Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 10 năm 2018
Theo báo cáo của Cục Thống kê, tình hình KT-XH tỉnh trong tháng 10 như sau:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a) Trồng trọt: Tính đến ngày 18/10, toàn tỉnh đã thu hoạch được 25.688 ha, đạt 77,8% diện tích gieo cấy và bằng 90,1% so cùng thời điểm năm trước.Trong đó, một số huyện đã thu hoạch cơ bản xong như: Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài. Theo đánh giá sơ bộ, năm nay được mùa, các huyện, thành phố, thị xã đều có năng suất cao hơn vụ mùa năm trước. Năng suất bình quân toàn tỉnh ước đạt 57,3 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha so năm trước (+3,2%). Sản lượng thóc đạt 187.567 tấn, giảm 1,3% (- 2.463,4 tấn) do diện tích giảm 1.504,9 ha (-4,4%). Cùng với cây lúa, hầu hết các loại cây rau màu hè thu đều đạt năng suất và sản lượng cao hơn so cùng vụ năm trước. Cây ngô: năng suất ước đạt 46,7 tạ/ha (+1,1%), sản lượng đạt 1.235 tấn (+24,7%); khoai lang, năng suất ước đạt 75,8 ta/ha và sản lượng ước đạt 279,7 tấn, tăng 1,5%; cây rau các loại, năng suất đạt 249,7 tạ/ha, tăng 1,2%; sản lượng đạt 45,8 nghìn tấn, tăng 30,6%…
b) Chăn nuôi và hoạt động thú y: Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang trong xu hướng phát triển tốt, do không có dịch bệnh phát sinh; giá thịt gia súc gia cầm, nhất là giá lợn vẫn giữ ở mức cao, chăn nuôi có lãi. Tổng đàn gia súc gia cầm và sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá so với cùng kỳ năm 2017. Tại thời điểm 01/10, đàn trâu có 2.327 con, giảm 1,3% (-31 con) so cùng thời điểm năm trước; Đàn bò có 30.304 con, giảm 1,2% (-376 con); đàn lợn có 352.500 con, tăng 5,4% (+17.952 con); đàn gia cầm có 5.398 nghìn con, tăng 2,5% (+131 nghìn con), trong đó đàn gà có 4.315 nghìn con, tăng 2,6% (+109 nghìn con). Trong tháng 10, sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng đạt 6.883 tấn, tăng 4,7% (+309 tấn) so với tháng 10/2017 và sản lượng 10 tháng đạt 76.258 tấn, tăng 2,1% (+1.536 tấn) so cùng kỳ năm trước.
c) Lâm nghiệp: Công tác trồng rừng và chăm sóc rừng được tiến hành theo kế hoạch. Tháng 10, toàn tỉnh trồng được hơn 10 nghìn cây phân tán, khai thác được 150 m3 gỗ, giảm 1,3% so cùng kỳ; khai thác được 320 ste củi, giảm 4,5%. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện trồng, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc phá rừng, đốt rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Các ngành chức năng và các địa phương thường xuyên cảnh báo nguy cơ cháy rừng và đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCCCR. Tuy nhiên, trong tháng 10 đã xảy ra 01 vụ cháy rừng tại xã Phù Lãng (huyện Quế Võ), làm thiệt hại 0,78 ha rừng.
d) Thuỷ sản: Chi cục Thủy sản tiếp tục xây dựng và triển khai các mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP tới các đại phương với mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nuôi cá lồng trên sông với các chủng loại giống đa dạng, như diêu hồng, rô phi đơn tính, cá lăng, trắm cỏ và cá chép giòn góp phần quan trọng để ngành thủy sản của tỉnh giữ ổn định và có bước phát triển trong điều kiện diện tích ao hồ ngày 1 giảm. Tính đến cuối tháng 10, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.040 ha, giảm 12 ha so cùng thời điểm năm trước. Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng ước đạt 31.156 tấn, tăng 0,7% (+205 tấn). Sản lượng nuôi trồng đạt 30.131 tấn, tăng 0,8% (+243 tấn). Trong đó, nuôi lồng bè đạt 3.950 tấn, tăng 7,3% (+269 tấn).
2. Sản xuất công nghiệp
Sau khi đạt mức tăng cao trong quý III nhờ dòng sản phẩm mới - Samsung Galaxy Note 9 được lên kệ từ ngày 24/8 và có lượng tiêu thụ lớn trong tháng 9. Từ tháng 10, sản lượng tiêu thụ của các dòng điện thoại Samsung đã chững lại do sự cạnh tranh bởi Huawei của Trung Quốc, ba mẫu iPhone mới của Apple (được lên kệ vào này 21/9 và 26/10). Đồng thời, tháng 10/2017 là tháng sản xuất công nghiệp đạt mức cao nhất trong năm 2017, nên sản xuất công nghiệp tháng này vẫn giảm so cùng kỳ năm trước.
a) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Tháng 10, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 4,7% so tháng trước và giảm 8,8% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,7% và giảm 8,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 2,1% và tăng 10,4%; ngành cung cấp nước và quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 1,9% và tăng 10%. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tuy có tới 14/20 ngành có chỉ số tăng so cùng tháng năm trước với mức tăng thấp nhất là 0,8% (ngành SX chế biến thực phẩm) và tăng cao nhất là 42,8% (ngành in, sao chép bản ghi các loại), nhưng tính chung tỷ trọng của các ngành này chỉ chiếm 11%/tổng GTSX của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nên tác động không lớn. Trong khi đó, 6 ngành còn lại với tỷ trọng chiếm tới 89% và có chỉ số giảm so cùng tháng năm trước, nên đã kéo chỉ số chung sụt giảm. Trong đó, ngành SXSP điện tử, với tỷ trọng chiếm tới 86% và giảm 11% so cùng tháng năm trước là nguyên nhân chính tác động đến sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
b) Về giá trị sản xuất: Do lượng tiêu thụ của nhóm sản phẩm điện tử chững lại, nên GTSX công nghiệp cũng biến động theo. Tính chung, GTSX công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 10 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 109.948 tỷ đồng, chỉ tăng 1,4% so tháng trước và giảm 6% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 109.796 tỷ đồng, tăng 1,4% và giảm 6%; ngành SX và PP điện... đạt 79,8 tỷ đồng, giảm 5,7% (do nhu cầu sử dụng điện trong mùa đông giảm hơn) và tăng 11,1%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý nước thải đạt 72,2 tỷ đồng, tăng 3,2% và tăng 2,4%. Sau 10 tháng, GTSX công nghiệp theo giá so sánh đã đạt 920.118 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,2%; ngành SX và phân phối điện tăng 15,5%; ngành cung cấp nước tăng 5,6%.
c) Chỉ số tiêu thụ và tồn kho: Sau khi đạt mức tiêu thụ cao trong tháng 9 nhờ dòng sản phẩm điện tử mới, tháng 10 chỉ số tiêu thụ đã chững lại, giảm 0,3% so tháng trước và chỉ tăng 2% so cùng tháng năm trước. Trong đó, các ngành có chỉ số tăng, như: SX đồ uống (+3% và +14,8%); SX trang phục (+4,3% và +2,5%); SXSP từ cao su và plastic (+13% và +8,6%); SX kim loại (+6,4% và +15,8%); SXSP từ kim loại đúc sẵn (+15,5% và +32,4%); SX xe có động cơ (+3,6% và +9,7%). Tuy nhiên, cũng có 4 ngành có chỉ số tiêu thụ giảm là SX hóa chất và SP hóa chất, SXSP từ khoáng phi kim loại, SX phương tiện vận tải và ngành SXSP điện tử - ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất và giảm 2,1% so tháng trước, giảm tới 15,7% so cùng tháng năm trước đã tác động lớn đến chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
d) Chỉ số sử dụng lao động: Sản xuất công nghiệp có xu hướng chững lại, nên chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp cũng có dấu hiệu giảm xuống. Tính chung tháng 10, chỉ số sử dụng lao động giảm 0,8% so tháng trước và giảm 7,8% so cùng tháng năm trước. Trong đó, khu vực FDI giảm 1,1% và giảm 10%, do một số DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa thay thế sức lao động ở một số công đoạn, nên lao động giảm nhanh. Trong khi đó, chỉ số sử dụng lao động của khu vực Nhà nước tăng 1,1% và tăng 5,8%; khu vực ngoài nhà nước tăng 0,6% và tăng 4,2%. Sau 10 tháng, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp chỉ tăng 2% so cùng kỳ năm trước, đây mà mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2017 đến nay. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải tăng 11%. Phân theo loại hình, khu vực Nhà nước tăng 5,1% so cùng kỳ, khu vực ngoài Nhà nước tăng 1,2% và khu vực FDI tăng 2,1%.
3. Đầu tư
a) Vốn đầu tư: Tháng 10, một số công trình về lĩnh vực giáo dục, văn hóa cộng đồng tiếp tục được khởi công; các dự án lớn được ưu tiên giải ngân để đẩy nhanh tiến độ theo lộ trình xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và chương trình xây dựng Nông thôn mới, nên tổng vốn đầu tư tháng này tăng cao. Tổng vốn đầu tư của Nhà nước do địa phương quản lý tháng 10 ước đạt 380,6 tỷ đồng, tăng 4,8% so tháng trước và tăng 41,6% so cùng tháng năm trước. Trong đó, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 252,9 tỷ đồng, tăng 4,8% và tăng 37,1%; ngân sách cấp huyện đạt 62,8 tỷ đồng, tăng 7,7% và tăng 24,9%; ngân sách cấp xã đạt 64,9 tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 90,5%. Sau 10 tháng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 2.866,8 tỷ đồng, tăng 21,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh là 1.990,5 tỷ đồng, tăng 15,9% (riêng đầu tư từ quỹ sử dụng đất đạt 320,8 tỷ đồng, tăng 36,5%). Vốn ngân sách cấp huyện đạt 475,4 tỷ đồng, tăng mạnh 21,9%. Nguồn vốn ngân sách cấp xã đạt 400,9 tỷ đồng, tăng 62,9%.
b) Hoạt động cấp phép đầu tư
Tính từ ngày 01/01/2018 đến ngày 01/10/2018, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cho 148 dự án đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký là 376,2 triệu USD; so cùng kỳ năm trước, tăng 13,8% về số dự án và nhưng giảm 10,7% về vốn đăng ký. Trong đó, có 131 dự án ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 88,5%) với tổng vốn đăng ký là 369,5 triệu USD. Lũy kế đến 01/10/2018, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.275 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký (bao gồm cả vốn điều chỉnh) là 16.678,4 triệu USD.
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
a) Lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10 ước đạt 3.134,5 tỷ đồng, tăng 2% so tháng trước và tăng 10,7% so cùng tháng năm trước. Trong đó, kinh tế cá thể đạt 1.839,4 tỷ đồng, tăng 2,4% và tăng 11,6%; kinh tế tư nhân đạt 1.249 tỷ đồng, tăng 1,4% và tăng 9,8%. Sau 10 tháng, tổng doanh thu bán lẻ hàng đạt 30.479,1 tỷ đồng, tăng 9,9% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kinh tế cá thể chiếm 60,7% và tăng 8%; kinh tế tư nhân chiếm 38% và tăng 13,2%. Phân theo nhóm hàng, 12/12 nhóm hàng đều tăng so cùng kỳ năm trước với mức tăng thấp nhất là 7,8% và cao nhất là 17,1%. Trong đó, một số nhóm hàng có mức tăng cao, như: đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (+11,4%); gỗ và VLXD tăng 9,9%; ô tô (+17,1%); phương tiện đi lại (+10,7%); xăng, dầu các loại (+13,1%); hàng hóa khác (+14,8%),...
Các hoạt động dịch vụ khác, có xu hướng tăng hơn trong những tháng cuối năm. Tổng doanh thu tháng 10 ước đạt 583 tỷ đồng, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 12,7% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản - ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, lại có mức cầu lớn từ người lao động và các chuyên gia nước ngoài - đã có thêm nhiều khu chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở cao cấp được đưa vào sử dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của dân cư, nên doanh thu tháng 10 ước đạt 428,6 tỷ đồng, tăng 1% và tăng 14,9%.
c) Xuất, nhập khẩu: Mặc dù, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chững lại, nhưng do có nhiều đơn hàng lớn đã được ký kết và thực hiện trong tháng 10, nên hoạt động xuất khẩu tăng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 3.899 triệu USD, tăng 3% so tháng trước và tăng 27,7% so cùng tháng năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đạt 31,7 triệu USD, tăng 39,4% và gấp 2,3 lần; khu vực FDI đạt 3.867,3 triệu USD, tăng 2,8% và tăng 27,2%. Một số mặt hàng chủ lực đạt khá so tháng trước và cùng tháng năm trước, như: sản phẩm từ chất dẻo (+46,1% và gấp 5,2 lần); sản phẩm bằng gỗ (+7,4% và gấp 3,4 lần), hàng dệt may (+14,4% và +24,1%); điện thoại và linh kiện (+2,4% và +25,8%); máy vi tính và phụ kiện (+5,1% và +24,3%); dây điện và cáp điện (+87,1% và +80%).
d) Tình hình giá cả
Tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,34% so tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 6 nhóm có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giảm và 3 nhóm hàng có chỉ số ổn định. Các nhóm hàng tăng do các nguyên nhân, như sau: (1) Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhẹ 0,09%, do giá lương thực tăng 0,16% (chủ yếu do yếu tố mùa vụ tác động làm giá gạo tẻ thường tăng 0,33%) và giá thực phẩm tăng 0,11% (do thời tiết mưa nhiều, một số loại rau ngắn ngày dập nát, hư hỏng, nên sinh trưởng chậm, nên giá tăng 4,82%). (2) Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,5%, do thời tiết chuyển mùa nên nhu cầu mua sắm tăng; (3) Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,02%, do giá gas tăng 0,91% và giá dầu hỏa tăng 2,86%; (4) Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,41%, do lượng tiêu thụ của nhóm hàng đệm, chăn ấm tăng mạnh (+7,2%); (5) Nhóm giao thông tăng 1,3%, do giá nhiên liệu tăng 3,36%; (6) Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,75%. So cùng tháng năm trước, CPI tăng 4,9% và so với tháng 12/2017 tăng 3,94%; bình quân 10 tháng, CPI tăng 3,18%.
5. Giao thông vận tải
a) Hoạt động kinh doanh vận tải
Vận tải hành khách: Tháng 10, khối lượng vận tải ước đạt 1,85 triệu lượt hành khách, tuy giảm 1,6% so tháng trước (do có hơn 10 nghìn lao động của công ty Samsung Display đã nghỉ việc và kết thúc mùa kỳ du lịch hè), nhưng vẫn tăng khá (+14,9%) so cùng tháng năm trước; luân chuyển đạt 88 triệu HK.km, giảm 1,7% và tăng 17,2%. Lũy kế 10 tháng, khối lượng vận tải ước đạt 17,96 triệu lượt khách, tăng 15,9% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 854,2 triệu HK.km, tăng 17%. Trong đó, vận tải đường bộ đạt 16,6 triệu lượt khách, tăng 16,9% và luân chuyển 853,2 triệu lượt khách.km, tăng 17,3%; Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.155,5 tỷ đồng, tăng 18,5%.
Vận tải hàng hoá: Tháng 10 vận tải hàng hóa ước tính đạt 3,26 triệu tấn, tăng 0,9% so tháng trước và tăng 9,5% so cùng tháng năm trước; luân chuyển đạt 163,5 triệu tấn.km, tăng 0,7% và tăng 10,3%. Lũy kế 10 tháng, vận tải hàng hóa ước đạt 31,1 triệu tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 1.539 triệu tấn.km, tăng 6,6% so. Trong đó, vận tải hàng hóa đường bộ đạt 23,3 triệu tấn, tăng 6,7% và luân chuyển 626,2 triệu tấn.km, tăng 7,6%; vận tải hàng hóa đường sông đạt 7,8 triệu tấn, tăng 5,9% và luân chuyển 912,8 triệu tấn.km, tăng 5,9%. Doanh thu vận chuyển hàng hoá 10 tháng ước đạt 2.262,9 tỷ đồng, tăng 7,9%.
b) An toàn giao thông
Để thực hiện mục tiêu giảm thiểu TNGT, ngành Giao thông đã phối hợp với các lực lượng công an, cùng với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, đồng thời triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt xoá các “điểm đen” về TNGT, đầu tư hệ thống biển báo giao thông; tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn phương tiện, kiểm soát chặt chẽ phương tiện; giám sát chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe… Nhờ đó, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh luôn bảo đảm, TNGT từng bước được kiểm chế. Tháng 10,trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 13 vụ TNGT làm chết 6 người và bị thương 10 người, thiệt hại về tài sản 24 triệu đồng. Xử phạt hành chính 2.393 trường hợp vi phạm, nộp phạt kho bạc 2,17 tỷ đồng.
6. Tài chính
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 10 ước đạt 2.918,5 tỷ đồng, tăng 44,9% so cùng tháng năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 2.366 tỷ đồng, tăng 48,8%. Trong thu nội địa, các khoản thu chiếm tỷ trọng lớn và đạt mức tăng cao, như: thu từ DNNN TW đạt 175,1 tỷ đồng, tăng 16,2%; thu từ các DN FDI đạt 1.300,2 tỷ đồng, gấp 2,2 lần; thu tiền sử dụng đất đạt 400 tỷ đồng, tăng 59%; thu lệ phí trước bạ đạt 35 tỷ đồng, gấp 3,9 lần; thu từ hải quan đạt 550 tỷ đồng, tăng 30,4%...Tổng chi ngân sách tháng 10 ước đạt 1.005 tỷ đồng, tăng 18,5% so so cùng tháng năm trước. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển là 450 tỷ đồng, tăng 20,9; chi thường xuyên đạt 550 tỷ đồng, tăng 16%... Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 24.482,2 tỷ đồng, đã vượt 2,6% dự toán năm và tăng 38,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa là 19.432,7 tỷ đồng, vượt 8,2% dự toán và tăng 49,1%; tổng chi ngân sách địa phương là 11.141,2 tỷ đồng, đạt 74,2% dự toán và tăng 9,4%. Trong đó, chi thường xuyên là 5.173,2 tỷ đồng, đạt 62,2% dự toán và tăng 9,6%.
7. Ngân hàng - Tín dụng
Trong tháng, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách của Nhà nước, các giải pháp chỉ đạo điều hành của NHNN và của tỉnh đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Lãi suất huy động bằng VNĐ tăng nhẹ, từ 0,1-0,2%/năm ở kỳ hạn từ 1-6 tháng tại một số ngân hàng, nên nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng khá. Đến cuối tháng 10, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 97.000 tỷ đồng, tăng 1,1% so tháng trước, tăng 19,5% so cùng tháng năm trước và tăng 7,3% so với cuối năm 2017. Trong đó, tiền gửi của cá nhân đạt 56.800 tỷ đồng, tăng 0,3%, tăng 11,8% và tăng 10,8%. Hoạt động tín dụng cũng duy trì mức tăng trưởng ổn định. Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 10 ước đạt 78.000 tỷ đồng, tăng 0,2% so tháng trước, tăng 21,6% so cùng tháng năm trước và tăng 12,9% so với cuối năm 2017.
8. Một số vấn đề xã hội
a) Hoạt động y tế: Tháng 10, toàn tỉnh thực hiện khám chữa bệnh cho 170 nghìn lượt người, tăng 0,9% so tháng trước; trong đó điều trị nội trú cho 20,5 nghìn lượt người, tăng 1,5%. Sau 10 tháng, đã khám chữa bệnh cho 1.707 nghìn lượt người, tăng 2% so cùng kỳ năm trước, trong đó điều trị nội trú cho 192 nghìn lượt người, tăng 9,8%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh dịch bệnh tay chân miệng ở trẻ em vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật, đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận 440 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 255 trường hợp so cùng kỳ năm trước, nhưng chưa ghi nhận trường hợp biến chứng nặng hay tử vong.
b) Giáo dục và đào tạo: Ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới đồng thời đầu tư vốn mua sắm, sửa chữa lớn để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập. Bước vào năm học mới 2018-2019, đến nay giáo dục phổ thông các cấp đã ổn định đi vào nề nếp và đang tiến hành tổ chức kiểm tra, đánh giá kiến thức của học sinh thời điểm giữa kỳ 1 của năm học. Ngày 9/10, Sở GD-ĐT đã hoàn tất việc tuyển chọn 70 học sinh vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia 9 môn văn hóa THPT năm 2019 gồm các môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Văn, Sử, Địa, Tiếng Anh. Ngày 10/10, Sở GD-ĐT công bố quyết định thành lập đội tuyển, xây dựng kế hoạch tổ chức dạy ôn 9 môn thi, đáp ứng kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 1/2019.
c) Văn hoá thông tin, thể dục thể thao: Tháng 10, hoạt động thông tin văn hóa tập trung tuyên truyền về các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, các nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong tháng. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức trọng thể như: Ngày người cao tuổi, ngày vì người nghèo, ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam,.. Đặc biệt, ngày 19/10 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TU, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Bắc Ninh gắn với chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề “Bắc Ninh nhớ mãi ơn Người”. Hưởng ứng ngày vì người nghèo năm 2018, sáng 16/10, Ban Vận động “Ngày vì người nghèo” tỉnh tổ chức Lễ phát động toàn dân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2018. Dự kiến, đến hết năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu vận động ủng hộ đạt trên 11 tỷ đồng. Đặc biệt, từ ngày 20-29/10, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh, sẽ diễn ra vòng chung kết giải bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2018 với sự tham gia của 10 đội bóng, trong đó có đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc.