Đình Xuân Ổ B

17/12/2024 07:30

(BNP) - Đình Xuân Ổ B, khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh được khởi dựng từ thời Lê với quy mô lớn. Năm 1948, trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, đình đã bị phá dỡ. Năm 1992, nhân dân địa phương đã góp công, góp của khôi phục lại ngôi đình trên nền đất cũ của đình xưa với dáng vẻ kiến trúc truyền thống.

Toà Đại đình.

Các hiện vật thờ trong đình.

Đình Xuân Ổ B thờ thành hoàng là đức Thánh Thiên Cang – Anh hùng văn hóa thời Hùng Vương thứ V đã có công giúp nước cứu dân. Lai lịch công trạng của Thánh có thể tóm tắt như sau: Thiên Cang là con trai của vị Quân vương họ Hùng, húy là Thuận, chính cung phu nhân là Cao Thị Chân ở xứ Kinh Bắc. Ông sinh ngày mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn. Khi mới sinh đặt tên là Cương Công. Năm 16 tuổi ông đã cao 8 thước, thần thái khác đời, ra biển sóng cồn yên lặng, lên núi hổ báo kinh hồn, được vua Hùng phong là Thiên Cương thần tướng.

Các hiện vật thờ trong đình.

Các sắc phong thời Nguyễn.

Dưới thời vua Hùng Vương thứ V, giặc Ân sang xâm lược nước ta, ông đã đem quân đi trợ chiến Thánh Gióng đánh giặc ngoại xâm. Trận đánh diễn ra ác liệt dưới chân núi Châu Sơn, giặc Ân thua to, Thánh Gióng quay ngựa lên núi Sóc Sơn và bay về trời. Còn Thiên Cương được vua Hùng tiếp tục cử đi dẹp giặc Xích Quỷ ở Châu Hà Lộ, nhưng khi đi qua núi Nham Biền thì ông hóa ở đó. Vua Hùng vô cùng thương xót, cho nhân dân các nơi lập đền thờ cúng. Trải các triều đại về sau đều ban cho sắc phong và phong cho mỹ tự là “Thượng đẳng phúc thần”.


 

Đình Xuân Ổ B hiện gồm các công trình: Nghi môn, Tiền tế, Đại đình và tòa Dải vũ. Tiền tế 5 gian, kiến trúc kiểu bình đầu, khung gỗ liên kết bởi 5 hàng cột ngang, 4 hàng cột dọc, bộ vì có kết cấu kiểu “tiền bẩy hậu bẩy”, cửa để thông tiền và hậu. Đại đình có kiến trúc hình chữ Đinh gồm: Tiền đình 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong, bộ khung gỗ lim to khỏe, vì nóc có kết cấu kiểu “giá chiêng trụ cột trốn”, vì nách kiểu “kẻ ngồi”. Hậu cung 3 gian.

Bằng xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hoá.

Các hiện vật tiêu biểu gồm: 01 cuốn thần tích thời Nguyễn; 07 sắc phong thời Nguyễn vào các năm: Tự Đức 3 – 1850; Tự Đức 33 – 1880; Đồng Khánh 2 – 1887; Khải Định 9 – 1924; Thiệu Trị 6 – 1845 (2 sắc); Duy Tân 3 – 1909; 1 án gian thời Nguyễn; 01 ngai thời Nguyễn; 01 giá đựng đài nước thời Nguyễn; 01 lọ độc bình thời Nguyễn; 01 tượng thờ; 01 bộ đỉnh đồng; 01 bộ chấp kích; 01 bộ bát bửu; 01 đôi ngựa; 01 bộ kiệu; 02 hoành phi; 06 đôi câu đối thế kỷ XX-XXI...

Cổng làng Xuân Ổ B.

Đình Xuân Ổ B được xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2002, Quyết định số 161/QĐ-CT.

H.H