Những người “gieo chữ” nơi đầu sóng
Vượt qua bao khó khăn, thử thách những giáo viên từ đất liền đã tình nguyện đến với vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc để mang con chữ, gieo mầm cho thế hệ tương lai của đất nước.
Thầy và trò Trường Tiểu học Song Tử Tây giao lưu với thành viên đoàn công tác.
Đó là hình ảnh đáng nhớ của thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Dáng người thầy gầy gò nhưng giọng thầy thì sang sảng như át cả tiếng sóng biển ầm ào. Sau đợt bị ốm, cơ mắt của thầy yếu nên thị lực giảm; thầy đang chờ đến ngày nghỉ phép để đi điều trị.
Gần 40 tuổi, chưa lập gia đình, thầy Phú đã có 3 năm gắn bó với ngôi trường, mái ngói đỏ giữa đảo xanh, nơi lớp học đặc biệt diễn ra hàng ngày. Nói là đặc biệt vì lớp học chưa đầy 10 học sinh nhưng đủ độ tuổi từ mẫu giáo đến lớp 4. Mỗi buổi lên lớp, thầy phải nói liên tục từ lúc vào lớp đến lúc trống nghỉ giữa giờ. Khi chúng tôi vào, vừa giảng toán cho nhóm lớp 3 và giao xong bài tập để học sinh tự làm, thầy đã di chuyển sang nhóm lớp 2 với bài ôn tập.
Để "chạy" cùng lúc nhiều giáo án, giúp học sinh nắm được kiến thức, thời khóa biểu không sắp xếp theo thứ tự tiết toán hay tiếng Việt, âm nhạc… mà thầy phải linh hoạt mới hoàn thành nội dung chương trình. Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú cho biết: Trước khi ra Trường Sa, tôi đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa tập huấn dạy lớp ghép với học sinh nhiều độ tuổi khác nhau nhưng thực tế không hề dễ dàng. Mỗi buổi tôi phải kết hợp hài hòa giữa môn này với môn kia, không thể cùng lúc nhóm này học toán mà nhóm kia học nhạc được. Khi tôi muốn dạy kiến thức mới cho nhóm lớp này thì phải giao bài cho các bạn còn lại đọc trước…”.
Trên xã đảo Song Tử Tây, còn có thầy Nguyễn Bá Ngọc, dù đã lập gia đình, đang có con nhỏ và công việc ổn định gần nhà nhưng thầy vẫn xung phong ra đảo. Quyết định này gây ngỡ ngàng cho bao người thân và bạn bè nhưng theo thầy lý giải thì đó là ước mơ của thầy từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Bản thân thầy cũng muốn đóng góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng biển, đảo quê hương.
Thầy giáo Bành Hữu Tình là một trong số giáo viên đang công tác ở thị trấn Trường Sa. Giống như thầy Phú ở xã đảo Song Tử Tây, lớp của thầy Tình trên đảo Trường Sa cũng là 5 trong 1. Nội dung học tập được triển khai theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng hình thức tổ chức thì theo mô hình lớp chia theo nhóm. “Là lớp ghép nên em này đang học, có khi em khác lại khóc, đòi về. Tôi vừa dạy, vừa dỗ, vừa giúp các em trong việc vệ sinh cá nhân. Ban đầu cũng sốc và ngại lắm, vì mình trẻ, trước giờ chỉ biết lên lớp dạy. Riết rồi quen, tôi cũng thấy bình thường”-Thầy giáo Bành Hữu Tình chia sẻ.
Ở trường sư phạm, các thầy chỉ được đào tạo để dạy học sinh tiểu học nhưng khi ra đảo thì các thầy dạy luôn cả lớp mẫu giáo. Ở trên đảo, các cháu không đông và cũng không có nhiều trò để chơi, do đó, chúng tôi khuyến khích các gia đình cho con đến trường làm quen càng sớm càng tốt. Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú chia sẻ thêm.
Ngoài những tiết học chính khóa trong lớp theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thầy thường lồng ghép thêm nội dung tham quan phòng truyền thống của đảo, qua đó nhân lên tình yêu quê hương đất nước, yêu biển, đảo cho học sinh.
Chị Đặng Thị Báu, phụ huynh tại xã đảo Song Tử Tây cho biết: Các thầy chăm sóc, dạy dỗ các cháu rất tận tình, chu đáo. Học ở đảo không được đầy đủ tiện nghi như ở đất liền, thay vào đó các em luôn nhận được sự dạy bảo tận tình từ các thầy không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng trong cuộc sống.
Hiện nay, để được đến Trường Sa giảng dạy, ngoài tinh thần xung phong, các giáo viên phải đạt được các tiêu chuẩn như: Giới tính nam, độ tuổi từ 25-40, sức khỏe tốt, có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Khánh Hòa từ 3 năm trở lên. Theo lãnh đạo Huyện ủy huyện đảo Trường Sa, hàng năm số lượng giáo viên đăng ký tình nguyện ra đảo khá đông nhưng các đảo vẫn thiếu giáo viên dạy các môn thể dục, tiếng Anh và tin học. Việc kiêm nhiệm cả 2 cấp học mầm non và tiểu học cũng gây khó khăn cho trẻ dưới 5 tuổi khi đến lớp và cho giáo viên trong tổ chức các hoạt động và chăm sóc trẻ.
Mặc dù ở đảo xa, cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng lúc nhưng các thầy đều có điểm chung là yêu nghề, gắn bó với ngành. Họ cống hiến hết lòng để đưa con chữ đến với con em huyện đảo, đóng góp một phần công sức vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.