Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Quan họ

02/05/2012 10:12
Bắc Ninh, vùng đất văn hiến, có bề dày truyền thống văn hóa, “xứ sở của lễ hội”, “quê hương của nhiều thủy tổ”, nơi có hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là Dân ca Quan họ và Ca trù.
Lễ hội Kinh Dương Vương (Thuận Thành).
Bắc Ninh còn được xem là đất trăm nghề với nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng… Đó chính là tài nguyên du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
 
Tuy nhiên, thời gian qua, những sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn chưa thực sự tạo được thương hiệu riêng có. Vì thế, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Ninh giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đã xác định rõ việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc miền Quan họ, đa dạng và chuyên sâu, tạo nên sự độc đáo và khác biệt, có chất lượng và thương hiệu, tăng sức cạnh tranh một cách bền vững.
 
Các sản phẩm du lịch đặc thù được tập trung ưu tiên phát triển trong thời gian tới là: hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên hoạt động giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị của Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại qua loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, trải nghiệm khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử làng quê miền Quan họ tại xã Hòa Long (thành phố Bắc Ninh), du lịch các làng Quan họ cổ gắn với du ngoạn sông Cầu, trảy hội Lim (Tiên Du)… Phát triển các sản phẩm mà tài nguyên là những giá trị kiến trúc nghệ thuật, dấu ấn văn hóa lịch sử độc đáo của hệ thống đình, đền, chùa như: Du lịch văn hóa tâm linh, hành hương về với tổ tiên Đại Việt ở Đền và Lăng Kinh Dương Vương, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, thành Luy Lâu (Thuận Thành), Đền Đô (thị xã Từ Sơn), đền Bà Chúa Kho; du lịch sinh thái tâm linh chùa Phật Tích - núi Lạn Kha (Tiên Du)… hoặc trải nghiệm chiến trường lịch sử chống quân Tống tại chiến tuyến Như Nguyệt (Yên Phong). Bên cạnh đó là khai thác, hình thành sản phẩm du lịch tham quan tìm hiểu về các danh nhân lịch sử và cách mạng của quê hương, dân tộc, các làng nghề truyền thống như: tranh Đông Hồ, gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái.
 
Phát triển các sản phẩm du lịch từ Di sản Dân ca Quan họ tạo nên nét đặc trưng, riêng có của du lịch Bắc Ninh.
 
Ngoài ra, Bắc Ninh còn chú trọng nhóm sản phẩm du lịch đặc thù thông qua các hoạt động trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá, tìm hiểu của du khách như: du lịch cộng đồng nghỉ tại nhà dân và các chương trình du khảo đồng quê làng Việt với các khu du lịch: Làng Việt ở Vạn Ninh (Gia Bình) gắn với các tour du khảo đồng quê dọc sông Đuống từ Bãi Nguyệt Bàn (Gia Bình) đến lăng Kinh Dương Vương (Thuận Thành), kết nối với khu du lịch đô thị Rồng Việt (Gia Bình) là một đô thị du lịch vui chơi giải trí và mua sắm lớn không chỉ của Bắc Ninh mà còn của toàn vùng; du lịch sinh thái, vui chơi cuối tuần tại khu Lâm viên Thiên Thai (Gia Bình); hay khu du lịch - vui chơi giải trí - thể thao hiện đại kết hợp với sinh thái rừng cảnh quan, du lịch tín ngưỡng đạt tầm cỡ khu vực Đồng bằng sông Hồng như ở núi Dạm (thành phố Bắc Ninh) hoặc Đền Đầm (Từ Sơn)…
 
Có thể nói, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, riêng có của Bắc Ninh trong thời gian tới đã được đặt ra như một chiến lược quan trọng để sớm đưa tỉnh nhà trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và của cả nước, tương xứng với tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập và phát triển.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn: BBN