Nghề cói truyền thống làng Quế Ổ
Trước tác động của cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, nhiều làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một do khó khăn trong việc tìm đầu ra, công sức lao động chưa được đáp trả xứng đáng khiến nhiều người đã từ bỏ, chuyển sang những ngành nghề khác. Song ở làng nghề đan bị, chiếu cói Quế Ổ, xã Chi Lăng (Quế Võ) đã hàng trăm năm nay, chưa một ngày nào là vắng bóng sản phẩm...
Các bà, các cô tranh thủ đan cói lúc nông nhàn
Những chiếc bị cói, chiếu manh tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng đằng sau nó là những câu chuyện rất dài. Chẳng ai biết chính xác nghề thủ công này có tự bao giờ, cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, lớp trước truyền nghề cho lớp sau, hàng trăm năm nay, chưa một ngày nào là làng nghề thiếu vắng sản phẩm.
Sống trong cái nôi của làng nghề truyền thống nên trẻ em Quế Ổ, khi chưa đầy 10 tuổi đã thành thạo tay nghề. Những dịp nghỉ hè, hay mỗi khi rảnh rỗi, các em lại đan lát, giúp đỡ cha mẹ tăng gia sản xuất. Đó không chỉ là công việc thường nhật mà còn là một thú vui của các em.
Vào những dịp nông nhàn, các bà, các cô lại tập trung cả ngày ngoài sân đình, sân hợp tác vừa đan những sản phẩm từ manh, từ cói, lại vừa râm ran chuyện trò, hát quan họ, không khí rất tươi vui, tạo nên nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng đặc trưng của người Việt. Sản phẩm của làng nghề cũng ngày một đa dạng và phong phú.
Trong những năm kháng chiến thì đan giỏ, đan bị cho bộ đội gùi thóc gạo, đan chiếu manh trải ổ rơm thay đệm. Sau thì đan túi cho các bà, các mẹ xách đi chợ, cho em nhỏ đựng đồ dùng hay sách vở học trò... Hiện nay, theo thị hiếu của người tiêu dùng làng nghề phát triển thêm nhiều mẫu sản phẩm mới như giỏ hoa, túi xách..., khi có các đơn đặt hàng thì làm theo yêu cầu, thường là các sản phẩm để bọc, bảo quản đồ dễ vỡ như gốm, sứ, thủy tinh, giỏ đựng rượu, túi ươm mầm cây...
Thuở trước, cứ độ tháng 6, tháng 7 hàng năm, người Quế Ổ lại rủ nhau từng tốp cỡ hai chục người, bắt tàu xuống Hải Phòng, Quảng Ninh, vào Nghệ An, ra Thanh Hóa... kiếm tìm nguyên liệu. Những chuyến đi gần, tìm nguyên liệu thuận lợi thì mất khoảng dăm bảy ngày, xa hơn thì phải mất hơn nửa tháng. Nguyên liệu manh, cói tìm thấy được tuốt sợi, phơi tái, bó lại rồi thuê tàu, thuyền chở về.
Hiện nay, người Quế Ổ đã chủ động trong việc tìm nguồn nguyên liệu. Các hộ gia đình đã bàn bạc, cắt một số diện tích đất ở ruộng trũng, trồng lúa cho năng suất bấp bênh sang trồng cói. Cói dễ trồng và tốn ít công chăm sóc, mỗi năm cho thu hoạch 3 đợt cũng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, bà con tận dụng thu mua các giỏ manh, chuyên dùng để đựng hoa quả từ các chợ đầu mối ở Hà Nội về tách ra, phơi khô, cho vào máy quay mềm (gọi là gon), lát thành từng món rồi đan thành sản phẩm.
Hiện nay toàn thôn Quế Ổ có khoảng 650 hộ, thì có tới hơn 90% các hộ gia đình vẫn giữ nghề truyền thống của cha ông. Trung bình mỗi ngày, một người lành nghề có thể đan được 3 đến 4 chiếc chiếu manh, hoặc 30 chiếc bị cói. Tuy thu nhập chỉ ở dạng thấp, khoảng 40 nghìn đồng/ngày nhưng những sản phẩm này vẫn “ra lò” đều đặn do sản xuất đơn giản, không đòi hỏi công đoạn cầu kỳ, từ người già đến trẻ nhỏ đều làm được và có người đến tận nơi để thu mua.
Tuy hiệu quả kinh tế mang lại không thật sự cao, nhưng chính từ tình yêu nghề, lòng nhiệt huyết, mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của cha ông đã giữ lửa cho làng nghề Quế Ổ. Đều đặn mỗi ngày, hàng trăm sản phẩm từ manh, từ cói, chứa đựng tình quê của người Kinh Bắc.