Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 9 năm 2018

29/09/2018 08:58

Theo báo cáo của Cục Thống kê, tình hình KT-XH tỉnh trong 9 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả đồng bộ.

1. Tăng trưởng kinh tế

Sau khi chững lại trong quý II, sang quý III kinh tế đã đạt mức tăng trưởng cao hơn. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý III ước đạt 40.745,7 tỷ đồng, tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng (CN-XD) đạt mức tăng cao nhất (+11,5%), nhờ có thêm dòng sản phẩm mới được tung ra thị trường từ tháng 7 và đã chiếm lĩnh được thị phần ở một số thị trường lớn; khu vực dịch vụ tăng 8,1% và khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 0,8%. Tính chung , do đạt mức tăng trưởng cao trong quý I và tăng khá trong quý III, nên sau 9 tháng GRDP ước đạt 119.283,5 tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực NLTS giảm 0,2% và làm giảm 0,01 điểm phần trăm tăng trưởng; khu vực CN-XD tăng 15,9% và đóng góp 12,08 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 8,2% và đóng góp 1,73 điểm phần trăm.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tính chung 9 tháng, GTSX nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (giá so sánh 2010) đạt 6.613,1 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ (-0,2%) so cùng kỳ năm trước.

Ở khu vực công nghiệp - xây dựng, GTSX công nghiệp (giá so sánh 2010) quý III ước đạt 320.541 tỷ đồng, tăng 39,7% so quý II và tăng 14,9% so quý III/2017; 9 tháng, GTSX ước đạt 814.332 tỷ đồng, tăng 17,1% so cùng kỳ năm trước. Trong ngành xây dựng, do ảnh hưởng của mùa mưa bão, nên GTSX trong quý III ước đạt 5.328,7 tỷ đồng, giảm nhẹ (-0,03%) so với quý III/2017, nhưng tính chung 9 tháng GTSX đạt 15.308,7 tỷ đồng, tăng 7,8% so cùng kỳ. Tính chung, GTSX của khu vực CN-XD 9 tháng ước đạt 829.641 tỷ đồng, tăng 16,9% so cùng kỳ.

Ở khu vực dịch vụ, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, cùng với các dịch vụ phục vụ cá nhân được khai trương và hoạt động ổn định ở các khu công nghiệp tập trung, khu nhà ở xã hội, khu dân cư mới ở nông thôn đã góp phần kích cầu tiêu dùng. Tính chung, mức tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong quý III đạt 8,1% và 9 tháng tăng 8,2%. Hoạt động ngoại thương trong quý III tăng cao hơn, thu từ thuế sản phẩm đạt 1.894,5 tỷ đồng, tăng 8,7% (trong khi quý II giảm 12,8%), nên thu từ thuế sản phẩm trong 9 tháng đạt 5.317,8 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ.

2. Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

2.1. Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quý III ước đạt 6.848,5 tỷ đồng, tăng 17,1% so với quý  trước và tăng 14,5% so với quý III/2017. Trong đó, thu nội địa 5.052,2 tỷ đồng, chiếm 73,8% tổng thu, tăng 16,2% và tăng 16%. Một số khoản thu nội địa chiếm tỷ trọng lớn và có mức tăng khá so với quý trước và quý III/2017, như: thu từ DN FDI chiếm 28%, tăng 61,9% và tăng 6,7%; thu thuế ngoài nhà nước chiếm 7,2%, tăng 5,1% và tăng 12,2%; thu tiền sử dụng đất chiếm 20,8%, tăng 18,1% và tăng 56,3%; thu thuế bảo vệ môi trường chiếm 2,9%, tăng 2,1% và tăng 12,6%. Thu ngân sách tăng cao, không chỉ đóng góp vào ngân sách trung ương mà còn giúp cho địa phương chủ động hơn trong chi ngân sách. Quý III, tổng chi ngân sách địa phương đạt 3.524,4 tỷ đồng, tuy giảm 9,2% so với quý trước, nhưng lại tăng 22% so với quý III/2017. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 1.734,2 tỷ đồng, giảm 12,3% và tăng 48,4%; chi thường xuyên đạt 1.790,2 tỷ đồng, tăng 5% và tăng 9,5% so cùng kỳ. Sau 9 tháng, tổng chi ngân sách địa phương đạt 10.672,1 tỷ đồng, đạt 71,1% dự toán năm và tăng 26,2% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 5.719 tỷ đồng, vượt 31% dự toán và tăng 45%; chi thường xuyên là 4.755,3 tỷ đồng, đạt 57,2% dự toán và tăng 8,6%.

2.2. Ngân hàng - Tín dụng

Trong quý III, mặc dù có đợt nghỉ lễ dài, nhưng các ngân hàng đã chủ động triển khai và thực hiện tốt hoạt động giao dịch thanh toán đảm bảo kịp thời, an toàn và chính xác, đáp ứng các nhu cầu chi trả lương, thưởng, rút tiền mặt tại ATM. Hoạt động trả lương qua tài khoản tiếp tục được mở rộng đến các đối tượng người lao động nhằm hạn chế rủi ro cho các đơn vị, DN khi phải vận chuyển lượng tiền mặt lớn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt vận hành được 288 máy ATM với  740.944 thẻ được phát hành; thực hiện trả lương cho 2.329 đơn vị, trong đó có 854 đơn vị hưởng lương từ NSNN; 1.579 máy POS, lượng giao dịch là 697.280 món với doanh số 1.664 tỷ đồng; so cùng kỳ năm trước, tăng 47 máy ATM, tăng 78.840 thẻ, tăng 317 đơn vị, tăng 415 máy POS, tăng 67.073 món và tăng 139 tỷ đồng.

Tính bình quân quý III, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức từ 0,5-1%/năm với tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,6-5,3%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 5,3-6,6%/năm với kỳ hạn dưới 12 tháng và từ 6,8-7,5%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng. Đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 93.500 tỷ đồng, tăng 18,1% so cùng thời điểm năm trước và tăng 3,5% so thời điểm cuối năm 2017.

2.3. Bảo hiểm

Trong 9 tháng, ngành BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Đến cuối tháng 9, toàn tỉnh đã có 1.218,3 nghìn người tham gia đóng BH các loại, chiếm 96,7% dân số toàn tỉnh; so với cuối năm 2017, tăng 4,7% về số người tham gia và tăng 9,4% tỷ trọng so với dân số. Trong đó, có 1.214,8 nghìn người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 96,4% dân số và tăng 4,6% so cuối năm 2017; có 386,9 nghìn người đóng BHTN, chiếm 58% lao động đang làm việc và tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước; có 378,9 nghìn người đóng BHXH bắt buộc, chiếm 56,8% lực lượng lao động và tăng 9%. Sau 9 tháng, tổng số tiền thu bảo hiểm các loại đạt 5.751 tỷ đồng, tăng 12,2% so cùng kỳ; trong đó thu từ BHYT là 1.313 tỷ đồng, tăng 12,7%; thu BHXH bắt buộc là 4.115 tỷ đồng, tăng 12,2%. Trong 9 tháng, đã chi trả tiền bảo hiểm các loại với tổng số tiền 3.291 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ năm trước; trong đó sử dụng từ quỹ BHXH là 2.307 tỷ đồng, tăng 12,3%.

3. Đầu tư và xây dựng

3.1. Vốn đầu tư: Số doanh nghiệp thành lập mới và đi vào hoạt động tăng cao, nguồn vốn tín dụng được giải ngân nhanh, nhu cầu xây dựng nhà ở của dân cư có xu hướng tăng hơn trong những tháng cuối năm, nên vốn đầu tư của khu vực trong nước quý III ước đạt 7.337,7 tỷ đồng, tăng 8,8% so quý trước và tăng 1,1% so với quý III/2017, Trong đó, vốn của khu vực ngoài nhà nước đạt 6.091,4 tỷ đồng, tuy tăng 8,1% so quý trước, nhưng lại giảm 0,7% so quý III/2017 (do vốn của các DN dân doanh giảm 18%). Ở khu vực FDI, do không có dự án, DN quy mô lớn thực hiện đầu tư, trong khi cùng kỳ năm trước lượng đầu tư của Công ty TNHH Samsung Display lớn, nên vốn đầu của khu vực trong quý III chỉ đạt 10.143,2 tỷ đồng, tuy tăng 14,3% so với quý trước, nhưng chỉ bằng 44% so với quý III/2017. Tính chung 9 tháng, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt 48.170,6 tỷ đồng, bằng 56,6% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn nhà nước đạt 3.310,7 tỷ đồng, tăng 6,7%; khu vực ngoài nhà nước đạt 17.327,4 tỷ đồng, tăng 4,8% và khu vực FDI đạt 27.532,5 tỷ đồng, bằng 42%. Xét theo mục đích đầu tư, vốn đầu tư xây dựng 9 tháng đạt 34.709,8 tỷ đồng, chiếm 72,1%; so cùng kỳ năm trước, giảm 41,7% về giá trị, nhưng lại tăng 2,2% về tỷ trọng; vốn mua sắm TSCĐ dùng cho sản xuất không qua XDCB đạt 10.030,6 tỷ đồng, chiếm 20,8% và giảm 49%; vốn bổ sung vốn lưu động đạt 3.051,7 tỷ đồng, chiếm 6,3% và giảm 44,4%.

3.2. Hoạt động cấp phép vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh cấp mới giấy chứng nhận đầu tư 130 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký 356,4 triệu USD; so cùng kỳ năm trước, tăng 16,1% về số dự án (+18 DA) và tăng 42,1% về vốn đăng ký (+105,6 triệu USD); thực hiện điều chỉnh cho 83 dự án với tổng vốn tăng thêm 549,4 triệu USD. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 1.260 dự án FDI với số vốn đăng ký là 16.559,2 triệu USD (bao gồm cả dự án điều chỉnh tăng vốn). Đến nay, đã có 1.037 dự án FDI đi vào hoạt động và cùng với 101 chi nhánh DN FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 350 nghìn lao động trong và ngoài tỉnh.

3.3. Xây dựng: Trong quý III, do đang là mùa mưa bão, thời tiết không thuận, nên hoạt động xây dựng có phần chững lại. GTSX (giá so sánh 2010) ước đạt 5.328,7 tỷ đồng, tăng thấp (+2,6%) so với quý trước và giảm nhẹ (-0,03%) so với quý III/2017. Trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp dân doanh (-5,9%) và giảm ở nhóm các công trình kỹ thuật dân dụng, chuyên dụng (-2,3%). Tính chung 9 tháng, do giá VLXD tăng thấp (+4,76% và thấp hơn mức 6,16% bình quân chung cả nước), các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở của công nhân trong các KCN tiếp tục được đầu tư xây dựng; bên cạnh đó vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới ở các xã dự kiến sẽ công nhận trong năm nay được ưu tiên giải ngân, nên hoạt động xây dựng vẫn tăng trưởng ổn định. Theo giá hiện hành, GTSX ước đạt 20.714 tỷ đồng; trong đó công trình nhà ở chiếm 44,8%; công trình nhà không để ở chiếm 25,6%, công trình kỹ thuật dân dụng chiếm 20,8%. Theo giá so sánh 2010, GTSX ước đạt 15.308,7 tỷ đồng, tăng 7,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực ngoài nhà nước đạt 13.087,8 tỷ đồng, tăng 4,8%; khu vực FDI đạt 2.100 tỷ đồng và tăng 41,2%. Xét theo loại công trình, xây dựng nhà ở đạt 6.837,8 tỷ đồng, tăng 11,7%; công trình nhà không để ở đạt 3.906,4 tỷ đồng, tăng 7,1% so cùng kỳ; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 3.181,4 tỷ đồng, tăng 5,2%; trong khi công trình xây dựng chuyên dụng đạt 1.383 tỷ đồng, giảm 1,1%.

4. Thành lập mới DN và tình hình hoạt động của DN

Tính từ ngày 01/01 đến 18/9, Sở KH và ĐT đã cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.532 DN với tổng vốn đăng ký 11.240 tỷ đồng; so cùng kỳ năm trước, tăng 1,3% về số DN và tăng 27,1% về số vốn. Ngoài ra, còn cấp đăng ký KD cho 433 chi nhánh và VPĐD. Lũy kế đến nay, có 11.349 doanh nghiệp đăng ký theo Luật DN, 2.417 chi nhánh, VPĐD, với tổng số vốn đăng ký 163.222 tỷ đồng. Theo số liệu của ngành Thuế, đến hết tháng 8 đã có 10.898 DN thực hiện nghĩa vụ với NSNN, tăng 15,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó có 9.992 DN độc lập của tỉnh, tăng 14,4%. Tính từ ngày 01/01 đến 18/9, toàn tỉnh có 321 DN tạm ngừng SXKD, tăng 19,8% so cùng kỳ năm trước; trong đó có 313 DN độc lập, tăng 19,5% và có 877 DN đã đóng cửa mã số thuế, tăng 62,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó có 815 DN độc lập, tăng 64,3%. Sau 8 tháng, toàn tỉnh có 204 DN đã quay trở lại hoạt động, tăng 15,8% so cùng kỳ và có 390 DN (gấp 3,9 lần), 66 đơn vị trực thuộc (+69,2%) giải thể; lũy kế đến ngày 31/8, toàn tỉnh đã có 1.686 DN và 280 chi nhánh, đơn vị trực thuộc giải thể. Qua số liệu trên cho thấy, các DN vẫn còn gặp khó khăn trong SXKD, trong đó có không ít các DN ở các ngành nghề, làng nghề truyền thống.

5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

5.1. Nông nghiệp

a) Về trồng trọt: Sản xuất vụ mùa diễn ra trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, mưa lớn xen với nắng gắt, ảnh hưởng xấu đến sản xuất. Bên cạnh đó, giá vật tư đầu vào, dịch vụ và tiền công thuê lao động giữ ở mức cao, xu hướng nông dân đầu tư cho nông nghiệp ngày cảng giảm. Ngoài ra, diện tích đất nông nghiệp tiếp tục bị thu hẹp do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, một số diện tích đất xen kẹp ở các khu công nghiệp khó canh tác và hiệu quả thấp, nên nông dân ở một số địa phương đã bỏ hoang, như: TP. Bắc Ninh 240,5 ha, huyện Yên Phong 308,7 ha, Thuận Thành 427,4 ha, Lương Tài 188,7 ha,...

Sơ bộ ước tính, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm cả năm 2018 đạt 80.452,7 ha, giảm 3,5% (-2.893,5 ha) so với năm 2017. Trong đó, diện tích lúa đạt 66.431,3 ha, giảm 3,8% (-2.657,8 ha), năng suất ước đạt 61,2 tạ/ha (+1,1 tạ) và sản lượng đạt 406,6 nghìn tấn (-8,4 nghìn tấn); cây ngô đạt 2.056,3 ha (-353,2 ha), năng suất đạt 50,1 tạ/ha (-1,3 tạ) và sản lượng đạt 10,3 nghìn tấn (-2 nghìn tấn); cây rau các loại đạt 10.314,6 ha, tăng 5,3% (+519,3 ha), năng suất ước đạt 243 tạ/ha (+2 tạ) và sản lượng ước đạt 240,4 nghìn tấn, tăng 6,1% (+13,8 nghìn tấn); diện tích hoa và cây cảnh ước đạt 353,8 ha, tăng 13,9% (+43,2 ha).

b) Chăn nuôi: Tại thời điểm 01/9/2017, toàn tỉnh còn 2.332 con trâu, giảm 43 con so cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 30.314 con, giảm 465 con (trong đó bò sữa có 722 con, giảm 6 con); đàn lợn có 393.372 con, tăng 11.828 con; đàn gia cầm có 5.278 nghìn con, tăng 78 nghìn con (trong đó có 4.203 nghìn con gà, tăng 66 nghìn con). Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng 9 tháng ước đạt 69.375 tấn, tăng 1,8% so cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh và công tác thú y: Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, tạo môi trường thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, lây lan. Đặc biệt, bệnh dịch tả Châu Phi trên đàn lợn đã xuất hiện ở Trung Quốc, nguy cơ lây lan sang Việt Nam, trong đó có tỉnh Bắc Ninh là rất cao. Để chủ động dịch bệnh trên đàn vật nuôi, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành NN-PTNT và các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi. Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, trong 9 tháng ngành Thú y đã phối hợp với các địa phương tổ chức 2 đợt tiêm phòng đại trà và hàng tháng hoặc khi có dịch bệnh phát sinh đều tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc gia cầm. Kết quả, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng được gần 39.000 liều vắc-xin cho đàn trâu bò; gần 2 triệu liều vắc-xin cho đàn lợn và hơn 34 triệu liều vắc-xin các loại cho đàn gia cầm.

5.2. Lâm nghiệp: Trong 9 tháng, đã trồng được 3,5 ha rừng, chủ yếu ở thành phố Bắc Ninh; chăm sóc 58,4 ha rừng, bằng 89,9% so cùng kỳ; đã tổ chức giao khoán bảo vệ 455,7 ha rừng, bằng 86,8% so cùng kỳ; trồng 200 nghìn cây phân tán, đạt 86,9% KH năm và bằng 79,4% so cùng kỳ. Khai thác được 3.650 m3 gỗ, giảm 6,8% (-264 m3) so cùng kỳ năm trước và 4.530 ste Củi, giảm 4,6% (-220 ste).

5.3. Thuỷ sản: Trong 9 tháng, nuôi trồng thủy sản ở các địa phương ổn định theo hướng giữ vững diện tích, quản lý tốt môi trường, dịch bệnh vùng nuôi, đẩy mạnh nuôi cá thâm và bán thâm canh, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đến đầu tháng 9, toàn tỉnh có 1.823 lồng, với thể tích 209,6 nghìn m3; so cùng thời điểm năm trước, tăng 208 lồng và tăng 23,9 nghìn m3 thể tích. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác ước 9 tháng ước đạt 28.080 tấn, tăng 0,6% (+165 tấn) so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 27.150 tấn, tăng 0,7% (+200 tấn); sản xuất cá giống đạt 805 triệu con, giảm  4,5% (-38 triệu con).

6. Sản xuất công nghiệp

6.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Tháng 9, sản xuất công nghiệp có phần chững lại, chỉ số IIP giảm 6,2% so tháng trước và giảm 3,2% so cùng tháng năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do ngành SXSP điện tử giảm (-7,1% và -5,5%), do các dòng sản phẩm điện thoại giá trên dưới 10 triệu đồng tiêu thụ chậm (giảm 13,7% so tháng trước và giảm gần 10% so cùng tháng năm trước). Sau 9 tháng, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 15,8%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,9%; ngành phân phối điện và SX điều hòa không khí tăng 14,9%; ngành cung cấp nước và thu gom, xử lý rác thải, tái chế phế liệu tăng 0,8%. Trong đó, đóng góp vào mức tăng cao của ngành công nghiệp vẫn chủ yếu là ngành SXSP điện tử, với tỷ trọng chiếm hơn 80% và tăng 17,4%; tiếp đến là các ngành SX thuốc, hóa dược và dược liệu (gấp 2,7 lần); SX SXSP từ giấy (+20%); thiết bị điện (+13,5%); SXSP thuốc lá (+10,6%),....

6.2. Giá trị sản xuất

Từ tháng 7, do có thêm sản phẩm mới và mở rộng được thị trường, nên sản xuất công nghiệp quý III đạt mức tăng trưởng cao, sau khi sụt giảm trong quý II. GTSX quý III (giá so sánh 2010) ước đạt 320.541 tỷ đồng, tăng 39,7% so với quý trước và tăng 14,9% so với quý III/2017. Tính chung 9 tháng, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, GTSX ước đạt 814.332 tỷ đồng, tăng 17,1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực DN FDI chiếm tới 92,4% và tăng 18,2% so cùng kỳ. Ở khu vực ngoài nhà nước, cùng với việc có thêm nhiều DN mới đi vào hoạt động và được hỗ trợ về tín dụng, thuế, hạ tầng, đất đai,... nên sản xuất duy trì mức tăng trưởng ổn định (+4,6%); trong đó một số ngành đã đạt mức tăng trưởng khá, như SXSP từ giấy, SX kim loại, SXSP từ kim loại,... Ngành phân phối điện, khí đốt duy trì mức tăng khá (+15,6%) do nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của dân cư gia tăng; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải 6,9%, chủ yếu là tăng ở ngành cung cấp nước (+19,1%) do mở rộng hơn về quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch của dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn.

6.3. Sản phẩm công nghiệp

Quý III, nhờ các dòng sản phẩm mới đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, mẫu mã phù hợp với các nhà sản xuất, lượng xuất khẩu và tiêu dùng ở trong nước gia tăng, nên hầu hết các sản phẩm chủ lực đều có lượng sản xuất tăng so với quý trước và quý III/2017. Sau 9 tháng, cùng với các sản phẩm được xuất khẩu, nhiều sản phẩm có lượng tiêu thụ ở trong nước lớn, nên mức sản xuất tăng khá, như: giấy và bìa các loại (+13%); dược phẩm có chứa Vitamin (gấp 2,4 lần); kính các loại (+68%); ruột phích và bình các lại (+25,3%); máy in (+10%); điện thoại di động (+15,1%); màn hình điện thoại (+22,6%); pin điện thoại các loại (+24%); bình đun nước nóng (+16,6%), tủ gỗ (+26,2%), nước máy thương phẩm (+18%).

6.4. Chỉ số sử dụng lao động: Trong 9 tháng, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ở thế ổn định, chưa xuất hiện thêm DN quy mô lớn. Hơn nữa, để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, một số DN mở rộng ứng dụng công nghệ tự động hóa thay thế sức lao động ở một số công đoạn, nên chỉ số sử dụng lao động những tháng gần đây có xu hướng giảm. Tại thời điểm 01/9, chỉ số sử dụng lao động của các DN công nghiệp giảm 0,9% so cùng thời điểm tháng trước và giảm 6,9% so cùng thời điểm năm trước (do tháng 9/2017 nhà máy thứ ba của Samsung Display đi vào hoạt động, đã có thêm hàng chục nghìn lao động), trong đó chủ yếu giảm ở các DN FDI (-1,2% và -8,5%). Tính chung 9 tháng, chỉ số sử dụng lao động của ngành công nghiệp vẫn tăng 3,2% so cùng kỳ; trong đó các DN FDI tăng 3,5%, DNNN tăng 4,8% và DN ngoài nhà nước tăng 0,8%.

7. Thương mại, dịch vụ và giá cả

7.1. Lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ

Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, lao động làm việc trong các DN và ở các KCN gia tăng, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán lẻ hàng hóa và cung cấp dịch vụ của dân cư ở các KCN tập trung, khu nhà ở xã hội và đô thị mới tăng nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư và người lao động. Tính chung quý III, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 11.897,2 tỷ đồng, tăng 2,1% so quý trước và tăng 10,1% so quý III/2017 và sau 9 tháng đạt 35.570,5 tỷ đồng, tăng 9,7% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể ở từng nhóm ngành như sau:

Đối với ngành bán lẻ hàng hoá: Trong tháng 9, do có thời gian nghỉ lễ dài, sau đó là thời điểm khai giảng năm học mới và thời tiết chuyển mùa, nên nhu cầu tiêu dùng của dân cư gia tăng. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 9 ước đạt 3.084,6 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước và tăng 11,7% so cùng tháng năm trước.

Dịch vụ lưu trú và ăn uống: Tháng 9, tổng doanh thu ước đạt 426,3 tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 5,4% so cùng tháng năm trước. Tính chung quý III, tổng doanh thu ước đạt 1.020,5 tỷ đồng, tăng 8,2% so quý trước và tăng 6% so với quý III/2017; trong đó doanh thu ăn uống đạt 961,2 tỷ đồng, tăng 9,2% và 5,8%. Sau 9 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 3.043,8 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước; trong đó, dịch vụ ăn uống chiếm 94,1% và tăng 8,4%. Đây là mức tăng thấp so cùng kỳ các năm gần đây và cho thấy quy mô của ngành này đã đạt đỉnh.

Các ngành dịch vụ khác: Tính chung quý III, doanh thu dịch vụ ước đạt 1.709,5 tỷ đồng, giảm nhẹ (-0,2%) so quý trước và tăng 10,3% so với quý III/2017. Sau 9 tháng, doanh thu dịch vụ ước đạt 5.159,4 tỷ đồng, tăng 9,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ kinh doanh bất động sản chiếm 73,4% và tăng 9,8% (do có thêm một số khu nhà ở xã hội và nhà ở cao cấp (Vincom, Royal Park) đã đi vào hoạt động), dịch vụ hành chính hỗ trợ chiếm 12,2% và tăng 10%; doanh thu của khối DN FDI đạt 906 tỷ đồng, chiếm 17,6% và tăng 14,2% so cùng kỳ năm trước.

7.2. Hoạt động ngoại thương

Cùng xu hướng với sản xuất công nghiệp, hoạt động ngoại thương cũng biến động theo hướng chững lại ở quý II và tăng cao trong quý III, nhờ các dòng sản phẩm chiếm lĩnh được thị phần ở các thị trường lớn, như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, khối EU và thị trường Châu Phi (đối với điện thoại thông thường).Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn quý III ước đạt 10.805 triệu USD, tăng 46,5% so với quý trước và tăng 42,1% so với quý III/2017. Sau 9 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27.044,1 triệu USD, tăng 38,4% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nhóm hàng điện tử chiếm tỷ trọng 81,1% và tăng 18,5%; nhóm sản phẩm máy vi tính và phụ kiện đạt 4.228,8 triệu USD, chiếm 15,6% và gấp 5,8 lần so cùng kỳ; SP từ chất dẻo đạt 72,6 triệu USD và gấp 4,7 lần; sắt thép và SP từ thép đạt 68,2 triệu USD và tăng 27,5%; giấy và SP từ giấy đạt 21 triệu USD và tăng 28,1%; dây điện và cáp điện đạt 9,7 triệu USD và tăng 80,4%. Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá quý III ước đạt 8.309,4 triệu USD, tăng 59,1% so với quý trước và tăng 29,6% so với quý III/2017. Sau 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 19.368,6 triệu USD, tăng 11,2% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI đạt 19.061,9 triệu USD và tăng 10,3% so cùng kỳ; nhóm linh kiện điện tử đạt 14.886,5 triệu USD và tăng 14,5%; chất dẻo nguyên liệu đạt 285,1 triêu USD và tăng 13,1%; giấy các loại đạt 28,8 triệu USD và gấp 2,7 lần.

7.3 Tình hình giá cả

a) Chỉ số giá tiêu dùng: Tính bình quân tháng 9, CPI tăng 0,84% so tháng trước, tăng 4,68% so cùng tháng năm trước và tăng 3,59% so tháng 12 năm trước. So với tháng trước, ngoài 3 nhóm hàng có chỉ số ổn định, còn lại 8/11 nhóm hàng có chỉ số tăng với mức tăng từ 0,08%-5,31%. Trong đó, tăng cao nhất là nhóm giáo dục (+5,31%); tiếp đến là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (+3%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,72%); giao thông (+0,67%); văn hóa, giải trí và du lịch (+0,57%); đồ uống và thuốc lá (+0,56%); may mặc, mũ nón, giày dép (+0,49%); nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD (+0,2%). Quý III, mặc dù tháng 9 có chỉ số tăng cao nhất trong 9 tháng, nhưng tính chung trong quý mặt bằng giá đã tăng thấp hơn (+0,95%) so với mức tăng của quý II (+1,7%). So với quý III/2017, CPI tăng 4,52%; trong đó một số nhóm có mức tăng cao hơn chỉ số chung, là thực phẩm (+10,26%); may mặc, mũ nón, giày dép (+6,82%); giao thông (+6,35%); đồ uống và thuốc lá 5,78% và lương thực (+5,31%). Tính chung 9 tháng, CPI tăng 2,99% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 2,42% của 9 tháng 2017. Trong đó, một số nhóm chiếm tỷ trọng lớn và tăng cao hơn chỉ số chung, như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+3,31%); đồ uống và thuốc lá (+4,56%); may mặc, giày dép và mũ nón (+6,19%); nhà ở, điện nước, VLXD (+4,25%); giao thông (+4,88%).

b) Chỉ số vàng và Đôla Mỹ: Giá vàng giảm nhẹ do ảnh hưởng của giá vàng trong nước và thế giới. Bình quân tháng 9, giá vàng bán ra ở mức 3.415.000đ/chỉ, giảm 0,06% so tháng trước, giảm 6,96% so cùng tháng năm trước và giảm 4,81% so tháng 12/2017. Tính chung quý III, giá vàng giảm 2,68% so với quý III/2017, nhưng bình quân 9 tháng giá vàng vẫn tăng 3,71% so cùng kỳ. Giá Đôla: Tháng 9, tỷ giá giữa VNĐ và USD tiếp tục tăng nhẹ. Bình quân trong tháng, đồng đô-la được bán ra ở mức 22.333đ/USD, tăng 0,11% so tháng trước, tăng 2,51% so cùng tháng năm trước và tăng 2,56% so tháng 12/2017. Bình quân quý III, đồng đô-la tăng 2,01% so với quý III/2017 và bình quân 9 tháng tăng 0,8% so cùng kỳ.

8. Vận tải và du lịch

8.1 Hoạt động vận tải: Trong 9 tháng, mặc dù giá nhiên liệu được điều chỉnh tăng nhiều hơn so với điều chỉnh giảm và bình quân đã cao hơn so cùng kỳ năm trước, nhưng do kinh tế phát triển, nhu cầu đi lại và vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa ngày càng tăng, các DN vận tải không tăng giá cước, nên hoạt động vận tải đạt kết quả khá.

Vận tải hành khách: Để phục vụ nhu cầu đi lại của dân cư và người lao động, các DN trong và ngoài tỉnh đã mở thêm nhiều tuyến xe buýt, xe đường dài, nên sản lượng vận tải hành khách tăng khá. Tháng 9, khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt1.893 nghìn HK, tăng 1,8% so tháng trước và tăng 19,4% so cùng tháng năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 89,4 triệu HK.km, tăng 1,8% và tăng 18,6%. Tính chung quý III, các doanh nghiệp vận tải đã vận chuyển được 5,6 triệu lượt HK, tăng 2,8% so quý trước và tăng 16,2% so với quý III/2017; luân chuyển 265,3 triệu HK.km, tăng 2,3% và tăng 17,6%. Sau 9 tháng, đã vận chuyển được 16,1 triệu lượt HK, tăng 16,1% so cùng kỳ và luân chuyển được 766 triệuHK.km, tăng 17%.

Vận chuyển hàng hoá: Tháng 9, khối lượng vận chuyển ước đạt 3.232 nghìn tấn, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 7,6% so cùng tháng năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 162,4 nghìn tấn.km, tăng 1,3% và tăng 8,5%. Tính chung quý III, các DN vận tải đã vận chuyển được 9.613 nghìn tấn hàng hóa, tăng 4% so quý trước và tăng 5,9% so với quý III/2017; luân chuyển 482,4 triệu tấn.km, tăng 5,4% và tăng 6,8%. Sau 9 tháng, đã vận chuyển được 27.829 nghìn tấn hàng hóa, tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 1.375,6 triệu tấn.km, tăng 6,2% so cùng kỳ.

Doanh thu vận tải, sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng, nên doanh thu vận tải cũng tăng hơn. Tổng doanh thu quý III ước đạt 1.691 tỷ đồng, tăng 3,7% so với quý trước và tăng 13,9% so với quý III/2017. Trong đó, doanh thu vận tải hàng hóa chiếm 41,6%, tăng 4,9% và tăng 7,8%; vận tải hành khách chiếm 21,3%, tăng 3% và tăng 19,9%. Sau 9 tháng, doanh thu vận tải ước đạt 4.864,9 tỷ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu vận tải hành khách đạt 1.035,6 tỷ đồng, tăng 18,6%. Riêng hoạt động hỗ trợ vận tải, doanh thu đạt 1.804,5 tỷ đồng, chiếm 37,1% và tăng 13,7% so cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp trong khi hoạt động công nghiệp, xuất nhập khẩu của Bắc Ninh có quy mô lớn và tăng cao, điều này cho thấy các DN của Bắc Ninh vẫn chưa khai thác được tiềm năng của hoạt động logistics đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.

8.2. Du lịch: Năm 2018, với mục tiêu mở rộng hoạt động du lịch tâm linh gắn với các lễ hội truyền thống, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành phối hợp với các địa phương và các DN tổ chức khai thác các tuor du lịch miễn phí đến các đình, đền, chùa trong dịp lễ hội đầu năm. Đồng thời, tổ chức các tour du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, ngày lễ lớn của dân tộc để thu hút khách thập phương. Tính chung 9 tháng, đã có 993 nghìn lượt khách đến Bắc Ninh, tăng 32% so cùng kỳ năm trước; tổng ngày khách phục vụ ước đạt 1.190 nghìn ngày, tăng 32%; doanh thu phục vụ (bao gồm cả ăn uống và lưu trú) đạt 714 tỷ đồng, tăng 15%. Trong đó, có hơn 120 nghìn khách quốc tế, tăng 18,6% so cùng kỳ.

9. Các lĩnh vực xã hội

9.1. Đời sống dân cư và công tác xã hội

Theo số liệu tổng hợp, các DN trên địa bàn tỉnh đều trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ, mức bình quân trong 9 tháng đạt 7,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017. Thu nhập của CBCC, viên chức tăng trên 8,3%; đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH tăng 7,8%. Bên cạnh đó, lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm khác ngoài sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập, nên đời sống nông dân trong 9 tháng được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước, không có hộ và nhân khẩu bị thiếu đói.

Công tác an sinh xã hội được các cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo và cộng đồng DN cùng chia sẻ, hỗ trợ. Trong các dịp Lễ, Tết, ngày kỷ niệm trọng đại, cấp ủy, chính quyền các địa phương và cộng đồng DN đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm, tặng quà các hộ nghèo, đối tượng chính sách với số tiền hơn 4 tỷ đồng; thăm và tặng quà các đối tượng người có công, hộ nghèo, người cao tuổi ở 8 huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có đối tượng đang nuôi dưỡng, chăm sóc với tổng kinh phí 44,1 tỷ đồng; tặng quà các hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng; tặng quà các đối tượng bảo trợ xã hội và người cao tuổi với kinh phí 0,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã hỗ trợ 625 hộ chính sách, hộ nghèo xây dựng và sửa chữa nhà ở với kinh phí trên 20 tỷ đồng; quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã tặng 115 sổ tiết kiệm với tổng trị giá 89 triệu đồng.

9.2. Lao động và việc làm

Tính chung 9 tháng, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 20.800 lao động, tăng 1,4% so cùng kỳ năm trước. Công tác đào tạo nghề từng bước được nâng cao về chất lượng và gắn với yêu cầu thị trường, giảm thiểu chi phí cho hoạt động đào tạo, đào tạo lại của doanh nghiệp. Trong 9 tháng, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 15.850 đối tượng, trong đó khu vực nông thôn chiếm 85,8%. Đến tháng 9, toàn tỉnh có 666,5 nghìn lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, tăng 1,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực CN-XD có 339,8 nghìn lao động, tăng 4,8%; khu vực dịch vụ có 202,7 nghìn lao động, tăng 3,3%; còn lao động trong khu vực NLTS tiếp tục giảm.

9.3. Giáo dục - Đào tạo

Giáo dục: Kết thúc năm học 2017-2018, ngành Giáo dục đạt được nhiều kết quả nổi bật. Chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học duy trì ở mức độ cao, vững chắc; kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2018 đoạt 52 giải (đạt 81,2%), 02 học sinh trường THPT Chuyên Bắc Ninh đạt giải Nhất thi KHKT cấp quốc gia được lựa chọn dự thi Intel - ISEF 2018 quốc tế tại Hoa Kỳ. Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đảm bảo an toàn nghiêm túc, đúng quy chế, đạt kết quả cao, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm 2018 đạt 99,15%; trong đó có 01 học sinh đạt điểm cao nhất cả nước khối A. Đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn đạt 100% và trên chuẩn cao 85,3%, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được tăng cường đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại: tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đạt 97,15%; tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 94,6%, với tổng số 456/482 trường

Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng giáo dục, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo; phấn đấu xóa phòng học cấp 4 trên địa bàn toàn tỉnh và đầu tư để phát triển trường, lớp ở các KCN tập trung. Khai giảng năm học mới, toàn tỉnh có 487 trường mầm non và phổ thông các cấp, với 8.859 phòng học và có 11.266 lớp học, 333.363 học sinh và 17.330 giáo viên; so với năm học trước, giảm 6 trường (do một số huyện đã sáp nhập các trường mầm non và tiểu học có quy mô nhỏ trong cùng một xã), tăng 476 phòng học, tăng 1.213 lớp học, tăng 28.146 học sinh và tăng 1.854 giáo viên.

Đào tạo: Đến nay, số trường đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ và ĐH trên địa bàn tỉnh đã ổn định về số lượng. Nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN trên địa bàn tỉnh, các cơ sở đào tạo đã gắn khung lý thuyết với thực hành tại các DN, nhất là các ngành điện, điện tử, cơ khí chính xác, nhằm nâng cao tay nghề cho sinh viên. Nhiều cơ sở đào tạo đã tổ chức liên kết và được hỗ trợ của các DN FDI để cải tiến chất lượng đào tạo, thường xuyên tổ chức hội thi tay nghề kỹ thuật, năng lực sáng tạo,… Vì thế, công tác đào tạo nghề từng bước được nâng cao về chất lượng, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã được các DN tuyển dụng với mức thu nhập khá. Năm học 2018-2019, các trường TCCN và dạy nghề dự kiến tuyển sinh 22.860 học sinh (không tính học viên trong các lớp ngắn hạn từ 3 tháng trở xuống), tăng 11,8% so với năm học trước, với 2.066 giảng viên, tăng 4%.

9.4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Đến nay, đã lập xong hồ sơ theo dõi và quản lý sức khỏe của dân cư tại các trạm y tế nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả hơn. Đồng thời, triển khai lấy và xét nghiệm nhóm máu cho trẻ em dưới 6 tuổi tại các trường mầm non sau khai giảng năm học mới để cập nhập hồ sơ y tế gia đình. Trong 9 tháng, các tuyến y tế đã khám bệnh cho 1.437,1 nghìn lượt người, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó có 171,2 nghìn người điều trị nội trú, tăng 9,2% so cùng kỳ. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được Ban QL an toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra chặt chẽ và tập trung giám sát các cơ sở, DN chế biến suất ăn công nghiệp, trong các DN có số lượng lao động lớn và tự triển khai bếp ăn, nên trong 9 tháng không xảy ngộ độc thực phẩm.

9.5. Văn hoá thông tin và thể dục thể thao

Công tác thông tin và các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong 9 tháng tập trung tuyên truyền phục vụ tốt việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cũng như phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất và các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước và của địa phương. Nhìn chung, các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào năm mới, treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu. Các di tích lịch sử văn hóa được trang trí, tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp, cử người hướng dẫn khách tham quan và nhân dân đến tế lễ đảm bảo văn minh. Thư viện và Bảo tàng tỉnh tổ chức 7 đợt trưng bày về các ngày lễ và sự kiện lịch sử trọng đại của tỉnh và cả nước. Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà hát Quan họ tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phục vụ các lễ hội truyền thống của các địa phương; tổ chức thành công Chương trình văn nghệ đón Giao thừa Xuân Mậu Tuất 2018 tại Tượng đài Lý Thái Tổ, thành phố Bắc Ninh.

9.6. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội

An ninh chính trị và TTATXH: Tính từ ngày 16/12/2017 đến 15/9/2018, toàn tỉnh đã xảy ra 447 vụ phạm pháp hình sự, giảm 52 vụ so cùng thời điểm năm trước; phát hiện và bắt giữ 1.122 vụ buôn bán ma túy với 1.350 đối tượng, thu 20.727 gam heroin, ma túy dạng bột và gần 4.000 viên ma túy tổng hợp; so cùng kỳ năm trước, tuy giảm 9 vụ, nhưng tăng 346 đối tượng và tăng 2.988 gam ma tuý. Nhìn chung, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định.

An toàn giao thông: Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn trật tự an toàn giao thông tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện. Cùng với việc tích cực tuyên truyền, lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, tập trung ở những tuyến đường, nút giao thông trọng điểm. Đến nay, các nút cầu vượt QL1A, QL18 và vòng xuyến trong các đô thị đã từng bước được nâng cấp mở rộng đồng bộ hơn, nên tình trạng ùn tắc trong giờ cao điểm cơ bản được khắc phục. Trong 9 tháng, trên các tuyến đường bộ đã xảy ra 73 vụ TNGT, làm chết 56 người, bị thương 20 người; so cùng kỳ năm trước, tăng 2 vụ, giảm 7 người chết và giảm 14 người bị thương.

9.7. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

Trong 9 tháng, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy nổ, làm 4 người chết và 10 người bị thương, gây thiệt hại về kinh tế 51,4 tỷ đồng; so cùng kỳ năm trước, tăng 3 vụ, tăng 2 người chết, giảm 3 người bị thương và tăng 31,9 tỷ đồng về giá trị thiệt hại. Trong đó, riêng vụ nổ kho phế liệu đầu đạn tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong đã làm 2 người chết và 8 người bị thương, làm 7 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn và gần 100 căn nhà dân tại khu vực lân cận bị vỡ kính, nứt tường, sập mái. Tính từ ngày 16/12/2017 đến 15/9/2018, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 276 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; qua điều tra đã ra quyết định xử phạt hành chính 266 vụ, thu nộp Kho bạc Nhà nước 4,5 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, tăng 16 vụ và tăng 1,3 tỷ đồng.

Biểu KTXH Tháng 9 năm 2018