Tình hình Kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 8 năm 2019

03/09/2019 15:42
Theo báo cáo của Cục thống kê tỉnh,  tình hình Kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 8 năm 2019 như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

Đến ngày 18/8, toàn tỉnh đã chăm sóc lúa lần 2 được 23.650 ha, đạt 72,7% diện tích đã gieo cấy. Bên cạnh đó, nông dân toàn tỉnh cũng gieo trồng được 2.346,7 ha rau màu các loại, đạt 86,9% kế hoạch vụ và bằng 94,2% so cùng vụ năm trước. Trong đó, ngô 236,9 ha; đậu tương 214,1 ha; lạc 179,3 ha; rau màu khác 1.716,4 ha. Tính chung, vụ mùa năm nay toàn tỉnh gieo trồng được 34.878,6 ha cây các loại, giảm 1,8% (tương ứng giảm 623,8 ha) so cùng vụ năm trước. Trong đó, gieo cấy được 32.531,9 ha lúa, giảm 1,4% (-478,1 ha) so cùng vụ năm trước.

b) Chăn nuôi và hoạt động thú y

Chăn nuôi: Trong tháng, mặc dù dịch bệnh tả lợn Châu phi vẫn xuất hiện ở một số gia trại, trang trại chuồng hở nhưng mức độ lây lan đã chững lại và giảm dần, các dịch bệnh khác trong chăn nuôi không phát sinh. Bên cạnh đó, giá thịt lợn có xu hướng tăng hơn, bình quân tháng 8 là 42.059 đồng/kg, tăng 1,9% so tháng trước và bằng 85% so với tháng 8/2018, đã góp phần giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi lợn. Trong khi đó, giá các sản phẩm gia cầm cũng tăng và giữ ở mức cao, như: giá gà ta hơi 94.841 đồng/kg, tăng 1,4% so tháng trước và tăng 8,4% so với tháng 8/2018; gà công nghiệp 41.206 đồng/kg, tăng 1,5% và tăng 13,4%; giá vịt thịt hơi 42.409 đồng/kg, tăng 8,6% và tăng 5,7%; giá thịt ngan hơi 58.065 đồng/kg, tăng 8,6% và tăng 9,5%,… nên chăn nuôi gia cầm tiếp tục được mở rộng. Tính đến cuối tháng 8, toàn tỉnh có 2.501 con trâu, tăng 8 con (+0,3%); Đàn bò có 28.482 con, giảm 4,8% (-1.430 con); đàn gia cầm đạt 5.249 nghìn con, tăng 1,5% (+79 nghìn con); trong đó, đàn gà đạt 4.155 nghìn con, tăng 1,8% (+74 nghìn con).

Hoạt động thú y: Trong tháng, toàn tỉnh tiêm được 1.827 liều vắc-xin long móng lở mồm cho đàn trâu, bò; 20.163 liều vắc-xin các loại cho đàn lợn; 3.942.732 liều vắc xin các loại cho đàn gia cầm; 29.852 liều vắc xin dại cho đàn chó, mèo; 1.009 liều vắc xin long móng lở mồm cho đàn dê.

1.2. Lâm nghiệp

Tháng 8, hoạt động lâm nghiệp chủ yếu tập trung vào trồng cây phân tán, chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng khi thời tiết ở thời điểm nắng nóng kéo dài. Trong tháng, toàn tỉnh trồng được 11 nghìn cây phân tán các loại, bằng 78,6% so với cùng kỳ năm trước; khai thác được 330 m3 gỗ, bằng 92,2%, sản lượng củi khai thác được 443 ste, bằng 90,4%.

1.3. Thuỷ sản

Đến cuối tháng 8, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.186 ha, giảm 0,1% (-6,3 ha) so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng ước đạt 24.498 tấn, tăng 0,8% (+201,7 tấn). Sản lượng nuôi trồng đạt 23.697 tấn, tăng 0,9% (+214,5 tấn). Trong đó, sản lượng lồng bè đạt 2.741 tấn, tăng 3,6% (+95 tấn).

2. Sản xuất công nghiệp

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Tháng 8, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 27,5% so tháng trước và giảm 8,8% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 27,7% và giảm 8,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,2% và tăng 9,6%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4% và tăng 3,7%. Tính chung 8 tháng, IIP toàn ngành công nghiệp giảm 9,5%. Nguyên nhân chủ yếu do trong 4 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp giảm sâu, từ tháng 6 đã bắt tăng cao hơn nhưng vẫn không bù được mức giảm trước đó. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 9,6%; ngành SX và PP điện tăng 7%; ngành cung cấp nước…giảm 0,4%.

2.2. Sản phẩm công nghiệp

Tháng 8, các sản phẩm có lượng sản xuất tăng khá so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng và thị trường xuất khẩu được mở rông, như: mỳ, phở (+3,4%); thức ăn gia súc (+3,6%); bê tông trộn sẵn (+11,2%); điện thoại di động thường (+23,6%); đồng hồ thông minh (+35,7%); màn hình điện thoại (+11,1%); linh kiện điện tử (+28,8%); sa lông gỗ (12,5%),… Tuy nhiên, một số mặt hàng truyền thống có lượng sản xuất giảm do phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại, như: thuốc lá (-7,3%); giấy và bìa (-4,7%); kính các loại (-4,8%); sắt thép (-7,4%);… Tính chung 8 tháng, các sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng đều duy trì lượng sản xuất tăng khá, như: sữa và kem (+6%); thuốc lá (+10,1%); quần áo (+26,7%); dược phẩm (+26,5%); điện thoại thông minh (+25,7%), pin điện thoại (+11,4%); tủ gỗ (+20,8%);...

2.3. Chỉ số sử dụng lao động

Tháng 8, chỉ số sử dụng lao động tăng 1,9% so tháng trước, nhưng vẫn giảm 11,4% so cùng tháng năm trước. Trong đó: Theo ngành có ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2% và giảm 11,6%; ngành SX và PP điện đạt xấp xỉ tháng trước và tăng 8,9%; ngành cung cấp nước giảm 0,3% và tăng 2,5%. Theo loại hình có khu vực nhà nước giảm 0,1% và giảm 2,5%; khu vực ngoài nhà nước tăng 0,2% và tăng 0,6%; khu vực FDI tăng 2,3% và giảm 13,6%.

3. Đầu tư

3.1. Vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư của Nhà nước do địa phương quản lý tháng 8 ước đạt 487,1 tỷ đồng, tăng 10,8% so tháng trước và tăng 49,5% so cùng tháng năm trước. Trong đó, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 338,7 tỷ đồng, tăng 8,8% và tăng 54%.Tính chung 8 tháng,tổng vốn đầu tư phát triển đạt 3.129,7 tỷ đồng, tăng 47,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh là 2.216 tỷ đồng, tăng 48,1%. Vốn ngân sách cấp huyện đạt 501,3 tỷ đồng, tăng 41,5%. Nguồn vốn ngân sách cấp xã đạt 412,5 tỷ đồng, tăng 51,4%.

3.2. Hoạt động cấp phép đầu tư

Từ đầu năm đến ngày 20/8, đã thu thu được 151 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 679,8 triệu USD; so cùng kỳ năm trước, tăng 30,2% về số dự án và gấp 2 lần về vốn đăng ký. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1.439 dự án FDI được cấp phép đầu tư (còn hiệu lực), tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 18.201,9 triệu USD. Trong đó, có 1.187 dự án ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, với tổng vốn đầu tư 17.363,7 triệu USD và tập trung ở một số nước, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

4.1. Lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ

a) Bán lẻ hàng hóa

Tháng 8, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.967,4 tỷ đồng, tăng 2,2% so tháng trước và tăng 10,7% so cùng tháng năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.986,8 tỷ đồng, tăng 3,3% và tăng 14,1%.Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 38.090,6 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 29.943,3 tỷ đồng, tăng 13%. Phân theo nhóm hàng, 12/12 nhóm hàng đều có chỉ số tăng cao với mức tăng từ 3,8%-19%. Trong đó, các nhóm hàng có mức tăng cao hơn mức tăng chung như: Lương thực, thực phẩm (+19%); ô tô các loại (+13,6%); xăng dầu (+15,3%); nhiên liệu khác (+17,4%).

b) Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác

Tháng 8, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác tiếp tục có xu hướng giảm, do một số DN FDI đã cắt giảm bớt lao động và lực lượng chuyên gia cũng giảm dần. Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống doanh thu ước đạt 3.546,2 tỷ đồng, giảm 4,5% so tháng trước và giảm 1,9% so cùng tháng năm trước. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác đạt 4.590,9 tỷ đồng, đạt xấp xỉ tháng trước và giảm 0,6%. Tính chung 8 tháng, doanh thu dịch vụ đạt 4.147,3 tỷ đồng, giảm 1,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm nhiều ở dịch vụ lưu trú (-0,6%) và dịch vụ ăn uống (-4,5%).

4.2.Tình hình giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI):

Tháng 8, chỉ số chung tăng 0,25% so tháng trước, tăng 2,07% so cùng kỳ năm trước và tăng 0,44% so tháng 12 năm trước. So tháng trước, 7 nhóm có chỉ số giá biến động tăng, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,42%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,63%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,15%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,02%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,5%; giáo dục tăng 0,14%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01%; hàng hóa khác tăng 0,01%).

Tính bình quân 8 tháng, CPI đã tăng 3,03% so cùng kỳ năm trước; trong đó 6 nhóm có chỉ số tăng cao hơn chỉ số chung là: đồ uống và thuốc lá (+7,59%); may mặc, giày dép và mũ nón (+3,51%); nhà ở và VLXD (+5,3%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+4,45%); giáo dục (+5,52%) và nhóm hàng hóa khác (+10,72%). Trong khi đó, chỉ còn nhóm giao thông tiếp tục giảm (-3,59%) đã phần nào kéo CPI tăng thấp hơn.

Giá vàng và đôla Mỹ: Bình quân tháng 8, giá vàng bán ra bán ra ở mức 4.068 nghìn đồng/chỉ, tăng 4,15% so với tháng trước, tăng 21,66% so cùng tháng năm trước và tăng 16,24% so tháng 12/2018. Bình quân 8 tháng, giá vàng đã tăng 4,5% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, đồng đôla Mỹ lại biến động trái chiều. Bình quân tháng 8, đồng đôla bán ra ở mức 23.274 đ/USD, giảm 0,15% so tháng trước, giảm 0,36% so tháng 12/2018 và giảm 0,14% so cùng tháng năm trước. Bình quân 8 tháng, giá đôla Mỹ tăng 1,8% so cùng kỳ.

4.3. Xuất, nhập khẩu

a) Xuất khẩu

Tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.587,4 triệu USD, tăng 9,6% so tháng trước; tuy nhiên, vẫn còn giảm nhiều so cùng tháng năm trước (-34,1%). Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 19.413,1 triệu USD, giảm 15,6% so cùng kỳ năm trước.

b) Nhập khẩu

Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 8 đạt 2.382,5 triệu USD, tăng 2,6% so tháng trước và giảm 18% so cùng tháng năm trước. Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 16.200,5 triệu USD, giảm 4,3% so cùng kỳ năm trước.

5. Giao thông vận tải

5.1. Hoạt động vận tải

Vận tải hành khách: Tháng 8, khối lượng vận chuyển hành khách ước tính đạt 3,7 triệu lượt khách, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 9,8% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách đạt 94,8 triệu HK.km, tăng 0,9% và tăng 12%; doanh thu đạt 141,1 tỷ, tăng 0,4% và tăng 10,7%. Lũy kế 8 tháng, khối lượng vận chuyển hành khách ước tính đạt 28,2 triệu lượt khách, tăng 9,8% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách đạt 1.161,7 triệu HK.km, tăng 10%; doanh thu đạt 1.208 tỷ đồng, tăng 11,4%. Vận tải hàng hoá: Tháng 8, khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2,8 triệu tấn, tăng 0,4% so tháng trước và tăng 6,3% so cùng tháng năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 218,6 triệu tấn.km, tăng 0,9% và tăng 2,6%; doanh thu đạt 249,1 tỷ, tăng 0,4% và tăng 5,8%. Lũy kế 8 tháng, khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 24,5 triệu tấn, tăng 9,3% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 2.147,4 triệu tấn.km, tăng 8,1%; doanh thu đạt 2.177,8 tỷ đồng, tăng 9%.

5.2. Tình hình an toàn giao thông: Tháng 8, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNGT đường bộ, làm chết 3 người và 5 người bị thương, tài sản thiệt hại là 47 triệu đồng. Như vậy từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 59 vụ, làm chết 47 người và bị thương 24 người; so cùng kỳ năm trước, giảm 4 vụ, giảm 3 người chết và tăng 7 người bị thương.

6. Tài chính

Tháng 8, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.493 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt 973 tỷ đồng, thu từ hải quan đạt 520 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 20.472,5 tỷ đồng, đạt 74,7% dự toán và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 16.092,1 tỷ đồng, đạt 76,1% dự toán và tăng 3,8%. Thu ngân sách ổn định, đã góp phần đảm bảo cho các hoạt động chi thường xuyên. Tháng 8, chi ngân sách địa phương đạt 1.774 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng tổng chi ngân sách ước đạt 13.852,5 tỷ đồng, đạt 78,2% KH và tăng 30,7% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 4.859,1 tỷ đồng, vượt 9,7% dự toán và tăng 17,5%. Chi thường xuyên đạt 5.504,6 tỷ đồng, đạt 58,8% và tăng 17,4%.

7. Ngân hàng - Tín dụng

Tháng 8, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 110.500 tỷ đồng, tăng 0,5% so tháng trước, tăng 18,8% so cùng tháng năm trước và tăng 10,4% so cuối năm 2018. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 85.500 tỷ đồng, tăng 0,1% so tháng trước, tăng 13,7% so cùng tháng năm trước và tăng 6,8% so thời điểm cuối năm 2018.

8. Một số vấn đề xã hội

8.1. Hoạt động y tế

Trong tháng, các cơ sở y tế thực hiện khám chữa bệnh cho 183,8 nghìn lượt người, tăng 10,7% so cùng tháng năm trước; trong đó điều trị nội trú cho 24,7 nghìn lượt người, tăng 24,1%.  Sau 8 tháng, toàn ngành Y tế đã thực hiện khám chữa bệnh cho 1.465,4 nghìn lượt người, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, điều trị nội trú cho 195,9 nghìn lượt người, tăng 14,6%.

8.2. Giáo dục và đào tạo

Căn cứ khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định 1083 về Kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 của giáo dục Mầm non, giáo dục Phổ thông và Giáo dục Thường xuyên tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, năm học 2019-2020, học sinh Bắc Ninh tựu trường sớm nhất từ ngày 12/8, cụ thể: giáo dục Mầm non, Tiểu học và Giáo dục Thường xuyên tựu trường vào ngày 19/8, thực học vào đúng ngày khai giảng 5/9; giáo dục THCS và THPT tựu trường vào ngày 12/8, thực học ngày 19/8 và đồng loạt khai giảng vào ngày 5/9. Theo số liệu của Sở GD-ĐT, năm học mới 2019-2020, tỷ lệ phòng học kiên cố của tỉnh đạt 99,1%; toàn tỉnh có 465/481 trường Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 96,7%.

8.3. Văn hoá, thể dục thể thao

Các hoạt động văn hóa, thông tin địa phương diễn ra sôi nổi chào mừng kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám (19/8) và Quốc khánh (2/9); kỷ niệm ngày nạn nhân chất độc màu da cam (10/8); kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thành phố Bắc Ninh (8/8/1954-8/8/2019);…Cũng nhân dịp này, nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ được các địa phương tổ chức sôi nổi như: Liên hoan tiếng hát cán bộ, chiến sĩ, người lao động thành phố Bắc Ninh, chương trình hòa nhạc giao hưởng và Dân ca Quan họ Bắc Ninh; các hoạt động văn hoá đường phố,...các giải thể thao quần chúng cờ tướng, cầu lông, bóng bàn, bóng đá, các chương trình chiếu phim lưu động. Thể thao thành tích cao tiếp tục được chú trọng. Trong tháng, đã cử các vận động viên đi tham dự giải vô địch cờ vua lần thứ II năm 2019, đoàn Bắc Ninh xuất sắc giành 2 Cúp Vàng và 5 huy chương.

8.4. Công tác phòng, chống cháy, nổ và xử lý vi phạm môi trường

Tháng 8, cơ quan chức năng đã phát hiện 68 vụ vi phạm môi trường. Trong đó, đã xử lý 37 vụ, với 26 cá nhân và 11 tổ chức, tổng số tiền nộp phạt kho bạc là 2,2 tỷ đồng. Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ cháy nổ nào xảy ra./.

Biểu KTXH tháng 8 năm 2019.

Nguồn: Cục Thống kê Bắc Ninh