Nghề làm mỳ gạo ở Tử Nê

26/04/2021 15:37

Thôn Tử Nê, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài vẫn duy trì và phát triển được nghề sản xuất mỳ gạo trong khi nhiều nghề khác có nguy cơ bị mai một. Nhiều gia đình trong làng mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Mỳ thành phẩm được đóng gói để đưa ra thị trường

Nghề làm mỳ gạo thôn Tử Nê đã có từ rất lâu, các thế hệ người dân Tử Nê đã cố gắng duy trì để gìn giữ nghề của cha ông để lại. Nghề làm mỳ gạo không đòi hỏi vốn lớn nên hộ gia đình nào cũng có thể làm được, có ít làm ít, có nhiều làm nhiều, rải rác khắp các xóm của thôn Tử Nê.

Bình quân mỗi ngày, Tử Nê cung ứng ra thị trường gần 20 tấn mì các loại. Nét đặc trưng của mỳ gạo Tử Nê là sợi mỳ nhỏ, trắng, dai, dẻo, có mùi thơm của lúa gạo, không có thành phần chất phụ gia, thuốc bảo quản thực phẩm, được làm hoàn toàn bằng thủ công, xay gạo bằng cối đá, tráng mỳ bằng tay, đun bếp củi. Vài năm trở lại đây, quy trình sản xuất mỳ gạo được cải tiến nhờ máy móc nhưng trong từng công đoạn vẫn được thực hiện thủ công một cách tỉ mỉ và cẩn thận thông qua những kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều năm của người dân làm nghề.

Với những bí quyết gia truyền cùng với công nghệ, người làm nghề đã tạo nên sản phẩm được nhiều người ưa chuộng và tiêu thụ tốt ở nhiều nơi như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên và một số tỉnh ở khu vực phía Nam. Biết cách duy trì và phát triển nghề đã giúp người dân nơi đây từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, kinh tế các hộ làm nghề ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm đáng kể.

Tuy được ưa chuộng và tiêu thụ tốt ở nhiều nơi, nhưng mỳ khi xuất bán vẫn chưa tạo được thương hiệu trên thị trường vì trên sản phẩm chưa có nhãn mác, ký hiệu, tên của làng nghề mà chủ yếu bán qua khâu trung gian, phải mang một thương hiệu khác nên sản phẩm thu về có giá trị thấp. Nguyên nhân chủ yếu do các hộ, cơ sở sản xuất chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Vẫn còn quan điểm cho rằng làng có nghề lâu đời nên tự khắc sẽ có người biết đến. Trong khi thực tế nếu không đầu tư xây dựng, quảng bá thương hiệu, thì “tên tuổi” của nghề khó vượt qua địa giới hành chính địa phương.

Giai đoạn 2019 – 2020, sản phẩm mỳ gạo Tử Nê được lựa chọn tham gia chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Bắc Ninh, sản phẩm này sẽ có những bước phát triển mới, tạo chỗ đứng trên thị trường tiêu thụ trong nước cũng như tiến xa hơn là xuất khẩu. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo thương hiệu sản phẩm nông sản, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh./.