Ý nghĩa và lợi ích thiết thực khi tham gia BHYT

19/10/2018 10:35

(BNP) - Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang ngày càng hoàn thiện quá trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá thì việc ốm đau, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, thai sản, mất việc làm… lại xảy ra một cách thường xuyên và ngày càng phổ biến hơn, phức tạp hơn. Khi những rủi ro này xảy ra sẽ gây khó khăn cho người lao động về cả vật chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng không tốt cho cả cộng đồng.

Ảnh minh họa.

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, luôn đề cao trong hệ thống chính sách An sinh xã hội. Thực tế việc tham gia BHYT đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm, bệnh tật

Tham gia BHYT là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi bị ốm đau, bệnh tật.  BHYT chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc men và chăm sóc cho người có thẻ khi đi khám chữa bệnh( KCB) theo đúng nơi đăng ký ghi trên thẻ. Thực hiện KCB bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau.

Tất cả trẻ em dưới 6 tuổi, những người trong diện hộ nghèo được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí. Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng phí BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo; những người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhà nước hỗ trợ 70% phí BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo;

Người có thẻ BHYT khi đi KCB được Quỹ BHYT chi trả tối thiểu 80% chi phí KCB, có nhiều đối tượng được quỹ BHYT chi trả 100%; được y, bác sĩ KCB và được chuyển đến bệnh viện tuyến trên khi bệnh nặng. Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB BHYT tại tuyến xã; KCB có tổng chi phí của một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở ( tương đương 172.500 đồng); Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB khi người KCB có thời gian tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên và đã có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở( tương đương 6,9 triệu đồng).

Từ ngày 01/01/2016, người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh và có mức hưởng theo quy định như đúng tuyến. Được thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú tại tuyến tỉnh đến ngày 31/12/2020; và 100% chi phí điều trị nội trú tại tuyến tỉnh từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước. Được thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú tại tuyến trung ương.

Để được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của pháp luật khi KCB  bằng thẻ BHYT thì người tham gia BHYT cũng phải thực hiện các trách nhiệm của mình như: Mua thẻ BHYT cho tất cả thành viên trong hộ gia đình, cứ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm một lần, đóng phí mua thẻ trước khi hết hạn thẻ. Người cận nghèo đóng phí mua thẻ BHYT cho đại lý thu BHYT với số tiền theo mức quy định đối với người thuộc hộ cận nghèo. Người mua BHYT cần kiểm tra tên, tuổi ghi trên thẻ BHYT khi nhận thẻ. Nếu thông tin không đúng thì báo ngay với đại lý thu phí mua thẻ BHYT để chỉnh sửa. Không được cho người khác mượn thẻ, phải giữ gìn thẻ khỏi bị mất, rách, hỏng. Khi làm rách, hỏng hoặc mất thẻ thì làm đơn đề nghị với nơi đóng phí mua thẻ để được đổi hoặc cấp lại.

Khi sinh đẻ hay ốm đau, bệnh tật cần đến cơ sở y tế để KCB theo BHYT, khi đi KCB cần mang theo thẻ BHYT và chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có dán ảnh; mang theo thẻ BHYT và hồ sơ chuyển viện khi được chuyển tuyến trên; mang theo thẻ BHYT và giấy hẹn khi đi khám lại... Trong quá trình KCB cần thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ tế tại cơ sở đến KCB; Cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của thầy thuốc để chữa bệnh có hiệu quả. Phải thanh toán chi phí KCB ngoài phần chi phí do Quỹ BHYT chi trả theo quy định của pháp luật.

M.L