318,7 tỷ đồng, tăng 19,8%; thu BHXH bắt buộc là 1.052,4 tỷ đồng, tăng 26,4%. Công tác chi bảo hiểm tiếp tục được thực hiện có hiệu quả qua hệ thống bưu điện, trong dịp Tết đã trích trước quỹ BH để chi 2 tháng lương cho các đối tượng, đã góp phần ổn định đời sống nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Quý I, toàn tỉnh đã chi trả tiền bảo hiểm các loại với tổng số 919,8 tỷ đồng, tăng 10,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó sử dụng từ quỹ BHXH là 630,8 tỷ đồng, tăng 5,7%, sử dụng từ quỹ BHYT là 289 tỷ đồng, tăng 23% so quý I/2017.

3. Đầu tư và xây dựng

3.1. Vốn đầu tư: Trong quý I, vốn đầu tư phát triển chủ yếu phát sinh ở khối các DN FDI do có một số dự án mới được cấp phép cuối năm 2017 đã thực hiện giải ngân xây dựng nhà xưởng, dây truyền sản xuất. Trong khi đó, đầu tư từ các DN trong nước lại sụt giảm do chưa xây dựng xong kế hoạch SXKD năm. Vốn đầu tư của khu vực Nhà nước tuy tăng cao, nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ nên tác động không lớn đến kết quả chung. Tổng vốn đầu tư phát triển quý I ước đạt 18.384,5 tỷ đồng, tăng 5,6% so với quý I/2017. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt 736,6 tỷ đồng, tăng 24,1% và vốn vay từ các nguồn khác đạt 86,3 tỷ đồng, tăng 57,3%. Vốn ngoài Nhà nước đạt 4.023,2 tỷ đồng, giảm 14,5% so quý I/2017, chủ yếu do vốn của các tổ chức và DN sụt giảm (đạt 1.421,6 tỷ đồng, giảm 39,2%). Vốn đầu tư của DN FDI đạt 13.388,7 tỷ đồng, tăng 12,9% so quý I/2017. Xét theo mục đích đầu tư, chi đầu tư XDCB đạt 13.264,6 tỷ đồng, giảm 7,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó chi lắp đặt dây truyền sản xuất và máy móc thiết bị đi kèm là 6.510 tỷ đồng, giảm 22,4%; vốn mua sắm TSCĐ không qua xây dựng cơ bản đạt 3.884,8 tỷ đồng, tăng 91,8%; vốn bổ sung vốn lưu động đạt 1.132,5 tỷ đồng, tăng 11,8%.

3.2. Hoạt động cấp phép vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Năm 2018, Bắc Ninh tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư, trong quý I đã có hàng chục lượt đoàn nước ngoài đến tìm hiểu và xúc đầu tư. Tính đến này 15/3, toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 31 dự án và điều chỉnh 26 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là 287,4 triệu USD; so cùng kỳ năm trước, tuy giảm 1 dự án và nhưng lại tăng 168,1 triệu USD về vốn đăng ký. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.175 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép đầu tư (còn hiệu lực), tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 16.095 triệu USD. Trong đó, trong các KCN tập trung có 806 dự án (chiếm 68,6%) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 15.129 triệu USD (chiếm 94%). Hàn Quốc vẫn là quốc gia đứng đầu về số dự án và vốn đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh, với 823 dự án và 12.602 triệu USD vốn đầu tư.

3.3. Xây dựng: Vốn đầu tư phát triển phát sinh chưa lớn, nhu cầu xây dựng nhà ở thời điểm đầu năm chưa nhiều, nên hoạt động xây dựng tăng thấp. GTSX xây dựng quý I theo giá thực tế ước đạt 6.188 tỷ đồng, trong đó xây dựng nhà ở chiếm 41,4% (quý I/2017 chiếm 49,5); công trình nhà không để ở chiếm 27,6%; công trình kỹ thuật dân dụng chiếm 21,5%. Theo giá so sánh 2010, GTSX đạt 4.623 tỷ đồng, chỉ tăng 6,7% so quý I/2017. Trong đó, khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (85,9%) và tăng 4,3%; khu vực FDI tăng 31,8%, nhưng tỷ trọng đã giảm từ 19,1% của quý I/2017 còn 13,1% trong quý I năm nay (do một số nhà thầu nước ngoài đã rút về nước sau khi hoàn thành các dự án của tổ hợp samsung). Dự báo, hoạt động xây dựng sẽ tăng cao hơn trong quý II, do một số dự án FDI mới sẽ triển khai hoạt động xây dựng nhà xưởng và nhu cầu xây dựng nhà ở trong dân cư tăng dần.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

4.1. Nông nghiệp

a) Về trồng trọt: Vụ đông năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết đầu vụ diễn biến không thuận do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 10 (15-16/9) và áp thấp nhiệt đới (25/9 và 10-11/10) gây mưa trên diện rộng đã ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch lúa mùa, đất ướt, làm chậm tiến độ gieo trồng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất bãi để trồng ngô đông đã được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, nên diện tích giảm đáng kể. Mặc dù, sản xuất vụ đông tiếp tục được hỗ trợ của tỉnh và các địa phương, như: hỗ trợ giá giống, thu mua sản phẩm đầu ra để xuất khẩu, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân thuê ruộng sản xuất cây màu vụ đông quy mô lớn,... nhưng những khó khăn về thời tiết và tiêu thụ nông sản, chi phí vật tư và dịch vụ nông nghiệp tăng cao đã tạo không ít áp lực cho nông dân trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, nên kết quả sản xuất vụ đông năm nay sụt giảm so với năm trước. Theo kết quả tổng hợp chính thức, tổng diện tích gieo trồng cây rau màu vụ đông toàn tỉnh đạt 6.868,3 ha, bằng 91,6% kế hoạch và bằng 92,9% (-527,6 ha) so với cùng vụ năm trước. Các địa phương có diện tích giảm nhiều là: Tiên Du giảm 289 ha, Gia Bình giảm 138,1 ha, Bắc Ninh giảm 74,8 ha, Yên Phong giảm 29,7 ha. Riêng thị xã Từ Sơn, diện tích tăng 35,1ha. Trong đó, cây ngô đạt 838,5 ha, giảm 264,3 ha so cùng vụ năm trước, cây đậu tương đạt 27,1 ha, giảm 111,3 ha, cây rau màu đạt 5.692 ha, giảm 96,4 ha. Về năng suất và sản lượng, cây ngô đạt 49,3 tạ/ha, giảm 4,1 tạ/ha và sản lượng đạt 4.133 tấn, giảm 1.755 tấn so vụ đông năm trước; cây rau các loại, đạt 231,8 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha và sản lượng đạt 131.935 tấn, giảm 1.314,7 tấn (do giảm về diện tích). Giá trị trồng trọt (theo giá so sánh 2010) vụ đông năm nay đạt 658,4 tỷ đồng, giảm 1,4% so cùng vụ năm trước. Tuy nhiên, theo giá hiện hành GTSX đạt 762,3 tỷ đồng, tăng 5,1% chủ yếu do nhóm cây thực phẩm ứng dụng CNC có sản lượng và giá bán khi thu hoạch cao hơn. Sản xuất vụ xuân: Đầu vụ thời tiết diễn biến không thuận, mưa phùn rét đậm, rét hại ảnh hưởng tới việc cày ải, làm đất và quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng (đặc biệt là cây mạ). Các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn bà con nông dân tổ chức che phủ nilon đúng kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo đủ mạ cấy hết diện tích. Sau Tết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân trong tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ và gieo cấy vụ xuân được 33.868 ha, đạt 98,2% kế hoạch và bằng 99,9 % so cùng vụ năm trước (-28,6ha); trong đó diện tích gieo thẳng đạt 6.769 ha, tăng 1,2% so vụ xuân năm trước. Diện tích lúa gieo thẳng tập chung ở các huyện Lương Tài 3.234,3 ha, Quế Võ 2.700 ha, Gia Bình 510 ha, Thuận Thành 367 ha. Đến nay, đã được chăm sóc đợt 1 được 18.510 ha lúa xuân, bằng 74,1% so cùng vụ năm trước. Lúa xuân sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với gieo cấy lúa xuân, nông dân trong tỉnh đã gieo trồng được 3.407,7 ha cây rau màu vụ xuân, đạt 73,8% so KH vụ và bằng 92,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cây ngô đạt 821,4 ha, đạt 58,7% KH và bằng 76,1 %; cây lạc đạt 281 ha, bằng 60,9% so với cùng kỳ; rau các loại được 2.113,1 ha, tăng 8,8% so cùng kỳ.

b) Chăn nuôi và công tác thú y: Là quý có Tết Nguyên đán và các lễ hội, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm của dân cư tăng cao, nên số lượng đàn gia gia súc, gia cầm trước Tết tăng khá. Tuy nhiên, do giá thực phẩm trước và sau Tết vẫn giữ ở mức thấp, nhất là giá lợn hơi vẫn dao động từ 32.000-34.000 đồng/kg và nhu cầu sau Tết giảm dần, nên người chăn nuôi chưa đầu tư mạnh để phát triển đàn gia súc; đàn gia cầm ổn định so cùng kỳ năm trước. Ước tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh có 2.285 con trâu, tăng 0,7% (+15 con) so cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 30.100 con, giảm 4,3% (-1.358 con), trong đó có 683 con bò sữa, tăng 31,3% (+163 con); đàn lợn có 341.340 con, giảm 3,2%  (- 11.160 con); đàn gia cầm có 4.501,5 nghìn con, tăng 1,2% (+ 52,5 ngàn con). Sản lượng thịt hơi gia súc gia cầm xuất chuồng quý I ước đạt 7.813 tấn, tăng 1,2% so cùng kỳ năm trước. Trong quý I, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 1 ổ dịch lở mồm long móng ở khu Niềm Xá, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh với 20 con mắc bệnh, qua kiểm tra và xác minh, ngành Thú y đã tiêu hủy toàn bộ số lợn bị mắc bệnh với tổng trọng lượng tiêu hủy là 882 kg và lập cam kết yêu cầu hộ chăn nuôi số lợn chưa bị bệnh còn lại theo đúng quy trình, không giết mổ, mua bán vận chuyển,.. cho đến khi tình hình dịch bệnh ổn định. Ngành Thú y và chính quyền địa phương đã tổ chức khử trùng tiêu độc bằng vôi và hóa chất toàn bộ khu vực chuồng nuôi, xung quanh hộ và toàn bộ khu vực có dịch, đồng thời tổ chức tiêm phòng được 100 nghìn liều vắc xin LMLM cho đàn gia súc. Đến nay, không phát sinh thêm ổ dịch mới trên địa bàn tỉnh.

4.2. Lâm nghiệp: Trong quý I, các địa phương chủ yếu tập trung cho công tác chuẩn bị hiện trường, cây giống để triển khai cho công tác trồng rừng theo kế hoạch năm và Tết trồng cây Mậu Tuất. Sáng ngày 25/2 tại khu di tích lăng Kinh Dương Vương huyện Thuận Thành, UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Mậu Tuất 2018. Ước tính trong quý, toàn tỉnh trồng được khoảng 116 nghìn cây phân tán. Đến nay, các đơn vị đã chuẩn bị đủ lượng cây giống đáp ứng yêu cầu trồng cây theo kế hoạch. Công tác bảo vệ rừng trong dịp Tết và lễ hội mùa xuân được trú trọng, không có vụ cháy rừng xảy ra. Trong quý I, toàn tỉnh khai thác được 730 m2 gỗ giảm 6,2% so với cùng kỳ, khai thác 1.030 ste củi, giảm 7,2%.

4.3. Thuỷ sản: Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay, giá bán các loại sản phẩm thuỷ sản tăng, lượng tiêu thụ lớn, đã khuyến khích các hộ nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục đầu tư. Trong quý I, các cơ sở nuôi trồng đã thu hoạch số cá đã nuôi còn lại, đồng thời tổ chức tu bổ, sửa chữa hệ thống ao, hồ, bể, cống cấp và thoát nước; cải tạo, nạo vét khử trùng vệ sinh đáy ao, hồ; tôn cao bờ để chuẩn bị nuôi thả cá vụ mới. Đến cuối quý I, diện tích nuôi trồng thủy sản ước tính còn 5.231,4 ha, giảm 8,6 ha so cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi cá là chính chiếm đến 96,5%, Nguyên nhân diện tích nuôi trồng thủy sản giảm là do một số diện tích ao hồ trong khu dân cư bị ô nhiễm không nuôi trồng thủy sản được. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác quý I đạt 9.678 tấn, tăng 1,8% (+171 tấn) so với cùng kỳ. Trong đó, nuôi lồng bè đạt 1.104 tấn, tăng 4,9% so cùng kỳ.

5. Sản xuất công nghiệp: Sản xuất công nghiệp tháng 3 nói riêng và quý I nói chung có xu hướng tăng trưởng rõ nét do các DN FDI vẫn duy trì sản xuất 3 ca nhằm cung cấp kịp thời sản phẩm và linh kiện theo các hợp đồng đã được ký kết từ cuối năm 2017. Ở khu vực trong nước, các DN dân doanh cũng tổ chức sản xuất ngay sau kỳ nghỉ Tết, nên công nghiệp tăng trưởng cao.

5.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Tháng 3, sản xuất công nghiệp tăng 26,2% so tháng trước và tăng 34,7% so cùng tháng năm trước. Nguyên nhân là do tháng 2 trùng với Tết Nguyên đán và có các lễ hội đầu xuân, còn tháng 3 năm trước sản xuất của các DN FDI mới tăng nhẹ trở lại khi có sản phẩm mới được tung vào thị trường. Trong ngành CN chế biến chế tạo, với 6 ngành có chỉ số tăng so tháng trước và cùng tháng năm trước là SX sản phẩm thuốc lá (+50,8% và +8,1%); SX thuốc, hóa dược và dược liệu (+19% và +29,9%); SXSP từ cao su và plastic (+41,2% và +6,4%); SXSP từ khoáng phi kim loại (+75,7% và +8,6%); SXSP từ KL đúc sẵn (+22,5% và +2,3%) và SXSP điện tử, máy vi tính (+26,4% và +42,1%), nhưng do chiếm tỷ trọng lớn, nhất là ngành SXSP điện tử, nên đã tác động chính đến chỉ số chung toàn ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có một ngành có chỉ số giảm so tháng trước và cùng tháng năm trước do nhu cầu tiêu dùng không lớn, như sản xuất đồ uống, sản xuất đồ gỗ và sản xuất phương tiện vận tải. Tính chung 3 tháng đầu năm, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 38%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 38,2%, chủ yếu do ngành SXSP điện tử tăng cao (+45,9%); ngành SX và PP điện, khí đốt tăng 21,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,6%;

5.2. Giá trị sản xuất: Theo giá so sánh 2010, tháng 3 ước đạt 86.855 tỷ đồng, tăng 13,6% so tháng trước và tăng 21,5% so cùng tháng năm trước. Nguyên nhân tăng là do ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là ngành chiếm tỷ trọng lớn (trên 80%), có giá trị sản xuất tăng 35% với cùng kỳ. Trong đó, công ty TNHH Samsung Diplay Việt Nam doanh thu tháng 3 tăng gấp 2 lần so với tháng cùng kỳ, công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam tăng 50% so với cùng kỳ. Ngoài ra, một số ngành khác sau thời gian nghỉ Tết cũng bắt đã bắt đầu tăng trưởng trở lại trong tháng 3, như: SX đồ uống tăng 47%; SX thuốc lá tăng 30%; Dệt tăng 23%; SXSP từ caosu và plastics tăng 15%; SXSP từ kim loại tăng 15%. Tính chung 3 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 242.733,5 tỷ đồng, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 40,6%, SX và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 20,4%; cung cấp nước và quản lý, xử lý nước thải, rác thải tăng 20,5%.

5.3. Sản phẩm công nghiệp: Do một số sản phẩm duy trì lượng xuất khẩu lớn và nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng, nên có lượng sản xuất tăng khá so với quý I/2017, như: thuốc lá (+13,1%), vải (+36,6%), kính các loại (gấp 2,6 lần, do cùng kỳ năm trước có hơn 1 tháng nghỉ bảo dưỡng lò), sắt thép dùng trong xây dựng (+23,5%), máy in (+12,7%), điện thoại di động (+13,8%), màn hình điện thoại (gấp 2,5 lần); bàn ghế gỗ (+23,4%), điện thương phẩm (+21,1%),… Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho tăng nên lượng sản xuất giảm so với quý I/2017, như: sữa các loại (- 11%); quần áo (-21,7%); thức ăn gia súc (-23%); điện thoại thông minh (-9,2%, do cuối tháng 3 mới tung sản phẩm mới); bình đun nước nóng (-3,2%); giường bằng gỗ (-39,5%), salong gỗ (-38,3%).

6. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp và xu hướng SXKD

6.1. Cấp phép đăng ký kinh doanh: Tính từ ngày 01/01 đến ngày 15/3, Sở KH-ĐT đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho 253 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 1.797,5 tỷ đồng; so cùng kỳ 2017, tăng 13,5% về DN thành lập mới và tăng 32,3% về vốn đăng ký. Lũy kế đến ngày 15/3, trên địa bàn tỉnh có 11.135 DN được thành lập theo Luật DN với tổng vốn đăng ký là 153.197 tỷ đồng. Theo số liệu của Cục Thuế, tính đến ngày 21/3/2018, toàn tỉnh có 9.312 DN độc lập và 782 chi nhánh DN đang hoạt động (theo tiêu chí của ngành Thuế là có đóng thuế); trong đó có 8.328 DN ngoài nhà nước, chiếm 89,4% DN đang hoạt động; so cùng kỳ năm trước, tăng 1.674 DN độc lập và tăng 153 chi nhánh DN đang hoạt động. Tính từ 01/01-21/3, toàn tỉnh có 51 DN (6 chi nhánh) đã đóng mã số thuế, giảm 114 DN so cùng kỳ năm trước và có 132 DN (5 chi nhánh) tạm ngừng SXKD, giảm 4 DN so cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến ngày 21/3, toàn tỉnh đã có 1.292 DN giải thể và 245 đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động. Qua số liệu về tình hình thành lập và hoạt động của DN gần 3 tháng đầu năm cho thấy, tình hình SXKD năm nay khởi sắc hơn, số DN thành lập mới tăng hơn và số DN đóng mã số thuế và tạm ngừng SXKD giảm mạnh.

6.2. Về tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp: Mặc dù, trong quý I có Tết Nguyên đán diễn ra và ảnh hưởng của các lễ hội đầu năm, nhất là ở khối DN dân doanh, nhưng do khối DN FDI với lượng lao động lớn, vẫn duy trì sản xuất ổn định theo ca, nên chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp ngành công nghiệp tiếp tục tăng. Tại thời điểm 01/3, số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp tăng 2% so với tháng trước và tăng 11% so cùng tháng năm trước. Trong đó, khu vực Nhà nước tăng 3,5% và tăng 8,5%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 0,5% và tăng 0,8%. Riêng khu vực FDI tăng 2% so tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do các ngành sản xuất sản phẩm điện từ, máy vi tính và sản phẩm quang học chiếm 45% lao động toàn ngành, trong đó công ty Samsung Display số lao động những tháng đầu năm 2018 luôn gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của khu vực doanh nghiệp công nghiệp tăng 13,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nhà nước tăng 5,9%, khu vực ngoài nhà nước giảm 2,2%, khu vực FDI tăng 16,6%.

6.3. Xu hướng sản xuất kinh doanh: Từ những đánh giá, phân tích thực trạng sản xuất công nghiệp và tình hình đầu tư đăng ký của doanh nghiệp địa bàn. Dự báo xu hướng sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quý II/2018 có nhiều khả quan hơn. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, có 63,9% DN đánh giá SXKD trong quý II/2018 có khả quan hơn và 25,6% cho rằng giữ ổn định so với quý I/2018 và chỉ có 10,6% đánh giá là khó khăn hơn. Ở khối DNNN, tỷ lệ DN khẳng định tăng lên là 62,5%, giữ nguyên là 25% và khó khăn hơn là 12,5%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có 69,2% DN khẳng định tăng lên, có 23,4% doanh nghiệp cho rằng giữ nguyên và chỉ có 4,4% doanh nghiệp cho rằng sẽ gặp khó khăn hơn. Khu vực doanh nghiệp FDI, có tỷ lệ tương ứng là 57,7%, 28,1% và 14%. Các ngành có dự báo SXKD quý II có khả quan hơn và giữ ổn định so với quý I gồm: SX thực phẩm và  đồ uống, thuốc lá, dệt, in và sao chép bản ghi, sản xuất giường tủ bàn ghế, sản xuất xe có động cơ, sản xuất máy móc thiết bị, SXSP từ khoáng phi kim loại, sản xuất giấy...Tuy nhiên, ngành quan trọng nhất của công nghiệp trên địa bàn là sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học lại dự báo chỉ có 55,6% tăng lên, 22,2% là giữ nguyên và trên 22,2% là có xu hướng khó khăn hơn. Qua đây cho thấy, sản xuất của khu vực FDI có thể sẽ tăng thấp hơn trong quý II/2018.

7. Thương mại, dịch vụ và giá cả

7.1. Lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ: Trong quý I, do giá cả ổn định, lạm phát ở mức thấp, lượng hàng hóa phong phú, đa dạng; mức lương, thưởng Tết và thu nhập tăng thêm năm 2017 của người lao động tăng 10,2%, nên sức mua hàng hóa và dịch vụ luôn đạt mức tăng trưởng hai con số. Tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 3 ước đạt 3.028 tỷ đồng, tuy giảm 1,8% so tháng trước, nhưng vẫn tăng cao (+13,3%) so cùng tháng năm trước. Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 9.367 tỷ đồng, tăng 11,4% so cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng có mức tăng cao hơn chỉ số chung là hàng may mặc (+16,9%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (+16,3%); gỗ và VLXD (+18,2%); ô tô các loại (+11,5%); xăng dầu (+16,4%). Dịch vụ lưu trú và ăn uống tiếp tục được mở rộng về quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu của dân cư và du khách sau Tết đi du xuân và lễ hội đầu năm. Bên cạnh đó, lao động các tỉnh tiếp tục về Bắc Ninh làm việc trong các KCN gia tăng, nên dịch vụ suất ăn công nghiệp cũng tăng cao. Tổng doanh thu lưu trú và ăn uống quý I ước đạt 1.447,5 tỷ đồng, tăng 11,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu ăn uống đạt 1.368,8 tỷ đồng, tăng 11,7% so cùng kỳ. Điểm đáng lưu ý là, đến nay đã có thêm nhiều DN FDI đã đưa các khách sạn, căn phòng cao cấp đi vào hoạt động, kèm theo hệ thống nhà hàng để phục vụ lao động nước ngoài, nên doanh thu tăng cao. Tổng doanh thu lưu trú, ăn uống trong quý I của các DN FDI đạt 513 tỷ đồng, chiếm 35,4%/tổng doanh thu ngành này và tăng 11,3% so cùng kỳ. Các ngành dịch vụ khác (không bao gồm dịch vụ công) cũng tiếp tục phát triển mạng lưới ở các KCN nhằm đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của người lao động và các DN, nên doanh thu tăng khá. Tính chung quý I, doanh thu các ngành dịch vụ khác ước đạt 1.753 tỷ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ, trong đó doanh thu kinh doanh bất động sản đạt 1.268 tỷ đồng, tăng 9,2%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ kinh doanh đạt 222 tỷ đồng, tăng 19,6%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí đạt 54 tỷ đồng, tăng 23,2%; dịch vụ khác 109,3 tỷ đồng, tăng 24,8%.

7.2. Hoạt động ngoại thương: Do thương mại toàn cầu có xu hướng tăng vì giá của nhiều loại nguyên vật liệu, linh kiện tăng và giữ giá từ cuối năm 2017, đồng thời nhóm sản phẩm điện tử của Bắc Ninh tiếp tục giữ được thị phần trên thị trường thế giới, nên hoạt động ngoại thương đạt mức tăng trưởng cao. Về xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý I ước đạt 8.042,7 triệu USD, tăng tới 84,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực FDI đạt 8.021,2 triệu USD, tăng 84,4% và khu vực ngoài nhà nước đạt 21 triệu USD, gấp 2,2 lần. Nhóm hàng điện tử vẫn chiếm tỷ trọng lớn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6.892,7 triệu USD, tăng 66,1% so cùng kỳ năm trước; nhóm máy vi tính và phụ kiện đạt 1.041,2 triệu USD, gấp 13,7 lần. Các sản phẩm truyền của địa phương cũng tăng mạnh so cùng kỳ năm trước, như: đồ gỗ đạt gần 1 triệu USD và tăng 36,8%; hàng dệt may đạt 39,1 triệu USD và tăng 43,5%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 11 triệu USD, gấp 4,4 lần. Về nhập khẩu: Sau nhiều kỳ tăng cao và còn nguồn dự trữ năm trước chuyển sang, đến nay các DN đã giảm dần lượng nhập khẩu và chủ động tìm nguồn thay thế trong nước để giảm chi phí sản xuất và nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm theo lộ trình. Tổng kim ngạch nhập khẩu quý I ước đạt 5.828,2 triệu USD, tăng 38,8% so với quý I/2017. Trong đó, khu vực FDI đạt 5.766,6 triệu USD, tăng 37,4%; DNTN đạt 61,6 triệu USD và giảm 31,2% so cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng nhập có giá trị tăng so cùng kỳ năm trước, như: vải may mặc (+25,5%) và phụ liệu hàng dệt may (+12,7%); linh kiện điện tử (+30,8%); máy móc thiết bị dùng cho sản xuất (gấp 2 lần). Nguồn nhập khẩu lớn nhất vẫn ở thị trường châu Á, với tỷ trọng chiếm tới 80%; trong đó khu vực Đông Á đạt gần 4.500 triệu USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm do mặt hàng sắt thép đang bị kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo vệ hàng sản xuất trong nước và tránh tình trạng lợi dụng để xuất khẩu sang Mỹ.

7.3. Tình hình giá cả: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Sau 2 tháng tăng giá do tác động của Tết, CPI tháng 3 đã có dấu hiệu giảm dần, giá một số nhóm, mặt hàng đã trở về mặt bằng trước Tết. So với tháng trước, CPI giảm 0,2%, do: (1) hàng lương thực và thực phẩm đồng loại giảm, trong đó lương thực giảm nhẹ (-0,1%), chủ yếu do gạo tẻ và gạo nếp giảm; thực phẩm giảm 0,94% do thịt gia cầm tươi sống giảm 2,86%; thịt chế biến giảm 0,69% và trứng các loại giảm 1,32%. (2) Giá Shell gas loại bình 12kg được điều chỉnh giảm 10.000đ/bình. Tuy nhiên, giá sắt thép lại tăng do nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị thu hẹp, làm nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở 3,12% và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến điểm tập kết trên địa bản tỉnh tăng làm nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 1,82%. Tính chung quý I, CPI có tốc độ tăng tương đối thấp (+0,81%), bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,29%. Trong đó, tháng 1 tăng 0,43%, tháng 2 tăng 0,72% và tháng 3 tăng 0,8% so với cùng kỳ. So với quý trước, CPI quý I tăng 1,3% do có 8/11 nhóm hàng đều tăng giá, trong đó có 3 nhóm hàng tăng dưới 1% là thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,29%), nhóm văn hoá, giải trí và du lịch (+0,95%) và hàng hoá, dịch vụ khác (+0,72%); có 3 nhóm hàng tăng trên 1% là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+1,7%); Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD (+1,40%) và giao thông (+1,43%) và 2 nhóm hàng tăng trên 3% là Đồ uống và thuốc lá (+3,04%); May mặc, mũ nón, giầy dép (+3,52%). So với cùng kỳ năm trước, CPI quý I tăng 0,81% và có tới 8/11 nhóm hàng tăng giá là Đồ uống và thuốc lá (+3,46%); May mặc mũ nón và giầy dép (+5,89%); Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD (+3,79%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,36%); Thuốc và dịch vụ y tế (+6,19%); Giao thông (+2,95%); Văn hoá, giải trí và du lịch (+0,98%); Hàng hoá và dịch vụ khác (+1,55%). Riêng nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là Hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại giảm 2,63%. Chỉ số giá vàng và USD: Biến động của giá vàng theo xu hướng biến động chung trong nước và trên thị trường thế giới so với quý trước và cùng kỳ đồng loạt tăng, tương ứng +3,26%; 9,75%. Tính chung, bình quân giá vàng bán ra trong tháng 3 ở mức 3.643.000đ/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ, do nguồn cung tương đối lớn đã giúp cân đối cung cầu trên thị trường ngoại tệ, nên đồng đô la biến động không lớn. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, giá USD chỉ tăng 0,01% và tăng 0,08%.

8. Vận tải, kho bãi và du lịch

8.1. Hoạt động vận tải: Giá nhiên liệu biến động không lớn, nhu cầu đi lại của dân cư và người lao động gia tăng, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất, xây dựng cũng bắt đầu tăng hơn, nên hoạt động vận tải tăng trưởng khá so cùng kỳ. Vận tải hành khách: Quý I, khối lượng hành khách (HK) vận chuyển ước đạt 3.484 nghìn HK, tăng 13,7% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 165,8 triệu lượt HK.km, tăng 14,6%. Trong đó, ngành đường bộ chiếm tỷ trọng chủ yếu, tăng 14,9% về vận chuyển và tăng 14,6% về luân chuyển. Vận chuyển hàng hoá, khối lượng vận chuyển quý I ước đạt 5.824 nghìn tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 282,3 triệu tấn.km, tăng 4,4% so cùng kỳ. Do nhiều cơ sở vận tải đường sông vẫn chưa hoạt động trở lại, nên kết quả đạt thấp. Khối lượng vận chuyển ước đạt 1.423,6 nghìn tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ; khối lượng luân chuyển đạt 166,5 triệu tấn.km và tăng 3,5%. Doanh thu vận tải, do sản lượng vận tải tăng và hoạt động kho bãi tiếp tục được mở rộng cả về quy mô và sản lượng hàng hóa bốc xếp, bảo quản, nên doanh thu vận tải kho bãi tăng khá. Tổng doanh thu quý I ước đạt 1.544,6 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu vận tải hành khách đạt 326,5 tỷ đồng và tăng 15,5%; doanh thu dịch vụ logistic đạt xấp xỉ 569 tỷ đồng, tăng 16%. Doanh thu của DN FDI ước đạt 464,6 tỷ đồng; so cùng kỳ năm trước, tăng 2% về tỷ trọng và tăng 19,8% về giá trị.

8.2. Du lịch: Hoạt động du lịch tiếp tục được tỉnh quan tâm và đầu tư. Trong quý, ngành VH-TT-DL đã tổ chức nhiều gian hàng tuyên truyền và quảng bá du lịch tại Bảo tàng tỉnh và trong các lễ hội lớn của các địa phương gắn với trình diễn nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, gốm Phù Lãng, biểu diễn múa rối nước Đồng Ngư; in 500 tập gấp và 740 cuốn “Du lịch Bắc Ninh - Những điểm văn hóa, tâm linh đặc sắc” bằng song ngữ để phát cho du khách thập phương. Vì thế, lượng du khách trong và ngoài nước đến Bắc Ninh trong quý I tăng cao. Tổng lượt khách ước đạt 500 nghìn lượt, tăng 61,3% so quý I/2017; tổng ngày khách ước đạt 580 lượt.ngày, tăng 76,8%; tổng doanh thu phục vụ (bao gồm cả doanh thu lưu trú và ăn uống) ước đạt gần 403 tỷ đồng, tăng 45,9%.

9. Các lĩnh vực xã hội

9.1. Đời sống dân cư và công tác xã hội: Do quy mô sản xuất công nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung của tỉnh Bắc Ninh tiếp tục được mở rộng, lao động vào làm việc trong các ngành công nghiệp tăng cao, thu nhập của người lao động trên địa bàn tỉnh cao hơn mức bình quân cả nước (gấp 1,3 lần). Theo số liệu tổng hợp, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đều trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ, nhất là khối DN FDI. Tính chung, tiền lương trung bình năm 2017 của khối DN đạt 7.092 nghìn đồng/người/tháng, tăng 10,2% so với năm 2016. Mức thưởng Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 cao nhất là 478 triệu đồng và thấp nhất là 50 nghìn đồng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục bố trí xe đưa đón hoặc hỗ trợ tiền tàu xe cho người lao động về quê ăn Tết. Tuy nhiên, trong dịp Tết đã có Công ty TNHH S&N Vina nợ lương công nhân, UBND tỉnh đã tạm ứng 853,6 triệu đồng từ ngân sách cho Liên đoàn Lao động tỉnh để công ty vay và trả lương cho 58 lao động về quê đón Tết. Đối với CBCC, viên chức, cùng với việc tăng lương cơ bản, các đơn vị hưởng lương từ NSNN đều chi thu nhập tăng thêm từ 1-2 tháng lương, thu nhập của CBCC, viên chức tăng trên 8%, đời sống được cải thiện hơn. Đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH được chi trả 2 tháng lương nên đời sống ổn định. Ở khu vực nông thôn, mặc dù quy mô vụ đông sụt giảm, nhưng nhờ chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích cây rau màu ứng dụng CNC, tiêu chuẩn Vietgap,.. giá sản phẩm đầu ra cao hơn năm trước, nên thu nhập của nông dân tăng hơn; trong chăn nuôi, giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng lên, dịch bệnh được kiểm soát, chăn nuôi từng bước ổn định; nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi lồng bè đạt hiệu quả kinh tế, đã góp phần tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Bên cạnh đó, nhiều lao động ở khu vực nông thôn hiện đang làm việc trong các nhà máy, DN nên có thu nhập thêm ngoài hoạt động SXKD nông, lâm nghiệp và thủy sản. Vì thế, đời sống nông dân Bắc Ninh trong quý I ổn định và được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước, không có hộ và nhân khẩu bị thiếu đói.

Công tác an sinh xã hội luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo và cộng đồng DN cùng chia sẻ, hỗ trợ. Nhân dịp Tết Cổ truyền, TU, HĐND, UBND và Uỷ ban MTTQ tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương và các DN đã tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà các hộ nghèo, đối tượng chính sách các tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Cao Bằng và Phú Yên với số tiền 2,5 tỷ đồng; thăm và tặng quà các đối tượng người có công, hộ nghèo, người cao tuổi ở 8 huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có đối tượng đang nuôi dưỡng, chăm sóc với tổng kinh phí là 456,8 triệu đồng;…Cùng với quà của Chủ tịch nước, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trong toàn tỉnh đã tặng 82.724 suất quà Tết, với tổng kinh phí 28,1 tỷ đồng; so với Tết Đinh Dậu 2017, tăng 435 suất quà và tăng 6,5 tỷ đồng.

9.2. Lao động và việc làm: Quy mô công nghiệp tăng, nên nhu cầu tuyển dụng lao động trong các DN lớn. Các DN đã chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức các đoàn đi tuyển dụng trực tiếp tại các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Bắc. Ở trong tỉnh, các trung tâm dịch vụ việc làm đã mở nhiều đợt tư vấn và tuyển dụng lao động cho các DN. Tính chung quý I, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 7.500 lao động, đạt 27,8% kế hoạch năm, tương  đương so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu được 209 lao động Công tác đào tạo nghề từng bước được nâng cao về chất lượng và yêu cầu số lượng, giảm thiểu chi phí cho hoạt động đào tạo, đào tạo lại của doanh nghiệp. Trong quý, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 4.251 người, trong đó 4.029 là sơ cấp nghề. Tính đến hết tháng 3 toàn tỉnh có 665,2 nghìn lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, trong đó khu vực CN-XD có 329,4 nghìn lao động, tăng 1,1% so cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ có 210,9 nghìn lao động, tăng 4,1%; còn lao động trong khu vực NLTS tiếp tục giảm.

9.3. Giáo dục - Đào tạo

Giáo dục: Năm học 2017-2018, UBND tỉnh đã ban hành chính sách phát triển chất lượng giáo dục mũi nhọn trường THPT Chuyên Bắc Ninh và 8 trường THCS trọng điểm của 8 huyện, thị xã và thành phố; Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại; tỷ lệ kiên cố hoá phòng học đạt 98,5%; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 91,4%, là tỉnh có tỷ lệ kiên cố hoá phòng học và trường chuẩn quốc gia các cấp học cao nhất cả nước. Tại thời 31/12/2017, toàn tỉnh có 495 trường mầm non và phổ thông các cấp, với 8.859 phòng học và có 11.203 lớp học, 315.786 học sinh; 16.986 giáo viên; so với năm học trước, tăng thêm 2 trường (mầm non), tăng 476 phòng học, tăng 1.150 lớp học, tăng 10.569 học sinh và tăng 1.510 giáo viên. Trong kỳ cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp Quốc gia khu vực phía Bắc vừa diễn ra tại tỉnh Nghệ An, ngành GD-ĐT Bắc Ninh đã chọn 6 dự án để tham dự và đã có 1 dự án đạt giải nhất.

Đào tạo: Đến nay, số trường đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ và ĐH trên địa bàn tỉnh đã ổn định về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng gắn với công việc thực tế tại các DN, nhất là các ngành điện, điện tử, cơ khí, nhằm đáp ứng yêu cầu về tay nghề của các DN trong tỉnh. Các cơ sở đào tạo tiếp tục đầu tư và được hỗ trợ của nhiều DN FDI để cải tiến chất lượng đào tạo, thường xuyên tổ chức hội thi tay nghề kỹ thuật, năng lực sáng tạo,… Vì thế, công tác đào tạo nghề từng bước được nâng cao về chất lượng, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã được các DN tuyển dụng với mức thu nhập khá. Năm học 2017-2018, tại các trường TCCN và dạy nghề có 2.650 học sinh đang theo học (không tính học viên trong các lớp ngắn hạn từ 3 tháng trở xuống) với 290 giảng viên; các trường CĐ, ĐH có 16.580 sinh viên với 1.005 giảng viên. Ngoài ra, trong quý I, các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh đào tạo nghề ngắn hạn (dưới 3 tháng) cho gần 6.000 người và đã có 4.250 người tốt nghiệp.

9.4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Trong quý I, do thời tiết giao mùa, nền nhiệt độ thay đổi nhanh và thất thường, nên số người bị bệnh về hô hấp gia tăng, nhất là người già và trẻ em dưới ba tuổi. Bên cạnh đó, một số bệnh truyền nhiễm như quai bị, thủy đậu và tay chân miệng cũng tăng hơn. Tuy nhiên, ngành Y tế đã chủ động phòng chống và triển khai điều trị từ tuyến cơ sở, nên các dịch bệnh không có dấu hiệu lây nhiễm trong cộng đồng. Các tuyến y tế đã khám bệnh cho 394,4 nghìn lượt người, giảm 4,3% so với quý I/2017; trong đó có 47,3 nghìn người điều trị nội trú, tăng 34,4% so cùng kỳ. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được ngành Y tế phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra chặt chẽ và tập trung giám sát các cơ sở, DN chế biến suất ăn công nghiệp, trong các DN có số lượng lao động lớn và tự triển khai bếp ăn, nên trong quý I không xảy ngộ độc thực phẩm. Do lực lượng lao động nữ đến làm việc và sinh sống ở Bắc Ninh tăng, nên số lượng trẻ em được sinh ra có xu hướng tăng và điều đáng chú ý là số phụ nữ sinh con thứ ba có biểu hiện gia tăng trở lại. Trong quý I, toàn tỉnh có 3.974 trẻ em mới sinh, tăng 17,2% so quý I/2017 (tương ứng + 584 trẻ em); trong đó có 682 phụ nữ sinh con thứ 3, tăng 15,6% so cùng kỳ (trong khi quý I/2017 giảm 13,6%). Các dịch vụ tránh thai, khám và điều trị phụ khoa cho phụ nữ được ưu tiên và nâng cao chất lượng. Đến cuối tháng 3, toàn tỉnh đã có 51.591 người sử dụng các biện pháp tránh thai, tăng 16,6% so cùng thời điểm năm trước. Tính đến ngày 15/3, qua xét nghiệm HIV đã phát hiện thêm 48 người nhiễm HIV nâng tổng số người nhiễm HIV từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh lên 2.478 người.

9.5. Văn hoá thông tin và thể dục thể thao: Công tác thông tin và các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong quý I tập trung tuyên truyền thực hiện theo Nghị quyết số 01/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 01/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh và phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, các ngày lễ, kỷ niệm lớn, như: 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm cuộc tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968), 170 năm ra đời tác phẩm “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”, ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ngày Thể thao Việt Nam,.. Tại nhiều địa phương, đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào năm mới, treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu. Tại các di tích lịch sử văn hóa được trang trí, tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp, cử người hướng dẫn khách tham quan và nhân dân đến tế lễ đảm bảo văn minh. Thư viện, Bảo tàng tỉnh tổ chức Trưng bày Báo xuân Mậu Tuất năm 2018, mở cửa đón du khách và nhân dân tham quan trong dịp Tết với chủ đề “Mùa xuân khơi nguồn văn hóa đọc”; thành tựu KT-XH tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 1997-2017 và kế hoạch phát triển năm 2018, định hướng đến năm 2030. Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà hát Quan họ tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phục vụ các lễ hội truyền thống của các địa phương và Hội thi Hát dân ca Quan họ xuân Mậu Tuất 2018; tổ chức thành công Chương trình văn nghệ đón Giao thừa Xuân Mậu Tuất 2018 tại Tượng đài Lý Thái Tổ, thành phố Bắc Ninh; bắn pháo hoa tại các khu vực trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao quần chúng cũng được tổ chức sôi động, như: tổ chức Hội thi “Hát Dân ca quan họ”; trưng bày “Các cổ vật tiêu biểu”; Hội chợ triển lãm đá cảnh, sinh vật cảnh; Lễ hội Kinh Dương Vương, Lễ hội Khán hoa mẫu đơn tại chùa Phật tích, Hội Lim; diễu hành mô tô, xe đạp thể thao; giải Cầu lông, Quần vợt; giải Vật cổ điển, kéo co, điền kinh trong các lễ hội. Trong quý I, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh đã thực hiện 900 chương trình phát thanh với 408 giờ; xây dựng và sản xuất 1.117 chương trình truyền hình với 2.160 giờ; so cùng kỳ năm trước, tăng 8,2% về số chương trình truyền hình. Nhìn chung, hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ trong quý I diễn ra sôi động, hiệu quả, đặc biệt hoạt động lễ hội được quản lý, tổ chức chặt chẽ góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa Kinh Bắc, được dư luận khách quan đánh giá tốt. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì và tiếp tục phát triển về bề rộng. Ở cấp tỉnh, đã tổ chức thành công nhiều giải thể thao, như: cầu lông, bóng chuyền, quần vợt, vật và võ cổ truyền, cờ vua, cờ tướng. Đặc biệt, từ ngày 24-25/2 được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng tổ chưc giải Bóng chuyền nữ Kinh Bắc- Cúp IMP năm 2018, với sự góp mặt của 4 đội bóng chuyền nữ là Tiến Nông Thanh Hóa, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Kinh Bắc. Kết quả, đội Bóng chuyển nữ Kinh Bắc đã giành Cúp Vô địch, đây là bước khởi đầu tốt để tham gia thi đấu ở giải Bóng chuyển hạng A năm 2018. Ngày 11/3, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức thành công Giải chạy Nagakawa “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước” Cúp Báo Bắc Ninh lần thứ XXII năm 2018 và Ngày chạy Olymlic Bắc Ninh hưởng ứng Asiad 18 với 11 đoàn, 183 VĐV tham gia và thu hút 3.000 đoàn viên, học sinh, sinh viên, công nhân và người cao tuổi chạy biểu dương lực lượng. Công tác đào tạo, huấn luyện các vận động viên năng khiếu, đầu tư cho thể thao thành tích cao được UBND tỉnh quan tâm và hỗ trợ kịp thời.

9.6. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội

An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội: Với số lượng lớn lao động ngoại tỉnh đang làm việc trên địa bàn và tập trung ở các xã quanh các KCN, đã phần nào tác động đến nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn. Để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, lực lượng Công an đã chủ động tham mưu và phối hợp với các địa phương liên tục mở các đợt cao điểm giám sát, quản lý, tấn công và trấn áp tội phạm. Tính từ ngày 16/12/2017 đến ngày 15/3/2017, toàn tỉnh đã xảy ra 122 vụ phạm pháp hình sự, tăng 11 vụ so cùng thời điểm năm trước (có 11 vụ trọng án, tăng 3 vụ); phát hiện và bắt giữ 388 vụ buôn bán ma túy với 516 đối tượng, thu 5.271 gam heroin và ma túy tổng hợp; so cùng kỳ năm trước, tăng 53 vụ, tăng 148 đối tượng và tăng 2.677 gam ma tuý. Nhờ các lực lượng công an luôn chủ động đối phó và kiên quyết trấn áp, tấn công nên an ninh chính trị và TTATXH trên địa bàn tỉnh vẫn được giữ vững.

An toàn giao thông: Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn trật tự an toàn giao thông tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện. Cùng với việc tích cực tuyên truyền, lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, tập trung ở những tuyến đường, nút giao thông trọng điểm. Đến nay, các nút cầu vượt QL1A và QL18 đã từng bước được nâng cấp mở rộng đồng bộ hơn, nên tình trạng ùn tắc trong giờ cao điểm cơ bản được khắc phục. Trong quý I, trên các tuyến đường bộ đã xảy ra 20 vụ TNGT, làm chết 16 người, bị thương 5 người; so cùng kỳ năm trước, tăng 2 vụ và 3 người chết.

9.7. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

Trong quý I, toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy  nổ, làm 4 người chết và 8 người bị thương, gây thiệt hại về kinh tế hơn 25,5 tỷ đồng; so cùng kỳ năm trước, giảm 2 vụ, tăng 2 người chết và tăng 24,8 tỷ đồng về giá trị thiệt hại. Trong đó, riêng vụ nổ kho phế liệu đầu đạn tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong đã làm 2 người chết và 8 người bị thương, làm 7 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn và gần 100 căn nhà dân tại khu vực lân cận bị vỡ kính, nứt tường, sập mái. Tính từ ngày 16/12/2017 đến 15/3/2018, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 109 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; qua điều tra đã ra quyết định xử phạt hành chính và thu nộp Kho bạc Nhà nước 1.265 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước, tăng 4 vụ và tăng 626 triệu đồng.

Báo cáo chi tiết tại đây.

File đính kèm.