Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ đầu năm 2021
(BNP) - Dịp Quốc khánh được nghỉ 2 ngày, cấm dịch vụ đòi nợ, quy định mới về tuổi nghỉ hưu, rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng, 7 nhóm đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp... là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 1/2021.
Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang y tế từ ngày 22/1.
Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang y tế
Thông tư 44/2020/TT-BCT của Bộ Công thương quy định việc Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch có hiệu lực từ ngày 22/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Đối tượng áp dụng bao gồm: Thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa; các tổ chức, cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.
Theo Thông tư, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch. Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch đã làm thủ tục hải quan tạm nhập trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ - CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định hiện hành.
Dịp Quốc khánh được nghỉ 2 ngày
Bộ luật Lao động năm 2019 với 17 chương, 220 điều có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Bộ Luật mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả người lao động có quan hệ lao động và người lao động không có quan hệ lao động, ở cả khu vực chính thức và khu vực phi chính thức.
Theo điều 112 của Bộ luật, dịp Quốc khánh người lao động được nghỉ 2 ngày (ngày 2/9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau) vẫn hưởng nguyên lương.
Như vậy, tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong năm là 11 ngày. Trong đó, Tết Dương lịch nghỉ 1 ngày; Tết Âm lịch nghỉ 5 ngày; Thống nhất đất nước 30/4 nghỉ 1 ngày; Quốc tế lao động 1/5 nghỉ 1 ngày; Quốc khánh nghỉ 2 ngày; Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) nghỉ 1 ngày.
Rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định nhiều điểm mới như bổ sung công trình được miễn giấy phép, rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng.
Theo đó, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.
Như vậy, thời gian cấp giấy phép xây dựng được rút ngắn từ 30 ngày như hiện nay xuống còn 20 ngày.
Luật cũng bổ sung một số công trình được miễn giấy phép xây dựng như công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Bổ sung một số loại dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường như dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; dự án PPP; dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng.
7 nhóm đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Theo quy định, 7 nhóm đối tượng thuộc tổ chức, cá nhân dưới đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
Cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức…
Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác; Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân…
Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, quy định rõ ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, Luật đầu tư năm 2020 cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, kinh doanh pháo nổ, kinh doanh mại dâm, hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người. Luật cũng cấm kinh doanh Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên…
Quy định mới về tuổi nghỉ hưu
Nghị định 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:
Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.