Đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí trong ngành Xây dựng
(BNP) - Bộ Xây dựng vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD về đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí trong ngành Xây dựng.
Ảnh minh họa.
Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua Bộ Xây dựng đã ban hành các Chương trình hành động của ngành, trong đó, xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, hiệu quả quản lý Nhà nước ngành Xây dựng được nâng cao; ngân sách Nhà nước được kiểm soát chặt chẽ; việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng tài sản công ở các đơn vị thuộc Bộ đúng định mức, tiết kiệm…
Nhằm xây dựng ngành Xây dựng thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí, tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành có liên quan đến công tác phòng, chống lãng phí.
Chú trọng giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí. Trong đó, giảm tối đa thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để chống lãng phí. Rà soát, hoàn thiện tinh gọn bộ máy tổ chức để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch xây dựng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, quyết định chủ trương đầu tư; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai thi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án để chống lãng phí, thất thoát. Tăng cường quản lý, kiểm tra, đôn đốc hoàn thành công trình đúng tiến độ; đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn (nếu có).
Đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh phát triển của doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu.