Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 01 năm 2018.

23/01/2018 15:19

Theo Báo cáo của Cục Thống kê ngay từ đầu tháng 1 các giải pháp, hỗ trợ mà UBND tỉnh đề ra đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ và nghiêm túc, tình hình kinh tế diễn ra trong điều kiện thuận lợi, sản xuất nông nghiệp được mở rộng theo hướng tăng quy mô sản xuất các loại cây, con chất lượng cao; sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng cao so cùng tháng năm trước; các ngành kinh tế tiếp tục được mở rộng về quy mô, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. An sinh xã hội được quan tâm, nhất là nhóm đối tượng chính sách, hộ nghèo, người già và trẻ em cô đơn,... tình hình xã hội cơ bản ổn định, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững cụ thể:

 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Nông nghiệp: Sản xuất vụ đông: Sản xuất vụ Đông năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, giá vật tư ổn định và được tỉnh tiếp tục ưu tiên triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích các loại cây trồng chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, còn có thêm nhiều DN trong và ngoài tỉnh đã đầu tư vào các mô hình ứng dụng CNC. Tính chung, toàn tỉnh gieo trồng được 7.211,5 ha cây vụ đông đạt 96% kế hoạch và giảm 2,5% so với cùng kỳ. Trong đó, cây ngô 877,1 ha đạt 79,7% và giảm 20,5%; rau các loại 5.817 ha, tăng 0,5%; trong đó, khoai tây 1.980,8 ha, đạt 99% và tăng 3,8%; cây cà rốt 1.028,0 ha, đạt 102,8% và tăng 5,5%... Hiện nay, đang tích cực thu hoạch các cây vụ đông chính vụ để giải phóng đất cho sản xuất vụ xuân. Bước đầu cho thấy các cây trồng đều đạt năng suất cao hơn năm trước. Sản xuất vụ xuân: Với mục tiêu gieo trồng 38.900 ha cây hàng năm, trong đó có 34.500 ha lúa, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngành Nông nghiệp hướng dẫn các địa phương tập trung nguồn lực, mở rộng tối đa trà xuân muộn, phấn đấu gieo cấy 19.850 ha lúa năng suất, chất lượng cao, ngắn ngày; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo hướng cùng gieo, cùng cấy, cùng giống hoặc các giống có thời gian sinh trưởng tương đương. Hiện nay, các địa phương đã cơ bản thực hiện xong tháng chiến dịch cải tạo đất, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy và từ ngày 16/01 đã tiến hành lấy nước đổ ải đợt 1 theo thông báo của các hồ thủy điện. Đến ngày 10/01/2018, toàn tỉnh đã cày ải được 26.082 ha, đạt 75,6% diện tích kế hoạch và bằng 93,1% so với cùng kỳ; gieo 198 ha mạ; cung ứng 90.545 kg giống lúa. Bên cạnh đó, nông dân cũng trồng được 673,9 ha cây rau màu vụ xuân, trong đó ngô 172,7 ha, hoa cây cảnh 186,2 ha, còn lại là rau các loại.

b) Chăn nuôi và hoạt động thú y: Là tháng giáp Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm gia súc, gia cầm tăng cao, nhưng do đàn lợn chưa kịp khôi phục sau thời gian sụt giảm, nên việc vận chuyển, buôn bán lợn không rõ nguồn gốc có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng thời tiết giao mùa, với mưa ẩm đã tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển. Ngày 08/01/2018, đã xuất hiện dịch bệnh LMLM trên đàn lợn tại 1 hộ gia đình thuộc phường Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh. Để đảm bảo dịch bệnh không lây lan trên diện rộng, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 21 con lợn (tổng trọng lượng 882 kg) mắc bệnh theo đúng quy định, đồng thời sử dụng 30 lít  hóa chất và 08 tấn vôi bột vệ sinh khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực hộ có dịch và khu vực lân cận. Đến ngày 18/1/2018, không phát sinh thêm ổ dịch mới. Ước tính, đến cuối tháng toàn tỉnh có 2.372 con trâu, tương đương cùng kỳ, đàn bò 30.800 con, giảm 5,2% (-1.700 con); đàn lợn 356.902 con, giảm 6,6% (-25.242 con); đàn gia cầm có 5.280 nghìn con, tăng 1,4% (+71 nghìn con), trong đó đàn gà 4.177 nghìn con, tăng 1,5% (+61 nghìn con).

c) Lâm nghiệp: Trong tháng, các địa phương, các hộ được giao đất, giao rừng, tiếp tục chăm sóc rừng và gieo ươm bổ sung cây giống lâm nghiệp, cây ăn quả để chuẩn bị trồng rừng, trồng cây phân tán theo kế hoạch cả năm 2018; đồng thời bắt đầu triển khai trồng cây phân tác và tích cực chuẩn bị hiện trường, phục vụ Tết trồng cây đầu xuân Mậu Tuất trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Công tác quản lý bảo vệ rừng được coi trọng, nhất là công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nên không xảy ra hiện tượng cháy rừng. Trong tháng, toàn tỉnh trồng được 26 nghìn cây phân tán các loại, khai thác 350 m3 gỗ giảm 2,2% so với cùng kỳ và 480 ste củi, giảm 2%. Sản lượng gỗ củi khai thác chủ yếu là ở cây trồng phân tán đến tuổi thu hoạch trên các trục đường giao thông, trong vườn tạp của các hộ gia đình, bờ mương và một số tuyến đường cần giải phóng mặt bằng để nâng cấp.

d) Thuỷ sản: Giá bán các loại sản phẩm thuỷ sản tăng, nhu cầu tiêu dùng cao, nên nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục được đầu tư, nhất là nuôi cá lồng bè trên sông. Ước tính đến cuối tháng 01, diện tích nuôi trồng thủy sản còn 5.230 ha, giảm 5 ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác 3.086 tấn, tăng 0,2% (+6 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 2.991 tấn, tăng 0,4% (+11 tấn); sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 95 tấn, giảm 5% (-5 tấn).

2. Sản xuất công nghiệp

a) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Là tháng đầu năm 2018, theo thống kê hầu hết các doanh nghiệp đều trong giai đoạn chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất cả năm, nên sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được đẩy nhanh, giảm so tháng 12 năm trước. Tuy nhiên, tháng cùng kỳ năm trước (tháng 01/2017) công nghiệp đang còn trong giai đoạn khó khăn do dòng điện thoại Samsung Not 7 bị lỗi phải thu hồi, nên sản xuất công nghiệp tháng 01 năm nay vẫn tăng rất cao so cùng kỳ năm trước. Tính chung, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 12,8% so tháng trước tăng tới 47,1% so cùng tháng năm trước. Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo có 5/11 ngành tăng so với tháng trước là ngành sản xuất và chế biến thực phẩm (+0,2%); ngành SX trang phục (+19,1%); chế biến gỗ và SXSP từ gỗ (+3,6%); in, sao chép bản ghi (+0,7%) và ngành sản xuất máy móc (+0,7%). Còn lại 15/20 ngành giảm với mức giảm chênh lệch nhau khá lớn từ 45,7% đến 1%. Tuy nhiên, so cùng tháng năm trước lại có 15/20 ngành đạt mức tăng trưởng dương, trong đó tăng cao nhất là ngành SXSP điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+53,4%). Sở dĩ ngành SXSP điện tử tăng cao so với cùng tháng năm trước là do Công ty TNHH SDV đã đồng bộ dây chuyền sản xuất mới và đi vào sản xuất ổn định từ tháng 8/2017; các dòng điện thoại thường, máy in laze, in-copy nâng cao được chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ, mức sản xuất tăng khá cao so cùng kỳ…Điều đáng chú ý nữa, đó là sản xuất của nhiều ngành công nghiệp truyền thống của khu vực trong nước sau thời kỳ khôi phục đã đạt mức tăng trưởng khá trong tháng 1, như sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 38,7% so cùng kỳ, sản xuất kim loại tăng 7,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 16,3%, giấy các loại tăng 21,3%; sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại tăng 6,4%... góp phần làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 tăng cáo so cùng kỳ.

b) Giá trị sản xuất: Theo giá so sánh 2010, GTSX tháng 1 ước đạt 69.023,6 tỷ đồng, giảm 12% so tháng trước và tăng 41,7% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 68.919,5 tỷ đồng, chiếm 99,8%, giảm 12% và tăng 41,7%; ngành SX và PP điện, khí đốt đạt 53,7 tỷ đồng, giảm 5,7% và tăng 20,7%; ngành cung cấp nước và hoạt động xử lý rác thải đạt 50,4 tỷ đồng, tăng 0,6% và tăng 40,4%. GTSX ngành công nghiệp tiếp tục tăng cao so cùng tháng năm trước là do trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, GTSX ngành SXSP điện tử chiếm tỷ lệ lớn (trên 80%) và tăng cao (+53%) so với cùng tháng năm trước. Trong đó, riêng công ty TNHH SDV có doanh thu tháng 01/2018 ước đạt 48 nghìn tỷ, gấp 5 lần so cùng tháng năm trước. Ngoài ra, một số sản phẩm các ngành truyền thống trong tỉnh cũng tăng khá cao như đã nêu ở trên.

3. Đầu tư

a) Vốn đầu tư: Năm 2018, kế hoạch phân bổ vốn được thông qua với mức vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách cấp tỉnh chiếm 70%, ngân sách cấp huyện chiếm 15,4% và ngân sách cấp xã là 14,6%. Tháng 01/2018, là đầu năm, lại là tháng giáp Tết Nguyên đán, vốn đầu tư thực hiện chủ yếu từ các công trình chuyển tiếp từ năm trước và mức giải ngân hạn chế, nên đạt thấp. Tổng vốn đầu tư từ ngân sách do địa phương quản lý tháng này ước đạt 291,6 tỷ đồng, giảm 4,5% so tháng trước nhưng vẫn tăng 26,5% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 173,8 tỷ đồng, giảm 2,4% và tăng 19,7%. Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 65,7 tỷ đồng, giảm 9,7% và tăng 75,1%. Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 29,7 tỷ đồng, giảm 7,5% và tăng 13,3%.

b) Hoạt động cấp phép đầu tư: Kết thúc năm 2017, Bắc Ninh đã thu hút được 192 dự án FDI và tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 3.346,6 triệu USD vượt xa kế hoạch đề ra (750 triệu USD). Trong đó, có 167 dự án công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn là 3.334,5 tỷ đồng. Lũy kế đến 31/12/2017, toàn tỉnh thu hút được 1.144 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 15.801,3 triệu USD. Năm 2018, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đặt mục tiêu trọng tâm hàng đầu là tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất, theo sát, phục vụ tối ưu nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đó, ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp như: Tập trung ưu tiên, cải thiện cơ sở hạ tầng, tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, bảo đảm công khai minh bạch, nâng cao tính cạnh tranh, công bằng trong hoạt động đầu tư, kinh doanh....Với nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, Bắc Ninh sẽ tiếp tục là một trong những tỉnh dẫn đầu về thu hút đầu tư.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ: Giáp Tết Nguyên đán, thị trường hàng hoá sôi động, đa dạng về mẫu mã chủng loại, chất lượng; mức tiêu thụ nhiều loại hàng hoá tăng mạnh, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm; giá bán cơ bản ổn định. Với mục tiêu kiểm soát tốt lạm phát, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành như quản lý thị trường, công an, thuế, vệ sinh an toàn thực phẩm, đo lường chất lượng tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo đủ lực lượng hàng hoá để phục vụ tiêu dùng trước, trong và sau Tết, bình ổn giá cả thị trường không để xảy ra hiện tượng khan hiếm, “sốt” hàng và tăng giá đột biến. Tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 1 ước đạt 3.297,4 tỷ đồng, tăng 2,5% so tháng trước và tăng 13,1% so cùng tháng năm trước. Trong đó, kinh tế cá thể đạt 2.164,8 tỷ đồng, tăng 3,3% và tăng 11%; khối doanh nghiệp tư nhân đạt 1.096,8 tỷ đồng, tăng 1% và tăng 17,5%. Theo nhóm hàng, hầu hết các nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn đều tăng khá so tháng trước và tăng hai con số so với cùng tháng năm trước, như: lương thực, thực phẩm (+3,4% và +10,2%); hàng may mặc (+3,8% và +10,4%); đồ dùng dụng cụ và trang thiết bị gia đình (+2,7% và +15,7%); ô tô các loại (+2% và +30,5%); phương tiện đi lại khác (+0,5% và +16,9%). Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống tháng 1/2018 đạt 465 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 12,1% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng này tăng khá do nhu cầu ăn uống liên hoan tổng kết, cưới hỏi,... phát sinh nhiều hơn. Trong đó, doanh thu lưu trú đạt 26,9 tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 22,7%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 438,1 tỷ đồng, tăng 2,2% và tăng 11,5%. Trong khi đó, các hoạt động dịch vụ khác có xu hướng chững lại, tổng doanh thu tháng 01 ước đạt 541,2 tỷ đồng, tăng 0,9% so tháng trước và tăng 7,6% so cùng tháng năm trước. Trong đó, kinh tế tư nhân đạt 226,3 tỷ đồng, chiếm 41,8%, tăng 0,6% tháng trước và tăng 11,9% so cùng kỳ năm trước. Một số ngành có mức tăng 2 con số so cùng kỳ năm trước nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ nên tác động không lớn đến kết quả chung, như:  hành chính và dịch vụ hỗ trợ (chiếm 12,7% và +14,9%); giáo dục và đào tạo (chiếm 1,6% và +19,6%); nghệ thuật vui chơi giải trí (chiếm 2,8% và +25,1%) và sửa chữa đồ dùng cá nhân và gia đình (chiếm 3% và +17,3%).

b) Tình hình giá cả: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND tỉnh, Sở Công thương đã phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết theo chương trình bình ổn thị trường, triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá, nên đã góp phần giảm áp lực tăng giá thị trường. Theo Quyết định số 1740/QĐ-UBND, ngày 30/11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc hỗ trợ 50,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cho 3 doanh nghiệp vay với mức lãi suất 0% để tích trữ 10 mặt hàng thiết yếu. Những mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá gồm: Gạo các loại, trứng gia cầm, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn, bánh kẹo các loại, mứt Tết các loại, nước ngọt, đường kính, bột canh Iốt… Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng của dân cư dịp Tết Nguyên đán gia tăng, nên giá cả một số nhóm, mặt hàng có xu hướng tăng. Tính chung tháng 01, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,38% so với tháng trước do nhóm lương thực tăng 1,34% (do gạo tăng 2,48%); thực phẩm tăng 0,12% (do thịt gia súc tươi sống tăng 0,39%, trứng tăng 0,17%, nhưng nhóm rau tươi lại giảm 1,1%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,29% (do rượu bia tăng 0,37% và thuốc hút tăng 0,26%); nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,28% (do quần áo may sẵn tăng 1,84%); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,72% (do điện sinh hoạt tăng 2,35% và vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,56%); nhóm giao thông tăng 1,4% (do giá dầu hai lần tăng giá, nên giá nhiên liệu tăng 3,64%). So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 0,45%, thấp hơn mức tăng 5,47% của tháng 01/2017. Điều này cho thấy, mặt bằng giá cả trên địa bàn tỉnh đã giữ ổn định ở mức thấp, góp phần kích cầu tiêu thụ hàng hóa của dân cư. Giá vàng và giá đô la Mỹ cũng có xu hướng biến động tăng nhẹ do nhu cầu mua sắm vàng trang sức trong mùa cưới và trong dịp Tết Nguyên đán của dân cư gia tăng.

c) Xuất, nhập khẩu: Hoạt động ngoại thương tiếp tục biến động cùng xu hướng với sản xuất công nghiệp. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 01/2018 ước đạt 3.455,1 triệu USD, tuy giảm 17% so tháng trước nhưng vẫn tăng rất cao so cùng tháng năm trước (gấp 2,6 lần). Trong  đó, khu vực FDI, chiếm 99%, giảm 16,3% và gấp 2,6 lần. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 2.962,3 triệu USD, giảm 24,9% so tháng trước và gấp 2,6 lần so cùng tháng năm trước. Trong đó, kim ngạch của khu vực FDI đạt 2.880,6 triệu USD, chiếm 98,6%, giảm 25,5% và tăng gấp 2,6 lần. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là nguyên, phụ liệu dùng cho sản xuất là chất dẻo đạt, sắt, thép, kim loại thường, gỗ, linh kiện điện tử các loại, chủ yếu phục vụ lắp ráp điện thoại di động… Dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng tới sẽ đạt thấp hơn và tiếp tục giảm so tháng 01, nhưng vẫn tăng cao so cùng tháng năm trước.

5. Giao thông vận tải

a) Hoạt động kinh doanh vận tải: Là tháng giáp Tết, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại làm ăn và mua sắm của dân cư tăng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải cũng gia tăng về số lượng, lượt phương tiện, cải thiện về chất lượng vận chuyển để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh. Vận tải hành khách, khối lượng vận chuyển ước đạt 1.617 nghìn HK, tăng 1% so tháng trước và tăng 11,2% so cùng tháng năm trước; luân chuyển ước đạt 77,1 triệu HK.km, tăng 1% và tăng 11,2%. Trong đó, ngành đường bộ vận chuyển 1.476 nghìn HK và luân chuyển 77 triệu HK.km. So với tháng trước tăng 1,1% về vận chuyển và tăng 1% về luân chuyển. So cùng tháng năm trước, tăng 11,8% và tăng 11,2%. Doanh thu vận tải hành khách tháng 01 ước đạt 103,1 tỷ đồng, tăng 1,1% so tháng trước và tăng 11,8% so cùng tháng năm trước. Vận tải hàng hóa, khối lượng vận chuyển ước đạt 3.144 nghìn tấn, tăng 1,1% và tăng 17,4%; khối lượng luân chuyển ước đạt 153 triệu tấn.km, tăng 1% và tăng 16,4%. Trong đó, ngành đường bộ đạt 63,1 triệu tấn.km, tăng 1,2% và tăng 17,7%; ngành đường sông đạt 89,8 triệu tấn.km, tăng 0,8% và tăng 15,6%. Doanh thu vận chuyển hàng hoá tháng 1 ước đạt 227,3 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.

b) Tình hình an toàn giao thông: Năm 2017, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình trật tự ATGT trong toàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục giảm ở cả 3 tiêu chí. Toàn tỉnh xảy ra 113 vụ, làm chết 85 người, bị thương 44 người. So với năm 2016 giảm 7 vụ (5,8%), 5 người chết (5,6%) và 3 người bị thương (6,4%); các lực lượng công an đã xử lý hơn 27 nghìn trường hợp vi phạm Luật Giao thông, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 21 tỷ đồng. Hướng đến mục tiêu TNGT giảm từ 5- 10% trên cả 3 tiêu chí, năm 2018, Ban ATGT tỉnh triển khai năm ATGT với chủ đề: “An toàn giao thông cho trẻ em” nhằm nâng cao ý thức và tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là thanh, thiếu niên.  Ban ATGT tỉnh tiếp tục bám sát nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác bảo đảm trật tự ATGT, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. Hiện nay, các lực lượng công an đang phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương rà soát các bất cập trong tổ chức giao thông, các điểm đen tai nạn để có biện pháp khắc phục kịp thời; đồng thời siết chặt quản lý phương tiện và người lái, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự ATGT trước, trong, sau Tết nguyên đán Mậu Tuất.

6. Tài chính: Năm 2018, HĐND tỉnh đã thông qua kế hoạch thu ngân sách Nhà nước là 23.861 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thực hiện năm 2017 và mức KH này cao hơn 26,1% so với KH 2017. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ tháng đầu năm, Cục Thuế, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai giao dự toán thu NSNN sớm đến các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung thu ở khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và các dự án bất động sản mới. Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 1 ước đạt 4.283,7 tỷ đồng, tăng 69,3% so cùng tháng năm trước. Trong đó, thu từ DNNN trung ương là 122 tỷ đồng, tăng 69,3%; thu từ khu vực DN FDI đạt 2.221 tỷ đồng, gấp 2,1 lần; thu thuế ngoài quốc doanh 345 tỷ đồng, tăng 48,7%; Riêng thu thu tiền sử dụng đất và thu thuế thu nhập cá nhân đã được ngành Thuế ở các địa phương triển khai đồng loạt với nhiều biện pháp nên đã thu được 228 tỷ đồng với tiền sử dụng đất, tăng 18,8% và thu thuế thu nhập cá nhân 710 tỷ đồng, gấp 2,6 lần. Thu từ hải quan đạt 491,7 tỷ đồng, tăng 6,9%. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 952,9 tỷ đồng, giảm 10,3% so với tháng trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 219 tỷ đồng, giảm 48,5%; chi thường xuyên đạt 681,1 tỷ đồng, tăng 13,1%...

7. Ngân hàng - Tín dụng: Để đáp ứng nhu cầu chi tiêu tiền mặt đang tăng mạnh của khách hàng và người dân trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, ngành Ngân hàng đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, chuẩn bị tốt các phương án cung ứng tiền mặt; thường xuyên kiểm tra hệ thống máy ATM nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn, ổn định. Tổng thu tiền mặt tháng 1 ước đạt 36.000 tỷ đồng, tăng 12,1% so cùng tháng năm trước, tổng chi tiền mặt là 35.250 tỷ đồng, tăng 11,4%. Bội thu tiền mặt là 750 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhu cầu chi tiêu gia tăng, nên nguồn vốn huy động có xu hướng giảm so với thời điểm cuối năm 2017. Tổng nguồn vốn huy động vốn đến cuối tháng 1 ước đạt 87.016 tỷ đồng, tuy giảm 4% so tháng trước, nhưng vẫn tăng 20,6% so cùng tháng năm trước. Trong đó, tiền gửi của cá nhân đạt 53.218 tỷ đồng, tăng 0,8% và tăng 27,1%; tiền gửi của các tổ chức đạt 31.132 tỷ đồng, giảm 11,5% và tăng 17,5%. Sở dĩ, nguồn tiền gửi của tổ chức giảm là do đây là tháng giáp Tết Nguyên đán nên các tổ chức kinh tế tập trung vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết và thanh toán các khoản thu nhập cho người lao động... Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 1 ước đạt 68.553 tỷ đồng, giảm 2,1% so tháng trước và tăng 18,7% so cùng tháng năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 60,7%, giảm 0,8% và tăng 23,3%. Nợ xấu trên địa bàn là 570 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,83% trên tổng dư nợ, trong đó chủ yếu là nợ của các doanh nghiệp (chiếm hơn 60%).

8. Một số vấn đề xã hội nổi bật

a) Hoạt động y tế: Thời tiết trong thời kỳ giao mùa, lại có đợt rét đậm diễn ra nên đã phần nào ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng chống và tổ chức các đợt khám theo hồ sơ sức khỏe đã được ngành Y tế lập cuối năm 2017, nên vẫn kiểm soát tốt sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được các ngành quan tâm và phối hợp lên kế hoạch kiểm tra chặt chẽ trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ước tính tháng 1, toàn tỉnh có 175 nghìn lượt người đến khám bệnh, tăng 0,3% so tháng trước và tăng 6,6% so cùng tháng năm trước. Trong đó, có 18 nghìn lượt người phải nằm điều trị nội trú, tăng 1,7% và tăng 10,4%.

b) Giáo dục - đào tạo: Đến nay, các trường học đã hoàn thành xong kế hoạch học kỳ I và tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ học kỳ II năm học 2017-2018. Trong tháng, Sở GD-ĐT tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018, với 62 dự án gồm: 35 dự án của học sinh THPT và 27 dự án của học sinh THCS. Các dự án tập trung ở các lĩnh vực, nhóm lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật cơ khí, điện dân dụng, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin…Ban tổ chức đã chọn 4 dự án tiêu biểu trao giải Nhất theo từng lĩnh vực, 19 dự án đạt giải Nhì, 27 dự án đạt giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Từ các giải Nhất và các dự án tiêu biểu có tính phát hiện, khả năng ứng dụng cao trong đời sống, Sở GD-ĐT chọn ra 6 dự án dự cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2018 diễn ra tại tỉnh Nghệ An vào tháng 3/2018.

c) Văn hoá, thể dục thể thao: Sở VHTTDL đã tổ chức triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch gắn với dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản tăng cường quản lý hoạt động lễ hội đầu xuân. Các hoạt động được tổ chức trên tinh thần đảm bảo tốt an ninh trật tự, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường văn hóa lành mạnh tại các điểm tổ chức hoạt động văn hóa nơi công cộng. Hiện nay, đã xây dựng xong và từng bước triển khai kế hoạch tổ chức chương trình nghệ thuật đêm giao thừa xuân Mậu Tuất 2018… Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì tốt, thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở tổ chức nhiều hoạt động TDTT quần chúng với hàng nghìn lượt người tham gia. Hoạt động thể thao thành tích cao tiếp tục được đào tạo cơ bản, đảm bảo chất lượng về chuyên môn. Bên cạnh đó, ngành Văn hoá thông tin cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá, vật phẩm văn hoá mê tín dị đoan,…

d) An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội: Công tác phòng, chống tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội; trật tự an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ; ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép và thả đèn trời được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm trong dịp trước, trong, sau Tết nguyên đán. Với tinh thần chủ động, ngành Công an đã sớm xây dựng và triển khai các kế hoạch bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Theo đó, lực lượng công an tỉnh và các địa phương đang tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp, tuần tra khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các loại tội phạm, kiên quyết giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong mọi tình huống, đảm bảo cho người dân đón Tết và vui xuân an toàn.

e) Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường: UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC tăng cường thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh nhất là đối với các khu, cụm công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu dân cư, làng nghề, cơ sở vui chơi giải trí tập trung đông người, các cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa bảo đảm an ninh, an toàn mùa hanh khô, tết Nguyên đán Mậu Tuất và các hoạt động lễ hội đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh.Trong đợt cao điểm, Cảnh sát PCCC chủ động tham mưu với các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân tham gia công tác PCCC và CNCH. Nhất là phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy, nổ lớn và đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo theo nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, đồng thời phát huy tốt tác dụng PCCC theo phương châm 4 tại chỗ “Lực lượng tại chỗ - Phương tiện tại chỗ - Chỉ huy tại chỗ - Hậu cần tại chỗ”. Tháng 01, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy nổ làm 3 người chết và 8 người bị thương. Trong đó, riêng vụ nổ đầu đạn nghiêm trọng tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong ngày 3/01/2018 đã làm 2 người chết và 8 người bị thương. Theo tổng hợp sơ bộ, vụ nổ làm căn nhà cấp 4 (5 gian) bị sập hoàn toàn và tạo hố sâu có kính thước 13,5m x 8,5m, sâu 3m; 6 căn nhà xung quanh cũng bị hư hỏng hoàn toàn và gần 100 căn nhà dân tại khu vực lân cận bị ảnh hưởng, hư hỏng vỡ kính, nứt tường, sập mái. Sau khi vụ nổ xảy ra, lực lượng chức năng đã thu gom 6,7 tấn đầu đạn và mảnh vỡ kim loại các loại quanh hiện trường vụ nổ. Ước tính tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 25 tỷ đồng.

Báo cáo chi tiết tại đây.

File đính kèm.