Người phụ nữ thành công từ cây nấm

31/10/2018 09:00

(BNP) - Với tổng diện tích trồng nấm khoảng 2.000 m2, mỗi ngày cơ sở sản xuất nấm của chị Trần Thị Bình (sinh năm 1965) ở thôn Bái Uyên, xã Liên Bão, huyện Tiên Du đưa ra thị trường khoảng 70-80 kg nấm tươi, hỗ trợ việc làm thường xuyên cho 8-10 người với thu nhập bình quân đầu người khoảng 5-6 triệu đồng mỗi tháng.

Cơ sở sản xuất nấm của chị Trần Thị Bình, thôn Bái Uyên, xã Liên Bão, huyện Tiên Du.

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất nấm, chị Bình cho biết, hiện nay cơ sở sản xuất gồm khu chứa, xử lý nguyên liệu, nhà đóng bịch với hệ thống lò hơi thanh trùng, nhà nuôi mộc nhĩ, nấm sò, linh chi… được thiết kế bài bản, khoa học. Vụ nấm năm nay, cơ sở của chị xuất ra thị trường từ 25-30 tấn nấm các loại (10.000 bịch nấm sò, 12.000 bịch mộc nhĩ và 5.000 bịch linh chi), trừ chi phí lãi khoảng từ 500- 600 triệu đồng mỗi năm.

Chị Bình chia sẻ, cơ duyên dẫn chị đến với nghề trồng nấm đó là vào năm 2011, khi các con chị đã trưởng thành và có công việc riêng, với vai trò là Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Bái Uyên, chị mong muốn có một nghề gì đó mang về quê hương để giúp gia đình, giúp các chị em nơi đây thoát nghèo. Nhận thấy, nấm là cây trồng có thể mang lại hiệu quả kinh tế, chị đã tìm đến với nghề trồng nấm từ lớp dạy nghề của Trung tâm dạy nghề huyện Tiên Du. Năm 2012, được sự tư vấn, giúp đỡ về kỹ thuật của các chuyên gia nấm Viện Di truyền nông nghiệp, chị đã trồng thử 600 bịch nấm sò, 700 bịch nấm linh chi, 200 bịch nấm sò hương, chủ yếu để gia đình ăn và một phần bán cho học viên trong Trường Đại học Chính Trị. Đến năm 2014, chị Bình quyết định xây dựng cơ sở trồng nấm với diện tích ban đầu khoảng 1.000 m2 và các sản phẩm chủ lực thời điểm đó là: sò, sò hương, nấm rơm, linh chi, mộc nhĩ… Nguồn tiêu thụ chủ yếu là do các thương lái về tận nơi để lấy hàng.

Năm 2015, khi cơ sở trồng nấm đi vào hoạt động ổn định, không may khi chị phát hiện mình bị ung thư vú. Thời điểm đó, mọi thứ đối với chị dường như sụp đổ, chị đi chạy chữa hết tất cả các Bệnh viện. Sau khi được các Bác sĩ phẫu thuật, trị xạ, chị về điều trị tại nhà. Những lúc cơn đau hành hạ, chị lại đến cơ sở sản xuất, tham gia làm việc để quên đi những cơn đau bệnh tật. Thật may mắn là sau khi phẫu thuật và sau những lần trị xạ, các tế bào ung thư của chị không bị di căn, sức khỏe của chị dần hồi phục.

Khi sức khỏe ổn định, chị Bình mong muốn không chỉ một mình chị thoát nghèo mà còn giúp đỡ, vận động các chị em phụ nữ khó khăn trong thôn cùng mở rộng mô hình trồng nấm để vươn lên thoát nghèo. Đầu năm 2018, chị Bình đã thành lập Hợp tác xã (HTX) trồng nấm và rau sạch Tâm Bình với 8 thành viên và áp dụng sản xuất nấm theo quy trình VietGAP.

Dự định của chị Bình trong năm 2019 là mở rộng cơ sở sản xuất nấm, xây dựng thêm từ 2 đến 3 xưởng sản xuất riêng biệt chuyên sản xuất phôi nấm nhằm giảm thiểu vi khuẩn, nấm mốc làm hỏng nấm.

Với việc áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời tận dụng được nguồn rơm, rạ sau thu hoạch, nghề trồng nấm ngày càng được mở rộng và phát triển trên địa bàn huyện Tiên Du. Mô hình sản xuất nấm của chị Bình trở thành điểm sáng cho những hộ trồng nấm khác trong tỉnh đến thăm quan và học tập kinh nghiệm.

 
Với bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo trong sản xuất, chị Trần Thị Bình đã vinh dự nhận giải Xuất sắc Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với Đề án “Áp dụng khoa học kỹ thuật trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGap”; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2018.
N.N