Làng gốm cổ Phù Lãng
(BNP) – Cách Hà Nội khoảng 60 km, nép mình bên bờ sông Cầu thơ mộng, làng gốm Phù Lãng (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ) là một trong số những làng gốm cổ nổi tiếng của miền Bắc.
Chuốt gốm, tạo dáng là một trong những công đoạn để hoàn thành một sản phẩm gốm.
Cùng với gốm Bát Tràng (Gia Lâm) và gốm Thổ Hà (Bắc Giang), gốm Phù Lãng có từ rất lâu đời. Theo sách xưa để lại thì nghề gốm Phù Lãng được hình thành và phát triển ở đây vào khoảng thời Trần, thế kỷ XIII. Trải qua nhiều thời gian, công đoạn khác nhau cùng với bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, gốm Phù Lãng đã cho ra đời những sản phẩm bền, đẹp và hữu dụng.
Nguyên liệu gốm Phù Lãng là đất sét có màu hồng nhạt được những người thợ chế biến thật mịn, thật đều rồi đưa lên bàn xoay để chuốt (phương pháp tạo hình bằng tay) thành nhiều loại sản phẩm khác nhau, đợi khi sản phẩm se bớt rồi tiến hành tráng men. Men gồm có tro đốt cây rừng, vôi sống, sỏi nghiền nhỏ, bùn phù sa trắng trộn lẫn với nhau thành chất lỏng rồi dùng chổi lông quét lớp men này lên sản phẩm, sau đó đợi khô cho vào lò nung. Từng công đoạn, từ chọn đất, tạo hình, tráng men đến nung gốm đều được các thợ gốm chăm chút cẩn thận, cầu kì cho đến khi một sản phẩm gốm ra đời. Một sản phẩm gốm đạt tiêu chuẩn phải có màu da lươn hoặc màu cánh gián, gõ vào phải có tiếng vang, nếu không sẽ bị thải loại.
Sản phẩm gốm Phù Lãng gồm ba loại chính: Gốm được dùng trong hoạt động tín ngưỡng như tượng Phật, lư hương và các đồ thờ cúng; gốm gia dụng – một trong những sản phẩm đặc trưng của gốm Phù Lãng - vô cùng đa dạng và phong phú về chủng loại, kiểu dáng, từ lọ, bình, ang đến chum, vại thậm chí cả ống điếu và bình vôi; gốm trang trí, gồm bình trang trí, lọ cắm hoa, tranh gốm...
Trải qua thăng trầm của lịch sử, đã có lúc gốm Phù Lãng tưởng như đã mất đi vị thế của mình trên thị trường gốm Việt trước sức ép cạnh trạnh quá lớn từ vô vàn các sản phẩm gốm trên thị trường. Hơn thế nữa, thanh niên trong làng phần nhiều cũng theo những ngành nghề khác nhau mà bỏ quên cái nghiệp gốm mà cha ông để lại. Nhưng cuối cùng, với sự giản đơn, bình dị gốm Phù Lãng vẫn luôn có chỗ đứng nhất định trong lòng người Việt.
Xã Phù Lãng hiện có hơn 200 hộ làm nghề, chủ yếu tập trung tại 02 thôn Phù Lãng và thôn Thủ Công, tạo việc làm cho gần 500 lao động. Năm 2018, thu nhập từ sản xuất gốm trong xã ước đạt 35-40 tỷ đồng, chiếm trên 20% trong tổng thu nhập của địa phương.
Những năm gần đây, để duy trì và phát triển làng nghề, nhiều cơ sở sản xuất gốm nơi đây đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch về địa phương tham quan, trải nghiệm nghề làm gốm với các nghệ nhân. Đây thực sự là một tín hiệu vui, bởi du lịch trải nghiệm, cùng làm nghề với các nghệ nhân làng nghề truyền thống đang là một xu hướng mới trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch ở nhiều địa phương. Hơn nữa, việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn là một cách thức để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của làng gốm Phù Lãng, đồng thời cũng là một phương thức giới thiệu sinh động về làng nghề trong việc xây dựng nông thôn mới và hội nhập hiện nay.
Với khát vọng, hoài bão của những người dân làng gốm Phù Lãng, nội lực từ chính đôi bàn tay khéo léo, đức tính cần cù, sáng tạo của những người thợ gốm nơi đây sẽ góp phần tạo dựng cho gốm Phù Lãng ngày càng khởi sắc, vươn xa.