Tương Đình Tổ - Đậm Đà Hương Vị Quê
Nằm ở bờ Nam sông Đuống, huyện Thuận Thành từ xưa đã nổi tiếng với làng tranh Đông Hồ và các di tích lịch sử văn hoá như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, thành cổ Luy Lâu… Không chỉ có thế, nơi đây còn nức tiếng với những món ăn dân dã và những thức quà đậm chất đồng quê Bắc Bộ. Và khi nhắc đến ẩm thực đất cổ Luy Lâu, không thể không nhắc đến tương Đình Tổ.
Chum Tương Đình Tổ. (Nguồn: Internet)
Gọi là tương Đình Tổ vì thứ nước chấm đặc trưng này có nguồn gốc từ làng Đình Tổ, nay là xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.
Làng Đình Tổ xưa đã có nghề làm tương. Không ai trong làng nhớ chính xác thời gian ra đời của nghề, các cụ cao niên trong làng kể lại, khi trạng nguyên đầu tiên của nước Đại Việt là Lê Văn Thịnh về thăm quê, đến làng Đình Tổ thì bị ốm, ông đã đề nghị muốn ăn một bát cháo Thái, một khúc cá nướng chấm tương. Kể từ đó, người dân lấy mốc thời gian này đánh dấu sự ra đời của nghề làm tương và cháo Thái.
Cũng giống như các loại tương khác, đỗ tương là thành phần quan trọng nhất để tạo nên món tương Đình Tổ trứ danh, nhưng để có được món tương ngon hoàn hảo, màu đẹp thì cần phải có thêm ngô và nếp cái hoa vàng.
Đỗ tương sau khi đãi sạch, để khô rồi đem rang tới khi có mùi thơm và ngả vàng. Sau khi bỏ vỏ và tách vỡ đôi, cho đỗ tương vào vại, chum sành, ngâm với nước đã đun sôi và ủ cho lên men. Trong suốt quá trình ủ ngâm, phải kiểm tra, đảo đều, vớt bọt để tương có độ sánh, mịn đạt tiêu chuẩn.
Trong lúc chờ đỗ lên men thì làm mốc (men cái). Ngô sau khi phơi khô phải sàng kỹ cho hết sạch mày và vỏ bên ngoài, chỉ giữ lại phần sọ bên trong rồi ngâm mềm. Gạo nếp cái hoa vàng vo sạch, ngâm cho nở hạt gạo rồi trộn với ngô đồ lên thành xôi và cho ủ kín trong túi ni lông hoặc túi vảiđể lên men.
Tương Đình Tổ khác biệt ở chỗ là không để cơm nếp lên men mốc xanh, mà để cơm lên men trong điều kiện yếm khí, hạn chế mất màu và mùi so với lên men tiếp xúc không khí. Công đoạn này người dân gọi là nấu mốc. Sau khi có được mốc thì đổ vào chum đỗ tương đảo đều, cứ 9 bát tương thì 2 bát muối. Tất cả nguyên liệu tiếp tục ngâm 1 tuần rồi đem xay mới tạo ra tương thành phẩm.
Chính màu của ngô đã tạo nên sắc vàng nâu cho tương. Mùi thơm của nếp hòa quyện mùi thơm của đỗ tương rang tạo nên hương vị tương thơm ngon. Độ dẻo của nếp làm cho tương thêm sánh đặc, mịn và béo ngậy chứ không loãng như một số tương khác. Do quá trình lên men tự nhiên trong nước chín, có tỉ lệ muối cụ thể nên tương Đình Tổ có độ ngọt tự nhiên, độ mặn vừa phải.
Tương ăn có giá trị dinh dưỡng cao, dùng chấm các món ăn như: rau luộc, thịt luộc, cá nướng, bánh đúc… hoặc dùng làm gia vị cho các món kho. Hiện nay, tương Đình Tổ không còn nằm trong phạm vi thôn xóm nữa mà chở thành thương hiệu lớn được cả nước biết đến.