Di tích lịch sử Đình Niềm Xá
(BNP) - Đình Niềm Xá vốn được khởi dựng từ thời Lê (thế kỷ XVIII). Trải qua kháng chiến, đình bị phá hủy một phần. Qua nhiều lần phục dựng, đến năm 2011, đình được xây dựng lại theo lối kiến trúc truyền thống. Đình được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá năm 2007.
Đình Niềm Xá hiện tọa lạc trên diện tích đất 609.7m2. Phía trước đình là hồ bán nguyệt có diện tích khá lớn. Phía trước đình có cổng nghi môn nhưng không xây tường bao để thông thoáng với xung quanh. Nhìn chung cảnh quan, đình Niềm Xá thoáng mát với không gian mở, hài hòa với tự nhiên.
Đình hiện có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm tòa Đại bái 3 gian 2 chái và Hậu cung 2 gian. Bộ khung được làm bằng gỗ lim với những cột gỗ to khỏe vững chãi liên kết bởi 6 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc. Bộ vì kết cấu theo kiểu con chồng giá chiêng. Hệ thống cửa mở ở 3 gian giữa theo kiểu thượng chấn song, hạ bức bàn, hướng Tây. Phần mái lợp ngói với 4 góc đao cong.
Đình Niềm Xá là công trình văn hóa tín ngưỡng thờ danh tướng Lê Phụng Hiểu - Người có công lớn giúp vua Lý Thái Tông dẹp “loạn tam vương” (1028), đánh tan giặc Chiêm Thành (1044) và có nhiều công lao lớn với dân, với nước.
Các hiện vật tiêu biểu gồm: 2 bia đá (năm 1858, 1880); 5 đạo sắc phong; 1 thần tích; 1 ngai thờ thời Nguyễn; 3 câu đối thời Nguyễn; 2 hoành phi thời Nguyễn; 1 bộ bát biểu thời Nguyễn; 1 cuốn thư thời Nguyễn.
Lễ hội truyền thống của đình Niềm Xá xưa được tổ chức từ ngày 8 đến 12 tháng Giêng âm lịch. Trong suốt các ngày lễ hội đều tổ chức tế lễ đức Thánh. Ngày 8 chính hội còn có tục rước kiệu Thánh sang làng Hòa Đình (chạ anh). Đám rước rợp trời với cờ lọng, siêu đao, bát biểu, chiêng trống cùng hàng trăm người tham gia./.