Thiết lập và quản lý mã số vùng trồng đối với nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh

02/08/2023 07:30

(BNP) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND về thiết lập và quản lý mã số vùng trồng đối với nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025.

Vùng trồng cà rốt tập trung tại xã Minh Tân, huyện Lương Tài.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tạo động lực phát triển các vùng trồng cây chủ lực của tỉnh, nhất là tại các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông sản chất lượng cao phục vụ tiêu thụ nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Thiết lập mã số vùng trồng góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, cấp ít nhất 21 mã số cho các vùng trồng nông sản chủ lực đủ điều kiện, đặc biệt là tại các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Để đạt được mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ sở, doanh nghiệp, HTX và các hộ dân về mã số vùng trồng đối với nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh. Tổ chức công bố kết quả quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên Đài PT-TH tỉnh, Báo Bắc Ninh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, các hệ thống mạng xã hội (Zalo, Facebook…), website của Sở Nông nghiệp và PTNT và hệ thống Đài truyền thanh cấp huyện, xã.

Tổ chức các hội nghị tập huấn cho cán bộ quản lý nông nghiệp các cấp, tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất nông sản tập trung về chính sách phát triển các vùng trồng cây chủ lực, hồ sơ cấp các mã số vùng trồng nông sản tập trung theo quy định. Hướng dẫn quy trình thiết lập, cấp, quản lý, kiểm tra, giám sát các mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu lĩnh vực trồng trọt cho các tổ chức, cá nhân. Rà soát, thống kê các vùng sản xuất tập trung, ưu tiên cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện như: Các vùng sản xuất đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các mã số vùng trồng đã được cấp. Trong đó, trọng tâm là kiểm tra việc tuân thủ các quy định về vùng trồng: Thông tin vùng trồng, giống cây trồng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình quản lý sinh vật hại. Cập nhập các thay đổi tại vùng trồng về người đại diện, diện tích, sản lượng thu hoạch. Tổ chức lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại mã số vùng trồng trước khi thu hoạch.

H.T