Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 02 năm 2018.

23/02/2018 15:08

Theo Báo cáo của Cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 02/2018 với đà tăng trưởng cao của năm 2017, 2 tháng đầu năm 2018 kinh tế tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tăng trưởng ổn định, trong đó một số ngành và lĩnh vực duy trì mức tăng trưởng khá cao so cùng kỳ năm trước, như: công nghiệp tăng 42,5% về chỉ số sản xuất và tăng 45,3% về giá trị sản xuất; vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tăng 18,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 15,1%; nhất là hoạt động ngoại thương, gấp 2,3 lần về xuất khẩu và gấp 2 lần về nhập khẩu,… tất cả đã góp phần đưa thu ngân sách đạt 26,9% dự toán năm và tăng 39% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng nhẹ, lạm phát được kiểm soát, thu nhập của dân cư cũng tăng khá, đối tượng chính sách và người nghèo được quan tâm, nên an sinh xã hội được đảm bảo và an ninh chính trị, TTATXH được giữ vững cụ thể:

 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Nông nghiệp: Sản xuất vụ xuân: Để công tác đổ ải phục vụ sản xuất vụ xuân 2018 đạt kết quả cao, ngay từ đầu vụ UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường các nguồn lực, bám sát lịch 3 đợt xả nước của các hồ thủy điện để tập trung bơm đủ nước đổ ải và dự trữ vào ao hồ, đáp ứng yêu cầu sản xuất vụ xuân; đồng thời tăng cường hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc phòng chống rét cho mạ. Theo tổng hợp sơ bộ, đến hết ngày 20/2, các đơn vị đã cung ứng được 213 tấn thóc giống các loại, trong đó có hơn 150 tấn thóc giống năng suất, chất lượng cao. Bám sát lịch xả nước, hai Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Đuống và Nam Đuống đã tổ chức bơm nước đổ ải được 34.500 ha, đạt 100% KH diện tích gieo cấy. Nông dân các địa phương tiến hành làm đất được 31.050 ha, đạt 90% KH; gieo 2.774 ha mạ, bằng 96,6% so với cùng kỳ, 100% diện tích mạ đã gieo được che phủ nilon chống rét, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm cấy hết diện tích; gieo cấy được 2.834 ha lúa, trong đó gieo thẳng 2.557 ha (tập trung ở các huyện Lương Tài, Gia Bình Thuận Thành và Quế Võ). Cùng với gieo cấy lúa xuân, nông dân toàn tỉnh đã gieo trồng 1.200 ha cây màu các loại, đạt 27,3% KH vụ và bằng 67,4% so với cùng kỳ. Trong đó, ngô là 222 ha, bằng 24,1% cùng vụ năm trước; rau xanh các loại là 978 ha, bằng 95,8%. Thời tiết thuận lợi, nên các cây rau màu gối vụ đều sinh trưởng và phát triển tốt, đã góp phần giảm áp lực tăng giá thực phẩm sau Tết.

b) Chăn nuôi và hoạt động thú y: Là tháng Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm gia súc, gia cầm tăng cao, nên giá đầu ra có xu hướng tăng nhẹ. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh, sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm tốt, các cơ sở chăn nuôi đang tích cực mở rộng tổng đàn.Tuy nhiên, tổng đàn bò và đàn lợn vẫn chưa bằng mức cùng kỳ năm trước do bị giảm sâu từ cuối quý III/2017. Tính đến cuối tháng 2, đàn trâu có 2.315 con, tăng 0,7% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò còn 30.500 con, giảm 5%; đàn lợn thịt có 346.418 con, giảm 4,6%; đàn gia cầm có 5.168 nghìn con, tăng 1,3%, trong đó đàn gà có 4.128 nghìn con, tăng 2,3%. Qua 2 tháng, sản lượng thịt hơi gia súc gia cầm xuất chuồng đạt 14.669 tấn, giảm 3,3% so cùng kỳ năm trước. Từ ngày 18/1 đến ngày 08/02, toàn tỉnh tiêm bổ sung thêm được 59,1 nghìn liều vắc-xin các loại cho đàn lợn; gần 1,5 triệu liều vắc-xin các loại cho đàn gia cầm. Trước cảnh báo tình hình dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 vẫn tiếp tục xảy ở nhiều địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát đối với các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở kinh doanh, buôn bán, vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm và an toàn chăn nuôi sau Tết Nguyên đán và thời kỳ giao mùa xuân - hè.

c) Lâm nghiệp: Trong tháng, các địa phương, các hộ được giao đất, giao rừng, tiếp tục chăm sóc rừng và gieo ươm bổ sung cây giống lâm nghiệp, cây ăn quả để chuẩn bị trồng rừng, trồng cây phân tán theo kế hoạch năm 2018. Từ đầu tháng 2, đã tổ chức chuẩn bị hiện trường để phục vụ Tết trồng cây đầu xuân Mậu Tuất trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Hưởng ứng phong trào Tết trồng cây, sáng 21/2 (tức ngày mùng 6 Tết Mậu Tuất) Tỉnh ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ tỉnh đã phát động và tham gia trồng cây tại các địa phương, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Ngay trong ngày đầu ra quân, toàn tỉnh trồng được hơn 10.000 cây các loại. Công tác quản lý bảo vệ rừng được coi trọng nên không để xảy ra hiện tượng cháy rừng. Trong tháng, toàn tỉnh khai thác được 200 m3 gỗ, giảm 9,1% so với cùng kỳ; sản lượng củi khai thác được 300 ste, giảm 6,2%.

d) Thuỷ sản: Thời tiết thuận lợi cho nuôi trồng, tình hình dịch bệnh không phát sinh tạo điều kiện cho thủy sản phát triển ổn định. Bên cạnh đó, giá bán các loại sản phẩm thuỷ sản tăng do nhu cầu tiêu dùng trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục được đầu tư, nhất là nuôi cá lồng bè trên sông. Ước tính đến cuối tháng 02, diện tích nuôi trồng thủy sản còn 5.226 ha, giảm 9 ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác 2 tháng đạt 6.281 tấn, tăng 0,3% (+16 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 6.095 tấn, tăng 0,4% (+26 tấn); sản lượng lồng bè đạt 728 tấn, tăng 4,7% (+32 tấn); sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 95 tấn, giảm 5% (-10 tấn).

2. Sản xuất công nghiệp

a) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Tháng 2, bị ảnh hưởng bởi Tết Cổ truyền và các lễ hội truyền thống, nhất là khu vực ngoài Nhà nước, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy sụt giảm so với tháng trước nhưng vẫn tăng rất cao so với cùng tháng năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 14% so tháng trước và tăng 48,6% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 14% và tăng 48,8%; ngành SX và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 1,7% và tăng 47%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 30,4% và tăng 9,7%. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn, có lượng sản xuất tăng cao trong những tháng cuối năm 2017 do nhu cầu sử dụng gia tăng, nhưng vẫn còn tồn đọng và mức tiêu thụ trong tháng Tết chậm, nên lượng sản xuất tháng 2 đã giảm so tháng trước, như: SX đồ uống (-5%); SXSP thuốc lá (-16,9%); Dệt (-28,4%); SX trang phục (-24,8%); SX giấy và SP từ giấy (-30,3%); SXSP từ khoáng phi kim loại (-23,7%); SX kim loại (-30,4%); SXSP điện tử, máy vi tính và SP quang học (-13,7%); SX thiết bị điện (-25,4%); SX giường, tủ, bàn ghế gỗ (-37,8%),... Trong khi đó, chỉ với 3 ngành có chỉ số tăng hai con số so cùng tháng năm trước, là: chế biến gỗ và SXSP từ gỗ (+27,4%); SX thuốc, hóa dược và dược liệu (gấp 2,5 lần) và SXSP điện tử (+61,4%) đã giúp ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng tới 48,8% Tính chung 2 tháng đầu năm, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 42,5%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 42,7%; ngành SX và PP điện, khí đốt tăng 35,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,9%.

b) Giá trị sản xuất: Theo giá so sánh 2010, GTSX tháng 2 ước đạt 67.708,6 tỷ đồng, giảm 14,8% so tháng trước và tăng 28,8% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 67.616 tỷ đồng, chiếm 99,8%, giảm 14,8% và tăng 28,8%; ngành SX và PP điện, khí đốt đạt 61,6 tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 57,5%; ngành cung cấp nước và hoạt động xử lý rác thải đạt 31 tỷ đồng, giảm 24,8% và tăng 13,8%. Sở dĩ, GTSX ngành công nghiệp tiếp tục tăng cao so cùng tháng năm trước là do GTSX ngành SXSP điện tử chiếm tỷ lệ lớn (trên 80%) và tăng cao (+61%), trong đó chủ yếu là nhờ công ty TNHH Samsung Diplay Việt Nam có GTSX tháng 2 gấp 2 lần (do có thêm nhà máy mới, quy mô lớn đi vào hoạt động ổn định từ tháng 10/2017) và công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam tăng 59%. Qua 2 tháng đầu năm, GTSX công nghiệp ước đạt 147,1 nghìn tỷ đồng, tăng 45,3% so cùng kỳ năm trước.

c) Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp: Mặc dù, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán diễn ra trong tháng 2 và ảnh hưởng của các lễ hội đầu năm, nhất là ở khối DN dân doanh, nhưng do khối DN FDI với lượng lao động lớn, vẫn duy trì sản xuất ổn định theo ca, nên chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp ngành công nghiệp tháng 2 vẫn tăng 0,5% so tháng trước và tăng 15,1% so cùng tháng năm trước. Trong đó, khối DN FDI tăng 0,6% và tăng 18,3%; DNNN tăng 0,6% và tăng 5,8%, còn khối DN dân doanh giảm 0,3% và giảm 0,7%. Dự báo, lượng lao động ở khối DN FDI sẽ tiếp tục tăng hơn nữa để chuẩn bị tung sản phẩm mới lên kệ trên thị trường thế giới vào cuối tháng 3.

3. Đầu tư

a) Vốn đầu tư: Do Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2, vốn đầu tư chủ yếu từ các công trình chuyển tiếp và lượng thi công ít hơn, lại không có công trình khởi công mới nên vốn đầu tư phát triển trong tháng đạt thấp. Tổng vốn đầu tư của Nhà nước do địa phương quản lý tháng 2 ước đạt 196,2 tỷ đồng, giảm tới 29,3% so tháng trước, nhưng vẫn tăng 15,8% so cùng tháng năm trước. Trong đó, vốn đầu tư ngân sách cấp tỉnh đạt 139,3 tỷ đồng, (-28,6% và +5,7%); vốn ngân sách cấp huyện đạt 36,9 tỷ đồng, (-31,2% và +79,6%). Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư đạt 473,6 tỷ đồng, tăng 18,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 334,6 tỷ đồng, tăng 12%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 90,5 tỷ đồng, tăng 55,8%; vốn ngân sách cấp xã đạt 48,5 tỷ đồng, tăng 12%.

b) Hoạt động cấp phép đầu tư: Với lợi thế là trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước, Bắc Ninh tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng KCN, khu nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, các công trình công cộng, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội... Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh, nhằm thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp chủ lực, nên dự án đầu tư vào Bắc Ninh tiếp tục tăng. Tính từ ngày 1/1/2018 đến ngày 15/2/2018, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 178,1 triệu USD; so cùng kỳ năm trước tăng 17,6% về số dự án và tăng 78,2% về vốn đăng ký. Trong đó, chủ yếu là các dự án về công nghiệp chế biến và chế tạo với 13 dự án và tổng vốn đăng ký là 176,8 triệu USD. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.158 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép đầu tư (còn hiệu lực), tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 15,9 tỷ USD.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ: Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng lớn của dân cư trong dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể tích cực đầu tư và chủ động đưa hàng hoá ra thị trường, nhất là ở khu vực nông thôn. Những ngày giáp Tết, hàng hoá đa dạng, phong phú, giá cả ổn định; trong đó nhiều mặt hàng thuộc nhóm “bình ổn giá” được bán với giá thấp hơn năm trước. Các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị cũng triển khai các chương trình khuyến mại, quảng bá sản phẩm hướng vào chủ đề người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường được các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ găm hàng, chống các vi phạm về đo lường, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… nhằm bảo đảm thị trường phục vụ Tết ổn định, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Sức mua tăng và lượng lưu thông hàng hoá trên thị trường rất lớn.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 2 ước đạt 3.347,3 tỷ đồng, tăng 2,8% so tháng trước và tăng 18,6% so cùng tháng năm trước. Trong đó, kinh tế cá thể đạt 2.164,6 tỷ đồng, tăng 3,3% và tăng 19,2%; khối doanh nghiệp tư nhân đạt 1.145,5 tỷ đồng, tăng 1,9% và tăng 17,9%. Theo nhóm hàng, hầu hết các nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn đều tăng khá so tháng trước và tăng hai con số so với cùng tháng năm trước, như: lương thực, thực phẩm (+3,9% và +24,3%); hàng may mặc (+5,4% và +8,9%); đồ dùng dụng cụ và trang thiết bị gia đình (+2,7% và +10,8%); ô tô các loại (+1,2% và +14,3%); phương tiện đi lại khác (+0,8% và +17%). Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 6.602,8 tỷ đồng, tăng 15,1% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế cá thể đạt 4.259,2 tỷ đồng, tăng 13,1%; kinh tế tư nhân đạt 2.269,7 tỷ đồng, tăng 19,2%. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống tháng 2/2018 đạt 468,4 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so cùng tháng năm trước. Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng này tăng khá do nhu cầu ăn uống liên hoan tổng kết trong dịp trước Tết và đi lễ hội sau Tết Nguyên đán gia tăng, đặc biệt là suất ăn công nghiệp cho người lao động trong các DN FDI tăng cao. Trong đó, doanh thu lưu trú đạt 26,9 tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 22,7%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 444,4 tỷ đồng, tăng 2,2% và tăng 11,5%. Qua 2 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động lưu trú ăn uống ước đạt 930 tỷ đồng, tăng 5,9%. Tổng doanh thu các hoạt động dịch vụ khác tháng 2 ước đạt 552,4 tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 6,1% so cùng tháng năm trước. Trong đó, kinh tế tư nhân đạt 221,4 tỷ đồng, chiếm 41,8%, tăng 0,7% tháng trước và tăng 7,6%. So cùng kỳ năm trước hầu hết các ngành đều có mức tăng cao, một số ngành có mức tăng cao 2 con số như:  hành chính và dịch vụ hỗ trợ (+13,9%); giáo dục và đào tạo (+20,9%); y tế và dịch vụ hỗ trợ (14,3%); nghệ thuật vui chơi giải trí (+21,2%) và sửa chữa đồ dùng cá nhân và gia đình (+11,7%).

b) Tình hình giá cả: Mặc dù, là tháng trùng với tháng Tết Nguyên đán, sức mua hàng hoá trên thị trường tăng hơn nhưng do lượng hàng hóa lớn, phong phú, đa dạng nên giá cả hàng hoá trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này ước chỉ tăng nhẹ so tháng trước. Trong đó, một số mặt hàng thiết yếu tăng cao hơn chỉ số chung do nhu cầu tiêu dùng của dân cư gia tăng trong dịp Tết, như: lương thực, thực phẩm (chủ yếu do thịt gia cầm tươi sống tăng), đồ uống và thuốc lá, thiết bị và dùng gia đình. Các nhóm và mặt hàng còn lại đều không tăng hoặc tăng thấp, thậm chí còn giảm do nhu cầu không lớn. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường; cung ứng hàng hoá thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết, đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ gây sốt giá, nâng giá tuỳ tiện. Bên cạnh đó, ngày 28/11/2017 UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình bình ổn giá những tháng cuối năm 2017 và dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 trên địa bàn tỉnh và đã tạm ứng ngân sách tỉnh cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình với số tiền 50,45 tỷ đồng để dự trữ, bình ổn 10 nhóm mặt hàng thiết yếu với mức bình ổn phải thấp hơn 5% giá bán các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường. Tại các điểm bán hàng bình ổn giá, hàng hóa đều được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đảm bảo cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường.

c) Xuất, nhập khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 02/2018 ước đạt 3.109,5 triệu USD, tăng 10,5% so tháng trước và gấp 2,4 lần so cùng tháng năm trước. Trong  đó, khu vực FDI, chiếm 99%, tăng 10,6% và gấp 2,4 lần. Các mặt hàng xuất khẩu tăng cao so với tháng trước và so cùng tháng năm trước như: Máy vi tính và phụ kiện; điện thoại các loại và linh kiện…Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 2.413,9 triệu USD, tăng 7,5% so tháng trước và gấp gần 2 lần so cùng tháng năm trước. Trong đó, kim ngạch của khu vực FDI đạt 2.387,6 triệu USD, chiếm 98,9%, tăng 7,5% và gấp 2 lần. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là nguyên, phụ liệu dùng cho sản xuất là chất dẻo, sắt, thép, kim loại thường, gỗ, linh kiện điện tử để lắp ráp điện thoại di động và sản xuất màn hình tinh thể lỏng các loại… Dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng tới sẽ tiếp tục tăng cao do hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ổn định hơn sau dịp Tết Nguyên đán và khối DN FDI tung sản phẩm mới ra thị trường thế giới vào cuối tháng 3. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 5.924,2 triệu USD, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 4.659,1 triệu USD, gấp 2 lần.

5. Giao thông vận tải

a) Hoạt động kinh doanh vận tải: Tháng 2, hoạt động vận tải hành khách sôi động do nhu cầu đi lại thăm hỏi chúc Tết và đi lễ hội đầu năm của người dân gia tăng. Tuy nhiên, hoạt động vận tải hàng hóa lại đạt thấp do nhu cầu vận chuyển nguyên liệu, vật tư, hàng hóa phát sinh không lớn. Vận tải hành khách, khối lượng vận chuyển ước đạt 1.744 nghìn HK, tăng 8,2% so tháng trước và tăng 15,9% so cùng tháng năm trước; luân chuyển ước đạt 83,6 triệu HK.km, tăng 8,8% và tăng 16,6%. Trong đó, ngành đường bộ vận chuyển 1.603 nghìn HK và luân chuyển 83,5 triệu HK.km; so với tháng trước, tăng 9% về vận chuyển và tăng 8,8% về luân chuyển; so cùng tháng năm trước, tăng 16,9% và tăng 16,6%. Doanh thu vận tải hành khách tháng 2 ước đạt 111,8 tỷ đồng, tăng 8,9% và tăng 17%. Tính chung 2 tháng đầu năm, toàn tỉnh vận chuyển được 3.357 nghìn HK, tăng 13,4% so cùng kỳ; luân chuyển 160,4 triệu HK.km, tăng 13,7%; doanh thu đạt 214,5 tỷ đồng, tăng 14,2%. Vận tải hàng hóa, khối lượng vận chuyển ước đạt 2.868 nghìn tấn, giảm 8,7% so với tháng trước và giảm 1,8% so cùng tháng năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 138,9 triệu tấn.km, giảm 9% và giảm 3,7%. Trong đó, ngành đường bộ đạt 57,7 triệu tấn.km, giảm 8,5% và giảm 0,8%; ngành đường sông đạt 81,2 triệu tấn.km, giảm 9,4% và giảm 5,7%. Doanh thu vận chuyển hàng hoá tháng 2 ước đạt 207,4 tỷ đồng, giảm 8,7% và giảm 1,8%. Tính chung 2 tháng đầu năm, toàn tỉnh vận chuyển được 6.009 nghìn tấn hàng hóa, tăng 7,4% so cùng kỳ; luân chuyển 291,6 triệu tấn.km, tăng 5,8%; doanh thu đạt 434,5 tỷ đồng, tăng 7,5%.

b) Tình hình an toàn giao thông: Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán mật độ và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao trên hầu hết các tuyến đường. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, ngành chức năng, các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, Kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT trước, trong và sau Tết của tỉnh nhằm  hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông. Lực lượng CSGT tổ chức tuần tra 24/24h, chốt trực trên tất cả các tuyến đường trọng yếu. Cùng với những biện pháp tuần tra, kiểm soát mạnh của lực lượng CSGT, Sở Giao thông-Vận tải cũng yêu cầu các doanh nghiệp vận tải đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT cho lái và phụ xe, đồng thời cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra và kịp thời bổ sung các điều kiện, phương tiện bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1người và bị thương 4 người.

6. Tài chính: Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 2 ước đạt 1.581,6 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 1.089,6 tỷ đồng. Trong thu nội địa, một số khoản thu đạt cao so cùng tháng năm trước như: thu thuế ngoài quốc doanh (+26,5%); thu thuế bảo vệ môi trường (+28,6%); thu lệ phí trước bạ (+20,6%); thu phí, lệ phí (+64,5%); thu tiền sử dụng đất (gấp gần 2 lần)…Sau 2 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đạt 6.426 tỷ đồng, đạt 26,9% dự toán năm và tăng 39% so cùng kỳ năm trước. Sở dĩ, thu ngân sách đạt cao, ngoài tăng thu từ khu vực các doanh nghiệp FDI, còn do các tổ chức, cá nhân và DN nộp thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân của quý IV/2017 vào tháng 01/2018. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tiếp tục sôi động, nên thu từ tiền sử dụng đất trong 2 tháng đã đạt gần 600 tỷ đồng, tăng 87,9% so cùng kỳ. Hoạt động ngoại thương tăng cao, nên thu từ hải quan đạt 983,7 tỷ đồng, đạt 16,7% dự toán và tăng 6,7% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương tháng 2 ước đạt 1.068,7 tỷ đồng, tăng 12,1% so với tháng trước và tăng 26,4% so cùng tháng năm trước. Trong đó, chi cân đối ngân sách địa phương đạt 1.068,7 tỷ đồng, tăng 12,1% và tăng 27,4%. Sau 2 tháng, tổng chi ngân sách địa phương 2.021,6 tỷ đồng, đạt 17,3% dự toán năm và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển 617,2 tỷ đồng, đạt 23,5% và giảm 24,3%; chi thường xuyên đạt 1.351,6 tỷ đồng, đạt 16,5% và tăng 28,6%.

7. Ngân hàng - Tín dụng: Mặc dù, lượng chi tiêu tiền mặt trong dịp trước và sau Tết gia tăng nhưng do thu nhập của dân cư, DN trong năm 2017 tăng khá, nên lượng tiền nhàn rỗi vẫn rất lớn. Tuy các ngân hàng và tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi thấp, nhưng nhu cầu gửi tiết kiệm của dân cư tăng khá cao nên nguồn vốn huy động vẫn tiếp tục tăng nhanh. Tổng nguồn vốn huy động tín dụng đến cuối tháng 2 ước đạt 88.358 tỷ đồng, tăng 1,5% so tháng trước, tăng 22,6% so cùng tháng năm trước. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của dân cư là 53.187 tỷ đồng, chiếm 60,2%, đạt xấp xỉ tháng trước và tăng 27,2% so cùng tháng năm trước. Để kịp thời hỗ trợ cho sản xuất, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc các giải pháp hỗ trợ tín dụng, mở rộng đối tượng tiếp cận vốn vay đối với DN vừa và nhỏ, DN sản xuất hàng xuất khẩu, DN tham gia xây dựng nông thôn mới,... Các ngân hàng cũng thực hiện tái cơ cấu nguồn vốn tín dụng theo hướng mở rộng cho vay trung và dài hạn với lãi suất ổn định. Vì thế, dư nợ tín dụng tăng trưởng khá. Tổng dư nợ đến cuối tháng 2 đạt 69.861 tỷ đồng, tăng 1,9% so tháng trước và tăng 20,9% so cùng tháng năm trước. Trong đó, cho vay trung và dài hạn chiếm 38,8%, tăng 1,5% và tăng 14%. Nợ quá hạn đến cuối tháng 2 là 600 tỷ đồng, tuy tăng 5,3% so với cuối tháng 1 nhưng tỷ lệ nợ vẫn ở mức thấp (chiếm 0,86%/tổng dư nợ). Tổng thu tiền mặt tháng 2 ước đạt 37 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 13,4% so cùng tháng năm trước. Tổng chi tiền mặt là 36,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% và tăng 13,4%. Bội thu tiền mặt ước đạt 500 tỷ đồng. Sau 2 tháng, tổng thu tiền mặt qua ngân hàng đạt 73,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% so cùng kỳ năm trước; chi tiền mặt đạt 72,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13%; bội thu tiền mặt 1.020 tỷ đồng, tăng 12,1%.

8. Một số vấn đề xã hội nổi bật

a) Hoạt động y tế: Thời gian qua, do thời tiết giao mùa, nền nhiệt độ thay đổi nhanh và thất thường, nên số người bị bệnh về hô hấp gia tăng, nhất là người già và trẻ em dưới ba tuổi. Bên cạnh đó, một số bệnh truyền nhiễm như quai bị, thủy đậu và tay chân miệng cũng tăng hơn. Tuy nhiên, ngành Y tế đã chủ động phòng chống và triển khai điều trị từ tuyến cơ sở, nên các dịch bệnh không có dấu hiệu lây nhiễm trong cộng đồng. Trong tháng 2, toàn ngành Y tế đã thực hiện khám chữa bệnh cho 175,2 nghìn lượt người, tăng 6,7% so cùng tháng năm trước, trong đó có 36,2 nghìn lượt người điều trị nội trú, tăng 6,8%. Riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tổng số bệnh nhân còn lại phải nằm điều trị tại các cơ sở y tế là 1.216 người; có 3.692 bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám, cấp cứu và điều trị, tăng 1,9% so với dịp Tết năm 2017. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở ăn uống và tập trung vào một số mặt hàng dễ xảy ra ngộ độc như: rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo sử dụng phụ gia thực phẩm,... đồng thời yêu cầu hệ thống giám sát dịch trực 24/24 giờ nhằm phát hiện sớm để xử lý kịp thời các ca ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm phát sinh trong dịp Tết Nguyên đán.

b) Văn hoá, thể dục thể thao: Hoạt động văn hoá, thông tin chủ yếu tập trung tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ và địa phương để duy trì phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; cấm đốt pháo, phòng chống lãng phí trong dịp Tết Nguyên đán. Tại nhiều địa phương, đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào năm mới, treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu. Tại các di tích lịch sử văn hóa được trang trí, tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp, cử người hướng dẫn khách tham quan và nhân dân đến tế lễ đảm bảo văn minh. Thư viện, Bảo tàng tỉnh tổ chức Trưng bày Báo xuân Mậu Tuất năm 2018, mở cửa đón du khách và nhân dân tham quan trong dịp Tết với chủ đề “Mùa xuân khơi nguồn văn hóa đọc”; thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 1997-2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, định hướng đến năm 2030. Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà hát Quan họ chuẩn bị tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phục vụ các lễ hội truyền thống của các địa phương và Hội thi Hát dân ca Quan họ xuân Mậu Tuất 2018; tổ chức thành công Chương trình văn nghệ đón Giao thừa Xuân Mậu Tuất 2018 tại Tượng đài Lý Thái Tổ, thành phố Bắc Ninh; bắn pháo hoa tại các khu vực trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao quần chúng cũng được tổ chức sôi động, như: tổ chức Hội thi “Hát Dân ca quan họ”; trưng bày “Các cổ vật tiêu biểu”; Hội chợ triển lãm đá cảnh, sinh vật cảnh; Lễ hội Kinh Dương Vương, Lễ hội Khán hoa mẫu đơn tại chùa Phật tích, Hội Lim; diễu hành mô tô, xe đạp thể thao; giải Cầu lông, Quần vợt; giải Vật cổ điển, kéo co, điền kinh trong các lễ hội, đã tiếp đón hàng triệu lượt khách đến tham quan.

c) Công tác xã hội: Nhân dịp Tết Cổ truyền, TU, HĐND, UBND tỉnh và UB MTTQ tỉnh đã tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà các hộ nghèo, đối tượng chính sách các tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Cao Bằng và Phú Yên với số tiền 2,5 tỷ đồng; thăm và tặng quà các đối tượng người có công, hộ nghèo, người cao tuổi ở 8 huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có đối tượng đang nuôi dưỡng, chăm sóc với tổng kinh phí là 456,8 triệu đồng;…Cùng với quà của Chủ tịch nước, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trong toàn tỉnh đã tặng 82.724 suất quà Tết, với tổng kinh phí 28,1 tỷ đồng; so với Tết Đinh Dậu 2017, tăng 435 suất quà và tăng 6,5 tỷ đồng. Về tình hình lương, thưởng: Theo tổng hợp sơ bộ năm 2017, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đều trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại Nghị định 153/2016/NĐ-CP. Tính chung, tiền lương trung bình năm 2017 của khối DN đạt 7.092 nghìn đồng/người/tháng, tăng 10,2% so với năm 2016. Mức thưởng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 cao nhất là 478 triệu đồng và thấp nhất là 50 nghìn đồng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục bố trí xe đưa đón hoặc hỗ trợ tiền tàu xe cho người lao động về quê ăn Tết. Tuy nhiên, trong dịp Tết đã có Công ty TNHH S&N Vina nợ lương công nhân, UBND tỉnh đã tạm ứng 853,6 triệu đồng từ ngân sách cho Liên đoàn Lao động tỉnh để công ty vay và trả lương cho 58 lao động về quê đón Tết.

d) An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội: Công tác phòng, chống tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội; phòng chống cháy nổ; ngăn chặn sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép và thả đèn trời được tỉnh quan tâm và chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước Tết, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân, cơ quan, đơn vị tổ chức ký cam kết; các lực lượng công an, quân đội tuần tra 24/24h tại các điểm nóng, nên những ngày giáp Tết và đêm Giao thừa, trên địa bàn tỉnh không xảy ra việc đốt thả đèn trời, không có vụ việc phức tạp liên quan đến pháo, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tình hình ANCT và trật tự ATXH trong dịp Tết được đảm bảo. Trong 7 ngày nghỉ Tết (từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 5 Tết), trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cố ý gây thương tích;, làm 3 người bị thương; bắt 2 vụ, 2 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 0,101 g heroin và ma túy tổng hợp.

Báo cáo chi tiết tại đây.

File đính kèm.