Đình Nguyệt Cầu, xã Tam Giang, huyện Yên Phong

08/12/2022 07:30

(BNP) - Đình Nguyệt Cầu, xã Tam Giang, huyện Yên Phong được xây dựng vào thời Nguyễn và trải qua nhiều lần tu tạo. Từ năm 1954 -1982, đây là nơi làm việc của chính quyền xã. Đến năm 2004, đình được trùng tu tôn tạo lại.

Cổng Đình Nguyệt Cầu.

Đình Nguyệt Cầu thờ tướng Lê Phụng Hiểu - một nhân vật lịch sử thời Lý, có công giúp Vua đánh giặc Chiêm Thành và dẹp loạn Tam Vương. Ông được phong thác đao điền (ném đao đến đâu cấp đất đến đó) và được Vua mời về đạo Kinh Bắc và ban cho bổng lộc.

Toàn cảnh khuôn viên Đình Nguyệt Cầu.

Tòa đại đình.

Đình nằm ở vị trí trung tâm của thôn, tọa lạc trên khu đất đẹp, thế đất bằng phẳng, trước mặt là ao đình, xung quanh là khu dân cư sinh sống đông đúc. Đình có kết cấu mặt bằng kiểu chữ Đinh, phía trước là Đại đình 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, nằm song song phía sau là Hậu cung 1 gian. Các công trình được thiết kế với kiểu thức kiến trúc truyền thống, bố cục gọn gàng chặt chẽ, hoà nhập với môi trường thiên nhiên xung quanh.

Trên diềm cửa được chạm trổ lưỡng long chầu nguyệt.

Các mái đao cong được trang trí các con vật linh theo thể đăng đối.

Tòa Đại đình 3 gian 2 chái, mái theo kiểu tàu đao lá mái gồm 4 đầu đao, 4 mái lợp ngói mũi, trên bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt. Hệ thống cột gồm 4 hàng cột ngang và 6 hàng cột dọc, khung nhà làm bằng gỗ lim.

Hệ thống cửa bức bàn.

Phía trươc tòa Đại đình được trang trí đôi rồng đá.

Các bộ vì liên kết theo kiểu “giá chiêng, con chồng, kẻ trường”, trên cốn, đầu dư chạm rồng mây. Đặc biệt, trên diềm cửa được chạm trổ, trang trí khá kỳ công hình tượng lưỡng long chầu nguyệt, mây lưỡi mác và các con vật linh theo thể đăng đối.

Trên cốn, đầu dư đều được chạm rồng mây cách điệu.

Hậu cung là toà nhà chạy dọc, ngăn cách giữa Hậu cung và Đại đình là hệ thống cửa bức bàn. Hậu cung 2 gian, kết cấu gỗ lim.

Một góc sân đình và khu vực nhà soạn lễ.

Khu vực ao phía trước sân đình.

Trong đình hiện còn lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu như: 06 đạo sắc phong có niên đại: Tự Đức 6 (1853), Tự Đức 10 (1857), Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924); ngai thờ, tượng thờ, hòm sắc phong, bộ bát bửu… đều có niên đại thời Nguyễn...

Gian thờ chính trong tòa Đại đình.

Lễ hội truyền thống Đình Nguyệt Cầu được tổ chức từ ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm. Vào ngày chính hội, đội tư văn tổ chức tế thánh tại đình. Trong ngày hội, địa phương thường tổ chức các hoạt động như: đập niêu, kéo co, chọi gà, vật, bóng đá, bóng chuyền và các hoạt động giao lưu văn nghệ, hát quan họ tại ao đình…

Hệ thống các câu đối.

Các đạo sắc phong còn được lưu giữ trong Đình.

Bộ bát bửu có niên đại thời Nguyễn.

Ngoài Lễ hội chính, trong năm còn có các ngày sự lệ. Ngoài ra, các ngày tuần rằm, mùng một, nhân dân địa phương đều sắm sửa hương đăng, trà quả thắp hương lễ Thánh.

Di tích được UBND tỉnh xếp hạng tại Quyết định số 1376/QĐ-UBND ngày 25/10/2006.

T.L