Sơ kết các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021- 2025
(BNP) - Sáng 28/8, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2025 tổ chức Phiên họp thứ 4 dưới hình thức trực tuyến nhằm sơ kết tình hình thực hiện các chương trình MTQG từ năm 2021 đến nay và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025 chủ trì.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.
Tham dự tại điểm cầu Bắc Ninh có đồng chí Vương Quốc Tuấn, Uỷ viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các Sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Bắc Ninh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2021-2023, tổng vốn nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ, giao các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện 3 chương trình MTQG (xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững) là hơn 83.000 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư công là hơn 48.000 tỷ đồng; kinh phí sự nghiệp là hơn 35.000 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 của các chương trình (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt khoảng hơn 16.000 tỷ đồng (đạt 47,81% kế hoạch).
Từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ giảm nghèo bình quân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước đạt 3,4% (cao hơn so với mục tiêu 3% kế hoạch giao); ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến năm 2023 còn 2,93%, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020); 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại điểm cầu Bắc Ninh.
Tại Phiên họp, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình MTQG trong thời gian tới.
Tại tỉnh Bắc Ninh, mặc dù không được phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện các chương trình MTQG, song tỉnh luôn chủ động cân đối từ các nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện bố trí lồng ghép vào các nhiệm vụ chi hỗ trợ tổ chức triển khai các chương trình, dự án nhằm đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình về xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững. Hiện nay, Bắc Ninh có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số xã, huyện trong tỉnh đã và đang triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu; có 09 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bắc Ninh cũng đang đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo; người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục và đào tạo, nước sạch, nhà ở, thông tin truyền thông, vốn vay ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn tìm kiếm việc làm, trợ giúp pháp lý... bảo đảm có cuộc sống ổn định.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; đặc biệt, phát huy vai trò của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện mục tiêu, kế hoạch đã đề ra của từng chương trình. Nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó tiếp tục đề xuất các ý kiến, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ những bất cập, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình MTQG.
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, các địa phương cần phát huy tính chủ động trong quá trình triển khai thực hiện; linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn để thúc đẩy tiến độ giải ngân và phát huy hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình MTQG trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025 để phục vụ Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội.
Ngay sau hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn yêu cầu các Sở, ban, ngành địa phương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Riêng với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, cần bố trí nguồn lực cho công tác giảm nghèo, đặc biệt là có những chính sách ưu đãi hơn nữa cho người nghèo liên quan đến xây dựng nhà, y tế, giáo dục, điện… góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.