Xuân Lai - ngôi làng thổi hồn cho tre Việt

30/07/2019 14:29

(BNP) – Cùng với đồng Đại Bái, tranh Đông Hồ, gỗ Đồng Kỵ, thép Đa Hội… làng Xuân Lai (huyện Gia Bình) có truyền thống lâu đời với những sản phẩm mây, tre đan độc đáo, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Sản phẩm mây, tre đan Xuân Lai luôn thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nằm cách Hà Nội khoảng 35km, nép mình bên dòng sông Đuống, từ xa xưa, người làng Xuân Lai đã có cuộc sống gắn bó với cây tre, cây trúc. Không ai nhớ chính xác nghề này từ bao giờ, theo các cụ cao tuổi trong làng, nghề có từ vài trăm năm trước. Thời ấy, người trong làng tự mày mò, sáng tạo để làm ra các đồ dùng chủ yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình và dùng trong sản xuất nông nghiệp như: thúng, rổ, rá, chõng tre, cán cuốc, sào, cần câu… Ngày nay, ở Xuân Lai, nhiều hộ dân đầu tư công nghệ, máy móc sản xuất với quy mô lớn, đa dạng hóa sản phẩm với nhiều mặt hàng cao cấp như: bàn ghế, trường kỷ, bàn làm việc, tranh nghệ thuật, đèn lồng, bình phong… các sản phẩm làm từ tre, trúc đều mang lại cảm giác thân thiện, dung dị nhưng không kém phần sang trọng.
 
Theo những người thợ lâu năm, để chế tác sản phẩm phải chọn những cây tre, trúc tốt có dóng đều, thẳng, không sâu, mấu nhỏ. Tùy loại sản phẩm mà người thợ chọn loại cây to hay nhỏ, độ trưởng thành của cây để đảm bảo độ bền vững cho sản phẩm. Tiếp đó, tre, trúc sẽ được ngâm dưới bùn ao trong 4 tháng, sau đó vớt lên, làm sạch lớp vỏ ngoài và đưa vào lò đất hun khói, tạo độ bền, tránh mối mọt. Trong lò đất, tre, trúc được sấy khô, hun khói từ 4 - 10 ngày đêm. Qua công đoạn này, những cây tre, trúc được sấy khô trở nên rất nhẹ, bền, chắc có thể chịu được mốc, mối mọt và giữ được màu trong nhiều năm.
 
Sau bao thăng trầm của lịch sử, làng nghề Xuân Lai đang tiếp tục được các nghệ nhân gìn giữ và phát triển với những sản phẩm có giá trị sử dụng và nghệ thuật cao như: Tranh tre, nội thất bằng tre và cả những công trình kiến trúc, khuôn viên thiết kế trang trí từ tre trúc hun khói. Sản phẩm của làng Xuân Lai không chỉ được người dân trong nước đón nhận mà còn được bè bạn quốc tế biết đến qua các tour du lịch, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ mỹ nghệ…
 

Với sự chăm chỉ, bằng đôi bàn tay, khối óc người làng Xuân Lai tạo ra nhiều sản phầm mây tre đan độc đáo.
 
Theo ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng thôn Xuân Lai: Hiện thôn Xuân Lai có gần 250 hộ làm nghề tre trúc, trong đó 45 hộ chuyên sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động trong xã và các địa phương lân cận. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, từng bước thay thế cách làm thủ công, mở rộng liên doanh, liên kết với đối tác tại các thị trường trong nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Theo ước tính, tổng giá trị sản xuất từ nghề mây tre đan của thôn năm 2018 đạt 30 - 40 tỷ đồng.
 
Để bảo tồn cũng như phát triển làng nghề, cùng với sự nỗ lực của người dân địa phương, thời gian qua, các cấp chính quyền luôn quan tâm và hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh cho sản phẩm tre trúc Xuân Lai. Ngoài các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn, thúc đẩy sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, năm 2016, tỉnh đã xây dựng Đề án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể mây tre đan Xuân Lai, huyện Gia Bình. Sau hơn 01 năm thực hiện, nhãn hiệu tập thể tre trúc Xuân Lai đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền.
 
Bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, từ cây tre, cây trúc bình dị, những người thợ làng nghề Xuân Lai đã sáng tạo thành các sản phẩm nghệ thuật độc đáo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình một cách hiệu quả.
N.N