Trường Sa ngày mới
47 năm sau ngày giải phóng, Trường Sa hôm nay không chỉ “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân” mà còn là những điểm chốt tiền tiêu chiến lược vững chắc trên Biển Đông. Huyện đảo Trường Sa còn từng bước trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ tại lần đến thăm, làm việc với tỉnh Khánh Hòa gần đây.
Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân thăm, tặng quà các hộ dân ở thị trấn Trường Sa.
Màu xanh trở lại
Từ bao khó khăn thiếu thốn sau ngày giải phóng, Trường Sa hôm nay thực sự đã “thay da đổi thịt” làm ngỡ ngàng bao con tim khi lần đầu đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc ở nơi đầu sóng. Nhà báo Nguyễn Quang Hiệu, Phòng Chính trị, Ban Thời sự VTV1 lần đầu ra Trường Sa không nén được cảm xúc của mình: Lên đảo, chứng kiến sức sống của Trường Sa hôm nay tôi mới cảm nhận hết được giá trị từng tấc đất, sải biển của Tổ quốc mà các thế hệ đã đổ biết bao xương máu để bảo vệ và xây dựng quần đảo rạng ngời, vững chãi như hôm nay. Theo Nhà báo Quang Hiệu, anh phải thay đổi kịch bản dẫn hiện trường (đã chuẩn bị từ đất liền) bởi những cảm nhận chỉ có được khi trải nghiệm ở Trường Sa. Đó là ý chí kiên cường, bản lĩnh của quân dân nơi đây khi đối mặt với những thử thách không lường trước được; là tinh thần khắc phục khó khăn, ý chí tự lực tự cường để chiến thắng sự khắc nghiệt của thời tiết, là tình quân dân sâu đậm, nghĩa tình.
Câu chuyện về khắc phục hậu quả bão số 9 năm ngoái của quân dân đảo Song Tử Tây không chỉ khiến các nhà báo xúc động và cảm phục. Vốn là một hòn đảo được phủ xanh bởi những cây phong ba có tuổi đời hàng chục năm tuổi, chưa kể các loài cây như mù u, bàng vuông luôn tươi tốt, nhưng sau khi bão số 9 tràn qua, tất cả còn lại là nền đất đá trơ trọi, màu xanh trên đảo đã không còn. Thượng tá Hoàng Thanh Tú, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây chia sẻ: Dù đảo đã chủ động phòng, chống nhưng với sức gió cấp 14, 15, giật trên cấp 16, bão số 9 cuối năm 2021 đổ bộ vào đảo làm đổ, bật gốc, gãy trên 90% cây xanh, 17 căn nhà bị bay ngói, gần 200 pin năng lượng mặt trời bị hư hỏng, toàn bộ vườn tăng gia bị sập đổ, đất trên đảo bị nhiễm mặn. Bàng hoàng, xót xa rồi cũng qua đi để nhường chỗ cho sự đồng lòng, quyết tâm khắc phục hậu quả cơn bão. Đảng ủy đảo đã ra nghị quyết chuyên đề và tập trung toàn lực cho việc củng cố đơn vị, nhất là ưu tiên củng cố công sự trận địa, xử lý môi trường, đất nhiễm mặn, quyết không để quân dân thiếu rau xanh, thực phẩm phục vụ sinh hoạt.
Như một câu chuyện cổ tích, cùng với sự quan tâm của đất liền, nhất là biết bao công sức của quân dân trên đảo đã bỏ ra những tháng vừa qua, để rồi màu xanh trên đảo đã bắt đầu trở lại với hơn một 1.000 cây xanh được ươm và trồng mới, hệ thống phòng thủ, cảnh quan, đời sống sinh hoạt cho quân dân đến nay cơ bản được khắc phục. Một cán bộ trên đảo tâm sự: Thời gian qua, chúng tôi thực sự không có ngày nghỉ, tất cả cùng chung sức, đồng lòng để màu xanh trên đảo trở lại. Nhìn nước da đen sạm của cán binh chúng tôi hiểu phần nào những gian khó mà họ đã vượt lên để có được những chồi non trên nền cát trắng Trường Sa.
Thành trì vững chắc trên biển
Một trong những mục tiêu xuyên suốt và quyết tâm chính trị của các thế hệ cũng như quân dân Trường Sa hôm nay và Hải quân NDVN nói chung là xây dựng quần đảo trở thành pháo đài thép, là thành trì vững chắc, là những điểm chốt tiền tiêu chiến lược ở sườn phía Đông của Tổ quốc. Cùng với sự quan tâm của đất liền, nhất là ý chí quyết tâm “còn người còn đảo” của quân dân nơi đây, Trường Sa hôm nay đã có thế đứng vững vàng, vững chắc hơn trước rất nhiều.
Tại đảo Nam Yết, khi chứng kiến kết quả huấn luyện thực binh của các lực lượng trên đảo, Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân đã không dấu được niềm vui của mình. Với tác phong sâu sát, tỷ mỉ, nhất là với tinh thần “phải biết những gì bộ đội thiếu, hiểu những gì bộ đội khó”, đồng chí Tư lệnh đã đến kiểm tra từng khẩu đội, trực tiếp thăm hỏi chúc mừng các chiến sĩ bắn giỏi của đảo. Tư lệnh Hải quân cho rằng đảo bắn giỏi không chỉ thể hiện trên các mục tiêu đã bị hạ mà còn ở trình độ tổ chức chỉ huy, xử trí tình huống của cán bộ các cấp, khả năng thao tác, sử dụng hỏa lực thuần thục của từng chiến sĩ, chứng tỏ đảo tổ chức huấn luyện nghiêm túc, bài bản. Có được kết quả trên, theo Thượng tá Nguyễn Sĩ Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, bên cạnh quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết của trên, không để bị động, bất ngờ, đảo đã duy trì thực chất khả năng SSCĐ, thường xuyên luyện tập, báo động chuyển trạng thái để bộ đội xử trí các tình huống khó khăn, phức tạp. Đơn vị nào, phân đội nào thực hiện chưa tốt đều được chỉ huy đảo chấn chỉnh và huấn luyện bổ sung kịp thời...
Là thành trì vững chắc không chỉ ở thế trận phòng thủ, các đảo ở Trường Sa từ lâu là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế biển. Tại âu tàu đảo Song Tử Tây và đảo Trường Sa, khi được nhận quà của Tư lệnh Hải quân là những chiếc áo phao, cờ Tổ quốc, các nhu yếu phẩm, nhiều ngư dân đã không khỏi xúc động. Ngư dân Thiều Nhựt Hiền, chủ tàu cá BTh 91173 TS cho biết: Từ khi Trường Sa có các âu tàu, làng chài, có các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, việc khai thác hải sản xa bờ của ngư dân Bình Thuận có lợi nhuận hơn trước rất nhiều, bởi các chuyến biển kéo dài hơn, không phải vào bờ tiếp nhiên liệu, nước ngọt như trước. Nhất là khi gặp bão gió thì ghé ngay vào các âu tàu tránh trú bão, rất an toàn, hết bão lại ra khơi, tiện lợi đôi đường.
Chỉ riêng tại âu tàu đảo Sinh Tồn, trong con bão số 9 (tháng 12/2021) đã có 81 lượt tàu với hơn 700 ngư dân Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Quãng Ngãi, Khánh Hòa vào trú tránh bão an toàn. Trung úy Đoàn Trung Kiên, cán bộ Trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật cho biết: Quân dân trên đảo đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngư dân có chỗ ăn nghỉ, thăm, khám sức khỏe trong những lần trú tránh bão, do đó không ít ngư dân rất xúc động và xác định các âu tàu từ nay sẽ là ngôi nhà thứ hai trên biển của mình, tích cực vươn khơi bám biển, cùng chung sức bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.