Đình làng Bình Cầu
Bình Cầu xưa là một xã thuộc tổng Thượng Mão, huyện Thuận Thành, nay là một trong 9 thôn của xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một làng cổ có bề dày lịch sử và văn hiến nằm trên bãi bồi bên bờ Nam sông Đuống.
Đình làng Bình Cầu tại Bắc Ninh (nguồn Internet).
Đình Bình Cầu là công trình văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu của nhân dân địa phương vốn được xây dựng lớn vào thời Lê Trung Hương (TK 18), hiện dấu ấn còn để lại ở những đầu dư dưới câu đầu gian giữa của toà tiền tế. Đến thời Nguyễn, đình Bình Cầu được trùng tu tôn tạo với quy mô lớn, trang trí chạm khắc tinh xảo nghệ thuật và còn bảo lưu khá nguyên vẹn công trình kiến trúc cổ đến ngày nay.
Toà đại đình to lớn có kết cấu kiến trúc kiểu “tường chữ đình, mái chữ công” gồm 3 gian 2 chái tiền tế, 1 gian ống muống chạy dọc và 1 gian 2 chái hậu cung; bộ khung đình được làm bằng gỗ lim chắc khoẻ, liên kết với nhau bởi các cây cột to lớn cùng hệ thống các vì, kẻ, hoành. Cả tiền tế và hậu cung đều có các đầu đao cong vút, mềm mại, uyển chuyển, tạo cho ngôi đình mang dáng vẻ cổ kính thâm nghiêm.
Nghệ thuật chạm khắc của đình Bình Cầu được thể hiện tập trung tại toà tiền tế, trên các bộ phận của kiến trúc như: vì nóc, cốn, con rường được trang trí chạm khắc các đề tài “tứ linh”, “tứ quý” và hoa lá cách điệu. Đặc biệt tại gian giữa của tiền tế, dưới bụng câu đầu là 4 đầu dư được chạm hình rồng ngậm ngọc với nét chạm tinh xảo, điêu luyện. Đây là dấu ấn của ngôi đình thời Lê Trung Hưng còn để lại đến ngày nay.
Căn cứ vào bản thần tích soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), năm Vĩnh Hựu 6 (1740) hiện còn bảo lưu được thì đình Bình Cầu thờ nhị vị Thành hoàng là: Nam Sơn và Bắc Hải đại vương, là những danh thần có công âm phù đánh giặc, bảo vệ nền độc lập của dân tộc vào thời Hùng Vương. Bên cạnh việc thờ phụng Thành hoàng làng, đình Bình Cầu còn là nơi tôn thờ vị Tổ nghề Sơn Mài, người có công truyền dạy nghề cho nhân dân địa phương. Việc thờ phụng những người có công với dân, với nước của nhân dân Bình Cầu đã thể hiện truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta.
Cùng với giá trị về kiến trúc, về người được thờ, giá trị nổi bật của đình Bình Cầu được thể hiện ở những cổ vật còn bảo lưu được như: 02 bản thần tích (1 bản có niên đại Vĩnh Hựu 6 -1740, một bản sao lại năm Duy Tân Kỷ Dậu -1909) cho biết rõ lai lịch, công trạng của nhị vị Thành hoàng làng Bình Cầu, 13 đạo sắc phong (đạo có niên đại sớm nhất là năm Chiêu Thống nguyên niên -1787, đạo có niên đại muộn nhất là năm Duy Tân 3 -1909), 01 cuốn văn tế có niên đại thời Nguyễn, 02 kiệu bát cống thời Nguyễn chạm khắc tinh xảo nghệ thuật cùng nhiều đồ thờ tự cổ quý khác.
Đặc biệt, đình Bình Cầu còn bảo lưu được hệ thống bia đá gồm 04 bia, trong đó đặc biệt quý giá là 02 bia văn chỉ của tổng Thượng Mão xa. Qua nội dung văn bia cho biết, đất Bình Cầu xưa được chọn làm nơi đặt văn chỉ của tổng Thượng Mão. Đây là nơi tôn thờ tưởng niệm các bậc tiên triết nho học, các vị khoa bảng của tổng Thượng Mão xưa. Những cổ vật này của đình Bình Cầu là di sản văn hóa quý giá không những là minh chứng cho ngôi đình Bình Cầu trong lịch sử, mà còn cho biết nhiều thông tin về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của làng xã nơi đây trong lịch sử.
Đình làng Bình Cầu một di tích lịch sử văn hoá cổ kính, với những giá trị về kiến trúc điêu khắc, tín ngưỡng lễ hội, đặc biệt là giá trị về cổ vật không những kết tinh bề dầy lịch sửcủa làng xã nơi đây, mà còn góp phần làm nên những nét văn hiến tiêu biểu của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.