Tăng cường giám sát, điều trị phòng, chống dịch bệnh cúm mùa
(BNP) – Sở Y tế vừa ban hành văn bản số 1847/SYT-NVY về việc tăng cường giám sát, điều trị phòng, chống dịch bệnh cúm mùa.
Ảnh minh họa.
Hiện nay, dịch bệnh cúm mùa tại tỉnh đang có xu hướng gia tăng, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 500 trường hợp mắc cúm. Số ca mắc cúm mùa có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong tháng 6 và đầu tháng 7/2022, các trường hợp đi khám và điều trị cúm mùa tại một số bệnh viện tăng, trong đó ghi nhận một số trường hợp diễn biến nặng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong do cúm mùa.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm mùa, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đầu mối thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch cúm mùa trong nước và trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo và tham mưu cho Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo chuyên môn các đơn vị trong ngành, cơ sở y tế ngoài công lập triển khai công tác phòng, chống cúm mùa phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.
Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch cúm mùa bằng nhiều hình thức để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh; lồng ghép tuyên truyền cho người dân tích cực đến các điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 và tiêm vắc xin phòng cúm là biện pháp chủ động phòng bệnh hiệu quả nhất.
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn về giám sát dịch cúm mùa và dịch bệnh khác cho các đơn vị y tế trên địa bàn; kiểm tra, giám sát các đơn vị liên quan triển khai biện pháp phòng, chống cúm và các bệnh truyền nhiễm theo quy định. Phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường giám sát, xét nghiệm phát hiện sớm những trường hợp nghi mắc cúm mùa và các chủng cúm khác đang lưu hành tại cộng đồng, khu công nghiệp tập trung, cơ sở giáo dục.
Các đơn vị khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh cúm mùa và một số bệnh thường gặp khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi,... cho cán bộ y tế, đặc biệt các bác sỹ, điều dưỡng tại các khoa Khám bệnh, Truyền nhiễm, Hồi sức cấp cứu, Nhi,... Theo dõi sát và xử trí kịp thời những diễn biến bất thường; thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới trong việc xử trí, cấp cứu, điều trị và chăm sóc người bệnh…
Duy trì hoạt động đường dây nóng tại các đơn vị khám chữa bệnh, thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn và yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Khi phát hiện ca bệnh phải thông báo ngay cho các cơ sở y tế dự phòng cùng cấp để phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch.