Tình hình Kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 9 và Quý III năm 2019

10/10/2019 07:48

Theo báo cáo của Cục thống kê tỉnh, tình hình Kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 9 và Quý III năm 2019 như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

So với cùng kỳ, sau khi sụt giảm liên tiếp trong quý I và quý II, sang quý III kinh tế đã dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng dương. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 của quý III ước đạt 47.518,7 tỷ đồng, tăng tới 25,6% so với quý trước và tăng 1% so với quý III/2018. Trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) tiếp tục giảm sâu (-5,7%), còn khu vực công nghiệp - xây dựng (CN-XD) chỉ tăng nhẹ (+0,1%), thì khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất (+7,6%) và thuế sản phẩm tăng 2,8% đã góp phần bù đắp cho hai khu vực kia. Tính chung 9 tháng, GRDP ước đạt 122.486,8 tỷ đồng, vẫn giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực NLTS giảm 7,5% và làm giảm 0,18 điểm phần trăm tăng trưởng; khu vực CN-XD giảm 3,7% và làm giảm 2,98 điểm phần trăm (riêng ngành công nghiệp giảm 4,1% và làm giảm 3,2 điểm phần trăm); trong khi khu vực dịch vụ tăng 6,5% và đóng góp 0,82 điểm phần trăm; thuế sản phẩm tăng 0,9% và đóng góp 0,04 điểm phần trăm tăng trưởng.

2. Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

2.1. Tài chính

Tính chung quý III, tổng thu ngân sách ước đạt 6.869,6 tỷ đồng, tuy tăng cao (+17,2%) so với quý trước, nhưng chỉ tăng 0,5% so với quý III/2018. Sau 9 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 22.158,5 tỷ đồng, đạt 80,9% dự toán và chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng thấp trong nhiều năm qua trong bối cảnh sản xuất công nghiệp sụt giảm và thu từ các dự án bất động sản cũng chững lại sau một thời gian tăng trưởng “nóng”.

Thu ngân sách tuy tăng không cao, nhưng Bắc Ninh vẫn tiếp tục đóng góp ổn định cho ngân sách trung ương và giúp cho địa phương chủ động trong chi ngân sách. Sau 9 tháng, tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 14.989,9 tỷ đồng, đạt 84,6% dự toán năm và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2018.

2.2. Ngân hàng - Tín dụng

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt vận hành được 304 máy ATM, 1.750 máy POS; thực hiện trả lương cho 2.285 đơn vị, trong đó có 814 đơn vị hưởng lương từ NSNN. Lũy kế từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng giao dịch thanh toán qua máy POS đạt 859 nghìn giao dịch, với doanh số giao dịch đạt 1.900 tỷ đồng, số lượng giao dịch ATM đạt 12,7 triệu lượt giao dịch với giá trị đạt 24.260 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng trưởng khá, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ SXKD của các tổ chức và cá nhân trong tỉnh. Đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 111.800 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước, tăng 16,5% so với cùng tháng năm trước và tăng 11,7% so với thời điểm cuối năm 2018. Về tín dụng, một số ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên là 6- 6,5%/năm; đối với các lĩnh vực SXKD thông thường khác: Ngắn hạn 8-9,5%/năm (-0,5%), trung và dài hạn 9-11%/năm. Đến cuối tháng 9, tổng dư nợ tín dụng ước đạt 86.500 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước, tăng 11,1% so với cùng tháng năm trước và tăng 7,4% so với thời điểm cuối năm 2018.

2.3. Bảo hiểm

Đến cuối tháng 9, toàn tỉnh đã có 1.274,1 nghìn người tham gia đóng BH các loại, chiếm 95,5% dân số toàn tỉnh; so với cuối năm 2018, tăng 3,4% về số người tham gia và tăng 0,5% tỷ trọng so với dân số. Sau 9 tháng, tổng số tiền thu bảo hiểm các loại đạt 5.448,4 tỷ đồng, tăng 36,7% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng, đã chi trả tiền bảo hiểm các loại với tổng số tiền 3.601,1 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư và thu hút đầu tư

3.1. Vốn đầu tư

Quý III, tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 18.086,5 tỷ đồng, tuy tăng 7,2% so với quý trước, nhưng lại giảm 19,2% so với quý III/2018. Tính chung 9 tháng, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt 50.513,5 tỷ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2018. Xét theo mục đích đầu tư, đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 36.541,1 tỷ đồng, chiếm 72,34% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh, đầu tư vào mua sắm TSCĐ dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản đạt 10.348,1 tỷ đồng, chiếm 20,48% và đầu tư bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất đạt 3.224,3 tỷ đồng, chiếm 6,38%.

3.2. Hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Tính từ đầu năm đến ngày 20/9, toàn tỉnh đã thu hút  được 172 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 707,3 triệu USD; so với cùng kỳ năm trước, tăng 32,3% về số dự án và gấp gần 2 lần về số vốn đăng ký. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1.424 dự án FDI  được cấp phép đầu tư (còn hiệu lực), tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 18.034,1 triệu USD.

4. Thành lập mới DN và tình hình hoạt động của DN

Tính từ ngày 01/01 đến 18/9, Sở KH và ĐT đã cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.734 DN với tổng vốn đăng ký 16.623,5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn cấp đăng ký kinh doanh cho 525 chi nhánh và VPĐD. Lũy kế đến nay, có 15.602 doanh nghiệp đăng ký theo Luật DN; 3.108 chi nhánh, VPĐD, với tổng số vốn đăng ký 232.789 tỷ đồng. Tính từ ngày 01/01 đến 18/9, toàn tỉnh có 315 DN đã quay trở lại hoạt động và có 538 DN tạm ngừng SXKD.

5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

5.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt: Tính chung, tổng diện tích gieo trồng vụ mùa ước đạt 35.333 ha, giảm 0,8% so với cùng vụ năm trước. Trong đó, lúa mùa là 32.412 ha, giảm 1% (-322,2 ha), năng suất ước đạt 56,8 tạ/ha, giảm 1% (-0,5 tạ); sản lượng ước đạt trên 183,9 nghìn tấn, giảm 2% (-3,7 nghìn tấn). Hiện nay, nông dân đang tiếp tục gieo trồng một số cây rau màu gối vụ, đồng thời chuẩn bị gieo trồng một số cây vụ đông sớm và một số loại hoa để phục vụ Tết Nguyên đán.

Sơ bộ ước tính, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 2019 đạt 79.078,1 ha, giảm 1,5% (-1.192,6 ha) so với năm 2018. Trong đó, diện tích lúa đạt 65.503,4 ha, giảm 1,4% (-927,9 ha), năng suất ước đạt 61,2 tạ/ha (-1,7 tạ) và sản lượng đạt  393,5 nghìn tấn (-16,9 nghìn tấn). Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm ước tính đến 30/9/2019 là 2.464,2 ha, tăng 0,6% (+14 ha) so với cùng thời điểm năm trước; trong đó chủ yếu là cây ăn quả với các loại cây chủ yếu là chuối, nhãn, vải thiều, bưởi, cam,... b) Chăn nuôi và hoạt động thú y

Chăn nuôi:

Tính đến cuối tháng 9, toàn tỉnh có 2.624 con trâu, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 29.050 con, giảm 2,5% (-745 con); đàn lợn 175.506 con, giảm 55,2% (-216.523 con); đàn gia cầm có 5.509,3 nghìn con, tăng +1,4% (+76,1 nghìn con); trong đó đàn gà có 4.402 nghìn con, tăng +1,4% (+60,7 nghìn con). Về sản lượng xuất chuồng: Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 142 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò hơi ước đạt 1.527 tấn, giảm 3%; thịt lợn hơi ước đạt 40.863 tấn, giảm tới 27,1% (-15.247,3 tấn); thịt gia cầm hơi ước đạt 13.376 tấn, tăng 1,3% (+170,5 tấn).

5.2. Lâm nghiệp:. Kết quả trồng rừng, hiện nay đã hoàn thành việc lựa chọn các nhà thầu thực hiện công trình trồng rừng thay thế 8,5 ha. Trong 9 tháng, diện tích rừng được chăm sóc là 122,6 ha, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là 401,3 ha, tăng 1,4%; cây lâm nghiệp trồng phân tán ước tính trồng được 129,4 nghìn cây, đạt 80% kế hoạch năm và bằng 59,4%; tổng số gỗ khai thác đạt 3.018 m3, giảm 3,5% (-110 m3); Củi khai thác đạt 3.874 ste, giảm 5,2% (-213 ste). Công tác phòng chống cháy rừng được các ngành chức năng và các địa phương chủ động triển khai và thường xuyên kiểm tra, giám sát nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ cháy rừng nào xảy ra.

5.3. Thuỷ sản: Đến cuối tháng 9, toàn tỉnh hiện có 127 cơ sở nuôi cá lồng với tổng số 1.990 lồng, tăng 167 lồng so với cùng thời điểm năm trước. Sản phẩm chủ yếu nuôi lồng là các loại cá như: cá trắm, cá chép, cá rô phi, cá diêu hồng và cá lăng cho năng suất và giá trị kinh tế cao mở ra hướng phát triển nhiều tiềm năng cho ngành thuỷ sản của tỉnh. Tính chung 9 tháng, sản lượng thu hoạch thủy sản nuôi trồng ước đạt 27.480 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt 26.608 tấn (riêng nuôi trồng lồng bè đạt 3.133 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước), tăng 0,6%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 872 tấn, giảm 3%,

6. Sản xuất công nghiệp

6.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Sau 12 tháng liên tiếp sụt giảm (từ tháng 9/2018 đến tháng 8/2019) với mức dao động từ 1,8% đến 15,6%. Sang tháng 9, sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi, chỉ số IIP đã tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng tháng năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do ngành SXSP điện tử có dòng sản phẩm mới được tung ra thị trường thế giới từ cuối tháng 8 nên chỉ số của ngành này trong tháng 9 đã tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng tháng năm trước. Tính chung quý III, IIP chỉ còn giảm 0,5% so với cùng với quý III/2018, trong khi quý I giảm tới 11,7% và quý II giảm 10,3%. Tính chung 9 tháng, IIP vẫn giảm 7% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,1%; ngành phân phối điện và SX điều hòa không khí tăng 7,4%; ngành cung cấp nước và thu gom, xử lý rác thải, tái chế phế liệu giảm 0,3%.

6.2. Sản phẩm công nghiệp

Quý III, các dòng sản phẩm điện tử mới với mẫu mã phù hợp, tích hợp thêm nhiều tính năng mới đã đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, lượng tiêu thụ gia tăng. Bên cạnh đó, một số sản phẩm của địa phương cũng bắt đầu tăng lượng tiêu thụ vào những tháng cuối năm, nên các sản phẩm chủ lực đều có lượng sản xuất tăng so với quý trước và quý III/2018, như: sữa và kem (+10,5% và +10%); mỳ và phở (+38,3% và +9%); dược phẩm có chứa Vitamin (+6,2% và +58,9%); giấy và bìa (+3,8% và +1,7%); bê tông tươi (+21,7% và +21,1%); ruột phích (+4,3% và +25,2%); tủ gỗ (+2,5% và +30,4%); đặc biệt sản phẩm đồng hồ thông minh tuy chỉ tăng 2,1% so với quý trước, nhưng lại gấp 7,5 lần so với quý III/2018, do chiếm lĩnh được thị phần lớn của thị trường Châu Âu và khu vực Mỹ Latinh. Sau 9 tháng, cùng với các sản phẩm được xuất khẩu, nhiều sản phẩm có lượng tiêu thụ ở trong nước lớn nên mức sản xuất tăng khá, như: sữa và kem (+7,1%); quần áo (+15,8%); thức ăn gia súc (+1,5%); giấy và bìa các loại (+3,7%); dược phẩm có chứa Vitamin (+33,7%); điện thoại di động thông minh (+27,2%); đồng hồ thông minh (gấp 7,8 lần); pin điện thoại (+5,8%), tủ gỗ (+21,9%)…

6.3. Chỉ số sử dụng lao động: Tháng 9, chỉ số sử dụng lao động tăng 0,3% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 7,3% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,3% và giảm 7,5%; ngành SX và PP điện đạt xấp xỉ tháng trước và tăng 9,2%; ngành cung cấp nước tăng 0,3% và giảm 8,9%. Theo loại hình kinh tế, khu vực nhà nước tăng 0,2% và giảm 4,9%; khu vực ngoài nhà nước tăng 0,4% và tăng 2%; khu vực FDI tăng 0,3% và giảm 8,9%.

7. Thương mại, dịch vụ và giá cả

7.1. Lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ

 Tính chung quý III, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 15.383,1 tỷ đồng, tăng 7,1%  so với quý trước và tăng 9,4%  so với quý III/2018 và sau 9 tháng đạt 43.541tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

a) Bán lẻ hàng hoá: Tháng 9, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.248,5 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng tháng năm trước. Sau 9 tháng, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 34.332,8 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ.

b) Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác

 Dịch vụ lưu trú, ăn uống: Tháng 9, tổng doanh thu ước đạt 426,4 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và giảm 0,8% so với cùng tháng năm trước. Tính chung quý III, tổng doanh thu ước đạt 1.305,4 tỷ đồng, giảm 5,9% so với quý trước và giảm 3,3% so với quý III/2018. Sau 9 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 4.004,6 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, dịch vụ ăn uống đạt 3.788,1 tỷ đồng, chiếm 94,6% và giảm 3,6%.

Các ngành dịch vụ tiêu dùng khác: Tháng 9, doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 589,4 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 2,3% so với cùng tháng năm trước. Tính chung quý III, doanh thu dịch vụ ước đạt 1.837,4 tỷ đồng, tăng 10,5% so với quý trước và tăng 2,1% so với quý III/2018. Sau 9 tháng, doanh thu dịch vụ ước đạt 5.192,1 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

7.2. Xuất, nhập khẩu

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn 9 tháng ước đạt 24.285,8 triệu USD giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhóm hàng điện tử chiếm tỷ trọng 80,2% và giảm 9,6%; nhóm sản phẩm máy vi tính và phụ kiện đạt 4.481 triệu USD, chiếm 18,5% và giảm 7,5%,... Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 9 tháng ước đạt 19.662,3 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực DN FDI đạt 19.346,3 triệu USD và giảm 2,3%.

7.3 Tình hình giá cả

Tình hình giá cả trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm diễn biến ổn định. Tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 1,53% so với cùng tháng năm trước và tăng 0,75% so với tháng 12 năm 2018. So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa, ngoài 2 nhóm may mặc mũ nón, giày dép và nhóm giao thông giảm còn lại các nhóm hàng đều tăng nhẹ hoặc ổn định. Trong đó nhóm tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+1,19%), tăng chủ yếu ở nhóm hàng thực phẩm (+1,66%). Tính chung 9 tháng chỉ số giá tiêu dùng (IIP) tăng 2,76% so với cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số vàng và Đôla Mỹ: Bình quân tháng 9, giá vàng bán ra bán ra ở mức 4.026 nghìn đồng/chỉ, tăng 3,39% (+138 nghìn đồng/chỉ) so với tháng trước, tăng 25,86% so với cùng tháng năm trước và tăng 20,18% so với tháng 12/2018. Tính chung quý III, giá vàng đã tăng tới 19,39% so với quý III/2018 và sau 9 tháng, giá vàng đã tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, đồng đôla Mỹ lại biến động trái chiều. Bình quân tháng 9, đồng đôla bán ra ở mức 23.264 đ/USD, giảm 0,04% so với tháng trước, giảm 0,29% so với tháng 12/2018 và giảm 0,4% so với cùng tháng năm trước. Bình quân quý III, giá đôla Mỹ chỉ tăng 0,25% so với quý III năm 2018 và sau 9 tháng tăng 1,57% so với cùng kỳ.

8. Vận tải và du lịch

8.1 Hoạt động vận tải:  Vận tải hành khách: Tính chung quý III, các doanh nghiệp vận tải đã vận chuyển được 11.018,8 triệu lượt HK, tăng 21,5% so với quý trước và tăng 10,4% so với quý III/2018; luân chuyển 282,5 triệu HK.km, tăng 23,7% và tăng 8,2%. Sau 9 tháng, đã vận chuyển được 28,1triệu lượt HK, tăng 9,9% so với cùng kỳ và luân chuyển được 740,8 triệu HK.km, tăng 10,1%. Vận tải hàng hoá: Tính chung quý III, các DN vận tải đã vận chuyển được 8.189 nghìn tấn hàng hóa, giảm 1,9% so với quý trước và tăng 9,9% so với quý III/2018; luân chuyển 641,6 triệu tấn.km, giảm 4,5% và tăng 9,9%. Sau 9 tháng, đã vận chuyển được 24,3 triệu tấn hàng hóa, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 2.027,3 triệu tấn.km, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải, Tổng doanh thu quý III ước đạt 2.000,1 tỷ đồng, tăng 2,2% so với quý trước và tăng 8,9% so với quý III/2018. Sau 9 tháng, doanh thu vận tải ước đạt 5.697 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

8.2. Du lịch:Tính đến hết tháng 8/2019, toàn tỉnh có 640 đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch, trong đó có 619 cơ sở lưu trú, 4 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 7 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa... Tính chung 9 tháng, đã có 1.210.000 lượt khách đến Bắc Ninh, đạt 76% kế hoạch và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018; tổng doanh thu du lịch 9 tháng ước đạt 880 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch và tăng 23%.

9. Các lĩnh vực xã hội

9.1. Đời sống dân cư và công tác xã hội

Đời sống các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh được cải thiện. Các chế độ tiền lương, chính sách đối với đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh vẫn được đảm bảo; chế độ nâng lương định kỳ, bảo hiểm xã hội…góp phần ổn định hơn về đời sống vật chất, tinh thần, yên tâm trong công tác. Công tác an sinh xã hội luôn được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh; thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh tạo việc làm mới đạt kết quả tích cực.

9.2. Lao động và việc làm

Tính chung 9 tháng, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 21.350 lao động, đạt 76% KH và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Công tác đào tạo nghề từng bước được nâng cao về chất lượng và gắn với yêu cầu thị trường, giảm thiểu chi phí cho hoạt động đào tạo, đào tạo lại của doanh nghiệp. Đến tháng 9, toàn tỉnh có 735,2 nghìn lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

9.3. Giáo dục - Đào tạo

Giáo dục: Năm học 2018-2019, chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu và vẫn là điển hình toàn quốc. Chất lượng phổ cập, xóa mù chữ tiếp tục được duy trì, nâng cao. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc có tới 59/70 thí sinh dự thi đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, 1 học sinh được tham dự và nhận Bằng khen của Ban tổ chức kỳ thi Olimpic Vật lý châu Âu. Tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, toàn tỉnh có 95,46% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT trong đó điểm bình quân 3 môn thi khối A của thí sinh Bắc Ninh đều xếp thứ hạng cao toàn quốc. Kết thúc năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT Bắc Ninh vinh dự được Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen trong đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm học 2019-2020, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng giáo dục, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo. Đào tạo: Đến nay, số trường đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ và ĐH trên địa bàn tỉnh đã ổn định về số lượng. Nhiều cơ sở đào tạo đã tổ chức liên kết và được hỗ trợ của các DN FDI để cải tiến chất lượng đào tạo, thường xuyên tổ chức hội thi tay nghề kỹ thuật, năng lực sáng tạo. Năm học 2019-2020, các trường TCCN và dạy nghề dự kiến tuyển sinh 28.950 học sinh (không tính học viên trong các lớp ngắn hạn từ 3 tháng trở xuống), tăng 7,4% so với năm học trước, với 3.250 giảng viên, tăng 0,8%.

9.4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Trong 9 tháng, các tuyến y tế đã khám bệnh cho 1.649,1 nghìn lượt người, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó có 220,5 nghìn người điều trị nội trú, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được Ban QL an toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra chặt chẽ và tập trung giám sát các cơ sở, DN chế biến suất ăn công nghiệp, trong các DN có số lượng lao động lớn và tự triển khai bếp ăn. Trong 9 tháng, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm lớn do Công ty Cổ phần Bktech Vina cung cấp suất ăn cho 4 công ty trong KCN làm cho 132 người bị ngộ độc, không có trường hợp tử vong.

9.5. Văn hoá thông tin và thể dục thể thao

Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội, vui chơi mừng năm mới, các lễ kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, địa phương thiết thực, tiết kiệm, lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc, với thuần phong, mỹ tục, phong tục, tập quán của từng địa phương. Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh đã bố trí, sắp xếp lại khung chương trình phát thanh, truyền hình, mở thêm nhiều chương trình, chuyên mục mới. Kết quả, đã thực hiện 5.431 chương trình phát thanh, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, với 7.424 giờ, tăng 55,5%; xây dựng và sản xuất 4.340 chương trình truyền hình, tăng 15,4%, với 6.480 giờ, đạt xấp xỉ năm trước.Tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; chất lượng hoạt động TDTT quần chúng; phát triển phong trào TDTT trong cán bộ, CNVCLĐ, người cao tuổi, học sinh, sinh viên và trong lực lượng vũ trang. Ở cấp tỉnh, đã tổ chức thành công nhiều giải thể thao, như: cầu lông, bóng chuyền, quần vợt, vật và võ cổ truyền, cờ vua, cờ tướng; Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2019 gắn với giải chạy Nagakawa “khỏe để lập nghiệp và giữ nước” cúp Báo Bắc Ninh lần thứ XXIII năm 2019; giải bóng chuyền nữ quốc tế cúp LienvietPostbank; giải bóng chuyền quốc gia PV Gas năm …

9.6. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội

An ninh chính trị và TTATXH: Tính từ ngày 16/12/2018 đến 15/9/2019, toàn tỉnh đã xảy ra 512 vụ phạm pháp hình sự và bắt giữ 575 vụ vận chuyển, mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy với 864 đối tượng, thu 6.216 gam ma tuý các loại. Nhìn chung, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được ổn định. An toàn giao thông: Trong 9 tháng, trên các tuyến đường bộ đã xảy ra 68 vụ TNGT, làm chết 52 người, bị thương 25 người; so với cùng kỳ năm trước, giảm 14 vụ, giảm 8 người chết và tăng 3 người bị thương.

9.7. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

Tháng 9, cơ quan chức năng đã phát hiện 348 vụ vi phạm môi trường. Trong đó, đã xử lý 19 vụ với tổng số tiền nộp phạt kho bạc là 2,2 tỷ đồng. Như vậy, tính chung 9 tháng trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 171 vụ vi phạm môi trường, tiến hành xử phạt 327 vụ và nộp kho bạc 4,8 tỷ đồng. Công tác PCCC&CNCH được tăng cường, với nhiều hình thức, như: tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, pháp luật về PCCC và kỹ năng xử lý các sự cố cháy, nổ được đẩy mạnh. Trong tháng 9, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ cháy nghiêm trọng tại TP Bắc Ninh làm 1 người chết, ước tính thiệt hại về tài sản trên 3 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng, toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ cháy nổ, giá trị thiệt hại ước tính gần 17 tỷ đồng./.

 

Biểu KTXH tháng 9 và Quý III năm 2019.

Nguồn: Cục Thống kê Bắc Ninh